Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với ''bác sĩ Google''

03:03, 27/03/2020

Hầu hết những người dùng internet đều không dưới một lần tra cứu các thông tin y học trên mạng. Nhu cầu chữa các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, đau đầu... lúc nào cũng có. Trong mùa dịch Covid-19, nỗi lo lắng gia tăng khi cơ thể có một vài triệu chứng, và rất nhiều người hiện nay có thói quen hỏi ý kiến "bác sĩ Google"!

Hầu hết những người dùng internet đều không dưới một lần tra cứu các thông tin y học trên mạng. Nhu cầu chữa các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, đau đầu... lúc nào cũng có. Trong mùa dịch Covid-19, nỗi lo lắng gia tăng khi cơ thể có một vài triệu chứng, và rất nhiều người hiện nay có thói quen hỏi ý kiến “bác sĩ Google”!

Google chỉ là công cụ tìm kiếm. Google không đại diện cho tri thức. “Bác sĩ Google” không thay thế thầy thuốc được!
Google chỉ là công cụ tìm kiếm. Google không đại diện cho tri thức. “Bác sĩ Google” không thay thế thầy thuốc được!

* Google không phải… giáo sư

Lâu nay, trong dân gian có câu nói vui “Cái gì không biết thì tra Google” để chỉ ra rằng, internet giờ đây là nguồn thông tin lớn, chỉ cần dùng Google là “cái gì cũng biết”. Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận internet là hệ thống dữ liệu quá khổng lồ, trong đó có các thông tin giá trị. Nhưng cũng phải biết rằng, internet vẫn có những thông tin sai trái, phản động, tiêu cực, “tào lao”…

Kiến thức y học và thông tin tư vấn y học không đơn giản là tra cứu mạng thì có và có thì tự chữa bệnh được. Nếu vậy, các trường y dược chẳng cần phải đào tạo thầy thuốc nữa.

Kho thông tin “thượng vàng hạ cám” trên mạng, nếu không đủ năng lực nhận ra đâu là trang có giá trị, đâu là những trang quảng cáo bán thuốc, dịch vụ và chất lượng chuyên môn kém thì sẽ rơi vào tình trạng tiền mất tật mang!

Đã có nhiều người phải đi cấp cứu ngay vì nghe theo lời khuyên từ “bác sĩ Google”, hay đúng hơn, đọc các bài hướng dẫn chung chung về tình trạng bệnh nhưng mua thuốc dùng sai liều theo chỉ dẫn sai.

Vì thế, lời khuyên đầu tiên và luôn cần nhớ: Tìm kiếm thông tin trên mạng về y học chỉ để tham khảo, khi có bệnh, phải đến cơ sở y tế gần nhất, phải gặp trực tiếp các nhà chuyên môn. Google chỉ là cỗ máy tìm kiếm, Google không phải là… giáo sư, nó chỉ là công cụ phục vụ con người. Cần thận trọng!

* Mạng xã hội, con dao… trăm lưỡi

Trên Facebook giờ đây, cái gì liên quan đến sức khỏe cũng có thể tìm thấy. Có một số fanpage nghiêm túc nhưng đa phần các trang, diễn đàn, nhóm được lập ra vì mục đích quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ. Có những fanpage được giới thiệu tưởng chừng như phi lợi nhuận nhưng nếu đi sâu vào, người sử dụng có thể bị dụ dỗ mua sản phẩm hoặc thực hiện các dịch vụ cụ thể. Ví dụ các hình thức giảm cân, giảm béo, hoặc thậm chí các hình thức sinh nở, chữa bệnh lý phức tạp đều có bài viết chia sẻ về cách thức, liệu pháp kèm theo đơn thuốc, địa chỉ để giới thiệu.

Không ít người do thiếu hiểu biết khi có bệnh, hoặc người thân bị bệnh, thay vì đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám và kê đơn thuốc, lại vào mạng tìm thông tin, tư vấn rồi đi mua thuốc về tự chữa bệnh do đọc những lời “mật ngọt” từ các diễn đàn này cùng với những lời bình luận tán dương quá độ của “cộng đồng mạng” dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Điều đáng lo là chuyện tư vấn chữa bệnh qua mạng xã hội hiện nay hầu như không có cơ quan nào quản lý. Về mặt pháp lý, chữa bệnh qua mạng hiện nay chưa được công nhận nhưng các thông tin chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh ấy luôn có lượng người theo dõi và tương tác rất nhiều.

