Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi lao động nữ đam mê ngành cơ khí

Lan Mai
07:05, 17/02/2025

Những năm gần đây, trước việc tuyển dụng lao động khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất cơ khí trên địa bàn Đồng Nai đã mở rộng tuyển thêm lao động nữ vào làm việc.

ADVERTISEMENT

Lao động nữ miệt mài với nghề cơ khí tại Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom). Ảnh:L.Mai
Lao động nữ miệt mài với nghề cơ khí tại Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom). Ảnh:L.Mai

Tại đây, với sự nhạy bén, năng động và được DN hỗ trợ đào tạo nghề, lao động nữ đã thành công với nghề và có mức thu nhập ổn định.

Có duyên với nghề cơ khí

ADVERTISEMENT

Là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng 6 năm qua, chị Võ Thanh Mai, làm việc tại Công ty CP Công nghiệp chính xác VPIC (huyện Trảng Bom), không còn xa lạ với âm thanh của các thiết bị đặc trưng ngành cơ khí như: mài, hàn, giũa, tiện… Chọn ngành nghề mà thế mạnh không thuộc về phụ nữ, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị Mai đã vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu để chỗ đứng vững và thu nhập ổn định.

Theo chị Mai, ngành cơ khí tuy vất vả, hàng ngày phải “quay cuồng” với tiếng máy cắt, máy khoan nhưng đã mang lại cho chị nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Chị Mai chia sẻ. “Mới đầu tiếp xúc với công việc, bản thân tôi có lúc nản bởi nghề này đòi hỏi công nhân phải luôn sáng tạo, nhất là khi DN đầu tư máy móc, công nghệ mới, mình phải nhanh nhạy tiếp cận nhanh. Sau quá trình gắn bó, giờ tôi có thể làm ở nhiều khâu từ vận hành máy cắt đến hàn, làm khuôn và công việc cũng làm bình đẳng như nam giới”.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, Đồng Nai hiện có trên 150 DN cơ khí - điện tử. Những năm qua, Công đoàn cơ sở các DN đẩy mạnh hoạt động chăm lo đời sống người lao động. Đặc biệt, nhiều lao động nữ ngành cơ khí vươn lên khẳng định mình trong công việc, được DN và tổ chức Công đoàn ghi nhận, khen thưởng hàng năm nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, đam mê nghề của họ.

ADVERTISEMENT

Chị Nguyễn Thị Quyên bén duyên nghề cơ khí tại Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) cách đây hơn 8 năm và nhanh chóng bắt nhịp với guồng quay của công việc. Hiện chị Quyên là công nhân gia công cơ khí, chuyên đứng vận hành cụm máy tiện CNC, máy khoan, máy phay. Để đáp ứng được yêu cầu của công việc, bên cạnh sự đào tạo, hướng dẫn từ DN, bản thân chị không ngừng tìm tòi, học hỏi trau dồi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề.

Trong suốt quá trình làm việc, chị Quyên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình công nghệ, kỹ thuật, quy định về an toàn vệ sinh lao động. Từ thực tiễn công việc, chị Quyên đã có nhiều sáng kiến cải tiến giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Theo chị Quyên, đặc thù nghề này gắn liền với máy móc để sản xuất động cơ, linh kiện, các bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ nên đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao mới đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu đam mê, chịu khó học hỏi, khám phá, lao động nữ sẽ hoàn thành xuất sắc công việc giống như nam giới.

Hoàn thành tốt công việc được giao

Năm 2009, chị Lê Tuyết Nhung (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) quyết định chọn ngành cơ khí tại trường nghề để theo đuổi đam mê. Chị Nhung bộc bạch, bản thân chưa từng nghĩ mình sẽ theo ngành cơ khí vì ngành này thường dành cho lao động nam. Tuy nhiên, càng tìm hiểu, chị càng thấy lĩnh vực này hay nên quyết định theo đuổi học tập. Sau khi tốt nghiệp, chị vào làm việc tại Công ty TNHH Perfect Vision (huyện Long Thành).

Lao động nữ miệt mài với nghề cơ khí
tại Công ty TNHH Công nghiệp Broad
Bright (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện
Trảng Bom).
Lao động nữ miệt mài với nghề cơ khí tại Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom).

Dù là người phụ nữ chân yếu tay mềm, song với những kiến thức, kỹ năng của bản thân, chị Nhung luôn hoàn thành tốt công việc và hướng dẫn đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Nghề cơ khí phức tạp vì nhiều chi tiết máy công nghệ mới. Từ kiến thức chuyên môn học được ở trường, sự hỗ trợ đồng nghiệp và miệt mài tìm hiểu cấu tạo từng loại máy, tôi thành công với công việc và đam mê với nghề đến nay” - chị Nhung chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright, khi nhắc đến lĩnh vực cơ khí, nhiều người thường nghĩ đây là công việc chỉ dành riêng cho nam giới. Tuy vậy, ở nhiều nhà máy vẫn có bóng dáng của những lao động nữ tận tụy, tâm huyết với nghề. Như tại Công ty TNHH Công nghiệp Broad Bright, nữ lao động chiếm khoảng hơn 20% trong tổng số hơn 300 lao động đang làm việc tại DN.

Theo các DN, vài năm gần đây nguồn nhân lực khan hiếm do dịch chuyển lao động dẫn đến việc tuyển lao động rất khó khăn, buộc các DN cơ khí, điện tử chuyển hướng tuyển lao động nữ vào làm việc. Tại đây, họ được đào tạo nghề bài bản và tiếp cận công việc nhanh. Hiện lao động nữ có thể làm nhiều bộ phận như: vận hành máy, lắp ráp sản phẩm, hàn các khung xe và vận hành máy rập khuôn, cắt kim loại... Nhìn bề ngoài, lao động nữ có vẻ yếu đuối nhưng khi vào làm việc, họ rất tự tin, làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận và khéo léo.

Tại Hội nghị Giao ban Công đoàn cơ sở ngành cơ khí, điện tử năm 2024 do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, các DN cho biết, trước đây, ngành cơ khí được xem là chỉ dành cho lao động nam nhưng nay, DN mở rộng xu hướng tuyển chọn lao động nữ với thu nhập hấp dẫn. Điều này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kỹ thuật. Hiện lao động nữ không chỉ điều khiển máy cắt, cắt gọt kim loại mà có thể làm bộ phận khoan, hàn các sản phẩm, được DN đánh giá cao về năng lực. Các DN thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách để họ yên tâm làm việc, cống hiến nhiều hơn với nghề.              

Lan Mai

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT