Người dân Biên Hòa hẳn ít ai không biết ngôi chùa Đại Giác ở Cù Lao Phố, nay thuộc KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa. Thế nhưng ít ai biết rằng, liên quan đến ngôi cổ tự này còn lưu truyền giai thoại về một mối tình đơn phương, bi thảm của công chúa nhà Nguyễn với một vị thiền sư.
Người dân Biên Hòa hẳn ít ai không biết ngôi chùa Đại Giác ở Cù Lao Phố, nay thuộc KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa. Thế nhưng ít ai biết rằng, liên quan đến ngôi cổ tự này còn lưu truyền giai thoại về một mối tình đơn phương, bi thảm của công chúa nhà Nguyễn với một vị thiền sư.
Đại Giác cổ tự ở KP.Nhị Hòa, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) |
* Ngôi chùa cổ trên đất Đồng Nai
Đại Nam nhất thống chí cho biết, chùa Đại Giác “ở xã Tân Hưng, huyện Phước Chánh không biết làm năm nào, gần đây có người cúng tấm biển khắc ba chữ “Đại Giác tự”, chữ ấy thếp vàng, bên tả khắc: Minh Mạng nguyên niên mạnh đông cốc đán (ngày lành tháng mạnh đông (tháng 10) niên hiệu Minh Mạng nguyên niên (1820), bên hữu khắc Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Anh”.
Sách Những ngôi chùa Đồng Nai do Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai - NXB Văn hóa thông tin ấn hành cho biết, chùa Đại Giác ban đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ, thấp, vách ván, cột cây, mái lợp ngói âm dương. Năm 1779, khi Nguyễn Ánh trên đường chạy trốn quân Tây Sơn có đến chùa một thời gian. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi (năm 1802) đã nhớ ơn ban chiếu trùng tu ngôi chùa. Năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục cho tu sửa, mở rộng chùa, làm thêm nhà trù (nhà bếp), dịp này, công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng cho chùa một bức hoành phi lớn đề ba chữ “Đại Giác tự” sơn son thếp vàng treo ở trước chánh điện. Năm 1952 (Nhâm Thìn) lũ lụt, chùa bị mối ăn nhiều đã xuống cấp nghiêm trọng, các bô lão địa phương và Phật tử đóng góp công trùng tu. Năm 1959, hòa thượng Thiện hỷ đã cho xây cất lại toàn bộ ngôi chùa theo lối kiến trúc cổ…
Cho đến nay, chùa Đại Giác đã truyền trên 10 đời trụ trì với các vị sư tổ có nhiều công đức như hòa thượng Thành Đẳng, hiệu Minh Lượng; Thiền sư Linh Nhạc, hiệu Phật Ý, ngài Tổ Ấn, tức Mật Hoằng
(1735-1835)…
* Câu chuyện về mối tình đơn phương, bi thảm
Tương truyền, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, chúa Nguyễn Phúc Ánh và gia đình đã nương náu ở đất Đồng Nai và trong chùa Đại Giác. Khi đoàn người chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn, công chúa Ngọc Anh xin ở lại chùa ăn chay niệm Phật.
Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi với niên hiệu Gia Long, ngài đã triệu hồi công chúa về kinh. Về Huế, công chúa không chịu lập gia đình và vẫn ăn chay niệm Phật. Khi ấy ở phương Nam, tên tuổi của thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành vang dội. Khi hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi với niên hiệu Minh Mạng (năm 1820), ngài đã cho vời thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành về kinh đô để thuyết pháp cho hoàng tộc và triều đình. Khi gặp và nghe thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành thuyết pháp, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ ngài. Dù biết là sai trái nhưng công chúa đã đề nghị ngài phá giới để sánh duyên cùng mình. Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã hết sức khuyên giải công chúa và nhờ cả vua anh tác động. Nhân cơ hội tới, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã xin trở về gia định chịu tang thầy là hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc, trụ trì chùa Từ Ân (Gia Định) vừa viên tịch.
Khi thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành vào Gia Định, công chúa ngày đêm thương nhớ đến thành bệnh, bà liền xin vua anh cho phép mình vào Gia Định để cúng dường, lễ Phật. Hay tin công chúa vào Nam, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành hốt hoảng sắp đặt, căn dặn các đệ tử và ngài về đất Đồng Nai, vào chùa Đại Giác quyết định nhập thất trong 2 năm.
Vào tới nơi không thấy thiền sư, công chúa ngày càng tương tư héo mòn. Lo sợ công chúa có mệnh hệ gì thì nhà chùa cũng khó tranh khỏi bị quở trách, chúng tăng ở chùa Từ Ân (Gia Định) đành phải nói thật. Công chúa ngay lập tức thông báo cho Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt tức tốc đi Đồng Nai.
Đến nơi, công chúa nài nỉ xin gặp nhưng cửa tịnh thất vẫn đóng im. Công chúa quỳ trước tịnh thất, không ăn uống và quyết được gặp mặt thiền sư. Cuối cùng, biết không lay chuyển nổi ý chí người tu hành, công chúa dập đầu xin cho được thấy bàn tay rồi sẽ trở về Huế. Cảm động trước tấm chân tình, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã đưa bàn tay qua ô cửa nhỏ ra bên ngoài. Công chúa vừa nắm bàn tay vừa hôn say đắm.
Nửa đêm hôm ấy, khi cả chùa đang ngủ say thì phía tịnh thất phát hỏa. Khi mọi người chạy ra thì nhục thân thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành cũng đã hòa vào ngọn lửa. Trên bức vách vẫn còn bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen: “THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần/ THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần/ LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn / ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần”. Công chúa đã ở lại chùa lo hậu sự thiền sư và sau đó công chúa uống thuốc độc quyên sinh tại hậu viên chùa, kết thúc một mối tình đơn phương, bi thảm.
* Giai thoại đáng khâm phục về giữ gìn sự thanh tịnh
Câu chuyện về mối tình đơn phương, bi thảm nơi chùa Đại Giác thực sự làm cảm động lòng người, liên quan đó còn là một giai thoại rất đáng khâm phục về việc giữ gìn sự thanh tịnh của tâm hồn và thể xác của những bậc chân tu nơi chốn thiền môn.
Chùa Đại Giác hiện nay, sau nhiều lần trùng tu đã có quy mô đồ sộ với rất nhiều pho tượng cổ và quý hiếm. Du khách, Phật tử đến chùa không chỉ được chiêm ngưỡng những pho tượng cổ giá trị ấy, không chỉ được ẩn mình dưới bóng cây bồ đề già in bóng xuống hồ nước lung linh mà còn được tắm mình trong không khí linh thiêng nơi cửa Phật, trong đó có giai thoại về mối tình oan trái trên đây.
Vũ Trung Kiên