Có khá nhiều bà mẹ, nhất là những bà mẹ trẻ tham gia những nhóm (Group), thường xuyên kể về tình trạng sức khỏe của con mình, rồi chữa theo lời khuyên của những người trong nhóm. Họ còn chụp cả đơn thuốc mà bác sĩ kê cho con mình để người có nhu cầu mua theo. Đã có những trường hợp tử vong vì cách chữa bệnh đơn giản và ấu trĩ này!

Chúng ta phải hết sức thận trọng với những thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội về y học vì nó liên quan đến tính mạng, sức khỏe của chính chúng ta hoặc người thân chúng ta.

Mặt khác, đây là vấn đề pháp lý: Theo quy định, những người khám và tư vấn phải là bác sĩ và được sở y tế các địa phương cấp giấy chứng nhận hành nghề, việc chữa bệnh trên mạng theo cách tư vấn chia sẻ văn bản hình ảnh là vi phạm quy định về hành nghề y dược.

* Đừng bị “dụ” bởi những trò quảng cáo

Xuất phát từ tâm lý “có bệnh vái tứ phương” của những người mắc bệnh hiểm nghèo, đối tượng xấu đã tung ra trên mạng những thông tin về “thuốc gia truyền”, “thuốc đông y đặc trị” theo kiểu có một chút tâm linh, mê tín.

Hết sức thận trọng với các trang quảng cáo thuốc gia truyền hiện xuất hiện nhan nhản trên Facebook như thế này
Hết sức thận trọng với các trang quảng cáo thuốc gia truyền hiện xuất hiện nhan nhản trên Facebook như thế này

Chiêu thức quảng cáo này khai thác những câu chuyện cụ thể của những nhân vật rất cụ thể để thuyết phục. Đó là những trường hợp làm nhân chứng cho sự thành công của việc dùng thuốc. Hoặc họ cũng dùng lời khuyên của các vị “thầy lang”, “lương y” nào đó rồi quay video clip với bối cảnh thuốc thang và đưa lên mạng. Những bài quảng cáo này lời lẽ rất dễ thuyết phục nhiều người bệnh mà hiểu biết y học có hạn.

“Thầy lang” nào cũng cho rằng bài thuốc của mình là bài thuốc gia truyền độc quyền, được làm hoàn toàn từ thảo dược quý hiếm. Các “thầy lang” bán rất nhiều loại thuốc, “thượng vàng hạ cám” và cam kết thuốc có thể chữa được nhiều loại bệnh mạn tính, dù nặng hay nhẹ, như chữa tiểu đường, gan, thận…, thậm chí là chữa khỏi cả ung thư!

Nhiều nội dung quảng cáo thuốc dùng những câu chữ rất gợi: “hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên quý hiếm”; “không độc hại với cơ thể”; “đã có rất nhiều người sử dụng và khỏi bệnh”; “điều trị dứt điểm, nặng đến mấy cũng khỏi”; “không hết bệnh, hoàn lại 100% tiền”… Thực tế chứng minh rằng đó là những trò lừa bịp. Oái oăm thay, Facebook lại có thuật toán thường xuyên cho xuất hiện những đoạn quảng cáo như thế cho người có nhu cầu do trước đó họ đã hỏi “bác sĩ Google”.

***

Tóm lại, Google hay các công cụ tìm kiếm có thể giúp chúng ta cung cấp câu trả lời nhanh nhất, nhiều nhất và giản tiện nhất trên nhiều lĩnh vực. Nhưng đồng thời với hàng triệu kết quả tìm thấy, chúng ta cũng đối mặt với việc chọn lọc đâu là thông tin có thể tin cậy, đặc biệt là thông tin về y học. Đây là kỹ năng cần cần phải rèn luyện. Vì vậy, đừng vội tin “bác sĩ mạng” - hãy đến cơ sở y tế gần nhất!

Phú Trang

Tin xem nhiều