Một bài học thành công trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, góp phần hạn chế được tình trạng đình công, lãn công chính là việc các Công đoàn cơ sở chủ động đàm phán, thương lượng với doanh nghiệp (DN) tăng cường đối thoại với người lao động (NLĐ). Điều này giúp DN và NLĐ chia sẻ những thuận lợi, khó khăn đồng thời cùng thực hiện mục tiêu: lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thực tế hoạt động của nhiều DN tại Đồng Nai cho thấy, DN nào càng quan tâm đến công tác đối thoại với NLĐ, DN ấy càng ổn định và phát triển. Tại các buổi đối thoại định kỳ, NLĐ được thẳng thắn nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN; đồng thời, kiến nghị về chế độ, chính sách nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình. Hội nghị đối thoại còn là cơ hội để DN và NLĐ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nhằm đi đến sự thống nhất một số nội dung được đưa ra tại buổi đối thoại. Đề nghị, ý kiến nào phù hợp sẽ được xem xét thực hiện ngay. Ngược lại, những đề xuất, ý kiến còn chưa đúng quy định hay cần thời gian nghiên cứu sẽ được DN ghi nhận.
Theo lãnh đạo một số DN, không phải đề đạt nào của NLĐ cũng được giải quyết, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân NLĐ chưa hiểu đúng luật và các quy định có liên quan. NLĐ cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài nên ý kiến nêu ra có khi chưa chuẩn xác. Nhưng chính nhờ đối thoại mà NLĐ hiểu hơn về tình hình hoạt động thực tế của DN, từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ. Minh chứng rõ nhất là khoảng thời gian khó khăn sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới, NLĐ đã sát cánh cùng DN, sẵn sàng giảm, giãn giờ làm hoặc nhận lương chậm để sẻ chia với DN.
Tăng đối thoại có thể nói là một trong những điểm mấu chốt giúp DN ổn định được tình hình sản xuất, kinh doanh, không phát sinh “điểm nóng”, nhất là ở những DN có đông lao động. Bởi chỉ khi ý kiến, nguyện vọng của NLĐ được lắng nghe, khi đó mới chứng tỏ DN trân trọng nguồn lực lao động của mình. Vì thế, tại Đồng Nai, không hiếm lãnh đạo DN dành thời gian xuống từng dây chuyền sản xuất hỏi thăm công nhân; tổ chức chào NLĐ vào mỗi buổi sáng ở cổng công ty hay thường xuyên có những bữa tiệc tri ân NLĐ ngoài hội nghị đối thoại định kỳ… NLĐ cảm nhận được sự quan tâm của DN dành cho mình, từ đó yên tâm làm việc, nỗ lực cống hiến.
Mục tiêu hoạt động của DN bao giờ cũng đặt lợi nhuận và sự phát triển vững mạnh lên hàng đầu. Muốn thực hiện được điều này, NLĐ đóng vai trò quan trọng. Do đó, lắng nghe, chia sẻ, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của NLĐ là nghĩa vụ, trách nhiệm, nhưng cũng là lợi ích lâu dài của DN. Đây cũng là giải pháp để DN giữ chân NLĐ trong thời điểm tuyển dụng lao động khó khăn như hiện nay.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin