Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng chăm sóc sức khỏe người lao động

15:42, 13/09/2023

Việc doanh nghiệp (DN) quan tâm đến sức khỏe của người lao động (NLĐ) đã và đang mang lại những lợi ích không chỉ cho DN, NLĐ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua vẫn còn nhiều DN khá thờ ơ, chưa quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.  

Sở LĐ-TBXH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023
Sở LĐ-TBXH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023

* Vẫn còn nguy cơ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Theo quy định, NLĐ làm công việc bình thường thì 12 tháng được khám sức khỏe định kỳ một lần. Những người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục nghề do Bộ Lao động - TBXH ban hành được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng khám một lần, và được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định. Việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp nhằm giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, vừa giúp nâng cao sức khỏe NLĐ vừa bảo toàn “vốn quý” cho DN. Song thời gian vừa qua vẫn còn nhiều DN thực hiện chưa đúng theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, ý thức của NLĐ trong việc sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân chưa được thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, cán bộ Công đoàn cơ sở của nhiều doanh nghiệp cho rằng, các DN phải thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn, vệ sinh lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó phải tổ chức quan trắc môi trường lao động hàng năm, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Khi người lao động có dấu hiệu mắc bệnh nghề nghiệp cần đưa NLĐ đi giám định sức khỏe, không được né tránh. Các DN cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có như vậy, sức khỏe nguồn lực mới đảm bảo để làm việc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, để các DN chấp hành tốt các quy định liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, các mức phạt đối với những DN vi phạm cũng cần được nâng lên nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các DN.

Trên thực tế, qua các đợt thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, có những DN thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ chủ yếu để cho hợp thức hóa với khách hàng của họ. Chính vì thế, đã từng có những trường hợp NLĐ khám sức khỏe định kỳ hằng năm nhưng không phát hiện được bệnh, đến khi bệnh khởi phát, đi khám tại bệnh viện mới biết mình bị bệnh nghề nghiệp. Qua đó cho thấy, nguy cơ mắc các bệnh nghề nghề vẫn còn mối lo ngại đối với nhiều NLĐ.

* Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác chăm lo, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động

Năm 2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15 quy định danh mục 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH như: bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp...

Giám sát việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Giám sát việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Khi người lao động nghi ngờ mắc một trong các bệnh nghề nghiệp theo danh mục thì người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám chữa bệnh bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại mục 2 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP. Quy định cụ thể hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

Điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 16; Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 17; Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 18; Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 19; Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 20; Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 21; Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 22; Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp quy định tại Điều 23.

Tin xem nhiều