Cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, các đoàn viên, thanh niên Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) lại dành lại thời gian để thực hiện chương trình Vòng tay yêu thương, đi đến những điểm trường xa trao tặng quà và tổ chức trò chơi phục vụ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay lên những chuyến xe nghĩa tình để về với các cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật...
Cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, các đoàn viên, thanh niên Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) lại dành lại thời gian để thực hiện chương trình Vòng tay yêu thương, đi đến những điểm trường xa trao tặng quà và tổ chức trò chơi phục vụ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay lên những chuyến xe nghĩa tình để về với các cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật...
Đoàn viên Chi đoàn Trường tiểu học Phú Điền (H.Tân Phú) hướng dẫn học sinh thu gom phế liệu để thực hiện các mô hình đồ dùng sáng tạo |
[links()]Với những mô hình, hoạt động như trên, các phong trào của Đoàn thanh niên tại cơ sở đã trở nên “mềm” hơn khi gắn với “hơi thở” cuộc sống, với những giá trị thiết thực mang đến cho cộng đồng cũng như chính mỗi đoàn viên, thanh niên.
* Sức trẻ tình nguyện
Mã Đà là xã còn nhiều khó khăn của H.Vĩnh Cửu, học sinh một số ấp trong xã phải vượt qua quãng đường rừng hàng chục cây số để đến trường. Đây là thách thức không nhỏ đối với những đứa trẻ nơi vùng xa này và cũng là gánh nặng với cha mẹ các em khi mỗi ngày phải lo tiền xe đưa rước, tiền ăn trưa cho con đi học trong khi thu nhập từ nương rẫy lại bấp bênh.
Trước những khó khăn đó, từ năm học 2016-2017, Huyện đoàn Vĩnh Cửu đã quyết tâm thực hiện công trình thanh niên hỗ trợ tiền xe buýt cho học sinh xã Mã Đà, góp phần ngăn ngừa học sinh bỏ học và để hành trình đi tìm con chữ của các em bớt gian nan.
Trong giai đoạn 2018-2020, chương trình tiếp tục được thực hiện với số tiền hỗ trợ 100 triệu đồng, do Huyện đoàn Vĩnh Cửu vận động một doanh nghiệp tài trợ. Theo Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Cửu Nguyễn Thanh Bình, Huyện đoàn xác định các công trình, phần việc thanh niên phải có ý nghĩa, đóng góp thiết thực trong đời sống xã hội. Những tấm vé xe buýt từ công trình thanh niên đã góp phần để học sinh nghèo có thêm niềm tin vào cuộc sống, vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ thay đổi cuộc đời.
Đoàn viên Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) tham gia Ngày hội đọc sách “Hành trình đến tương lai” |
Cũng với mong muốn đóng góp sức trẻ cho cộng đồng, anh Nguyễn Hoàng Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã kiên trì “lên lớp” cho những học trò đặc biệt trên lòng hồ Trị An. Đây là lớp học có người thầy là một cán bộ Đoàn, còn học sinh là những người lớn tuổi, thậm chí có những cụ gần 80.
Để những người học kiên trì theo đuổi con chữ, anh Nam không chỉ dạy chữ mà còn kết hợp vận động, tuyên truyền để bà con không ngại đường xa, khó học mà bỏ giữa chừng. “Nhiều cụ đã không còn minh mẫn, trí nhớ kém, tay cầm bút không được vững... nhưng với tinh thần, ước muốn cháy bỏng là một lần được tự tay viết tên mình nên nhiều cụ đã rất cố gắng. Đến nay nhiều cụ ông, cụ bà đã biết chữ” - anh Nam chia sẻ.
Không chỉ có “thầy Nam”, vào mùa hè, những lớp học tình thương trên lòng hồ Trị An lại đón những “áo xanh” là đoàn viên các trường đại học tại TP.Biên Hòa về hướng dẫn bà con học chữ. Họ cùng trò chuyện, cùng ăn, cùng học tập với những người già, trẻ em trên lòng hồ với một tinh thần nhiệt huyết, sẻ chia của tuổi trẻ.
* Những hướng đi mới
Với đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan tỉnh, các phong trào, hoạt động Đoàn cũng dần được đổi mới để đoàn viên, thanh niên chủ động, hào hứng tham gia góp sức xây dựng hình ảnh đẹp về cán bộ trẻ trong mắt người dân.
Ngoài thực hiện công tác hướng dẫn công dân đến làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân tại trụ sở đơn vị, đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh còn đến tận nhà người dân không có điều kiện đi lại, người cao tuổi, người khuyết tật để hỗ trợ làm thủ tục. Anh Lê Vũ Dũng (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Cha tôi bị liệt một chân nên đi lại rất khó khăn, khi biết các cán bộ trẻ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đến tận nhà hỗ trợ làm thủ tục, gia đình tôi rất vui. Đây là việc làm rất nhân văn, ý nghĩa của thanh niên”.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng tham gia dạy chữ cho trẻ trên hồ Trị An |
Tìm những hướng đi mới, cách thức tổ chức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng đoàn viên, thanh niên và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị là hướng đi mà các cấp bộ Đoàn đang tích cực triển khai để làm mới phong trào Đoàn. Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường cho biết, mỗi cơ sở Đoàn có thể lựa chọn những phong trào, mô hình sát hợp với đặc thù của cơ sở, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên, song tựu trung vẫn là tính thiết thực và bền vững.
Những năm gần đây, các phong trào hành động của tổ chức Đoàn bám sát mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương. Đó là những công trình đường giao thông nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; những con đường bích họa tươi mới thay cho những mảng tường cũ; những đợt ra quân biến bãi rác thành bồn hoa, trồng cây xanh trên những tuyến đường; là chiến dịch chống rác thải nhựa trong thanh niên...
Thực tế cho thấy, có những thời điểm các phong trào hành động của Đoàn tuy diễn ra đều khắp nhưng vẫn có những nơi cách thức tổ chức còn mang tính hình thức, thiếu tính bền vững và chưa thật sự thu hút rộng rãi các đối tượng thanh niên. Những phong trào mang tính lan tỏa, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội vẫn chưa thật sự được các cấp bộ Đoàn khai thác triệt để. Do đó, việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức triển khai các phong trào hành động phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương; đồng thời nắm bắt đặc điểm, xu hướng vận động, biến đổi nhanh chóng của thanh niên để phát huy sức trẻ của họ đúng lúc, đúng chỗ là yêu cầu cấp thiết đối với tổ chức Đoàn hiện nay. Có như vậy mới tập hợp, đoàn kết được thanh niên cũng như khẳng định được sức sống tươi trẻ của Đoàn trong đời sống xã hội.
Thảo Nguyên
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường:
Tiếp sức phong trào Đoàn từ nguồn lực xã hội
“Thực hiện Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tại buổi đối thoại với thanh niên, trong năm 2019, Tỉnh đoàn đã vận động các nguồn lực thực hiện công trình xóa cầu tạm, xây dựng mới 7 cây cầu dân sinh tại các địa phương trong tỉnh trị giá hơn 2 tỷ đồng; phấn đấu tiếp tục xóa 5 cây cầu tạm trong năm 2020. Việc xã hội hóa trong thực hiện các công trình thanh niên thời gian qua đã giúp tổ chức Đoàn có thêm nguồn lực, tăng giá trị và sức ảnh hưởng của các phong trào Đoàn. Từ đó thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay chăm lo cho thanh niên và đồng hành với các phong trào, chương trình hành động của Đoàn”.
Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch Trần Hoàng Sự:
Chú ý tính lan tỏa của phong trào
“Cần đánh giá sự phát triển, định hình giá trị cũng như sức lan tỏa của phong trào Đoàn để có phương thức triển khai và điều chỉnh phù hợp. Các phong trào, chương trình hành động cần có tính chất quần chúng bền vững, qua đó rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ và giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp của xã hội. Trong đó phải đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động tình nguyện theo hướng vì lợi ích cộng đồng, giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương”.
Sinh viên Trường đại học Công nghệ Miền Đông Nguyễn Hà Phương:
Hoạt động Đoàn bắt nhịp với đời sống thanh niên
“Đoàn viên, thanh niên ngày nay không còn háo hức tham gia sinh hoạt Đoàn chỉ gói gọn trong hội trường mà thay vào đó là những hoạt động thực tế mang tính trải nghiệm, định hướng sâu về kỹ năng, tư tưởng, tình cảm của giới trẻ. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các phong trào Đoàn cần hấp dẫn và gần gũi với không chỉ một bộ phận thanh niên tiêu biểu mà còn rộng rãi đến các thành phần, đối tượng thanh niên. Đoàn phải phát huy tính chủ động, sáng tạo của thanh niên bởi chính họ quyết định hướng đi, sức lan tỏa của phong trào”.