"Nếu bạn ước một điều khi bạn thấy Bắc cực quang thì điều ước ấy sẽ thành hiện thực đấy" - một người bạn nói với tôi như vậy. Ngay vào lúc này ở Teriberka, thứ ánh sáng xanh "linh hồn của tự nhiên" của cực quang tựa một dòng sông kỳ ảo hiện ra trước mắt tôi. Nó thanh lọc trái tim và tâm hồn tôi, lấp đầy trong tôi cảm giác bình yên và mãn nguyện.
Tác giả Bùi Thị Hồng Ngọc |
“Nếu bạn ước một điều khi bạn thấy Bắc cực quang thì điều ước ấy sẽ thành hiện thực đấy” - một người bạn nói với tôi như vậy. Ngay vào lúc này ở Teriberka, thứ ánh sáng xanh “linh hồn của tự nhiên” của cực quang tựa một dòng sông kỳ ảo hiện ra trước mắt tôi. Nó thanh lọc trái tim và tâm hồn tôi, lấp đầy trong tôi cảm giác bình yên và mãn nguyện.
* Lên cực Bắc, săn cực quang
Bắt một chuyến tàu dài 28 tiếng từ TP.Saint Petersburg (Nga) đi lên phương Bắc đến TP.Murmansk, tôi còn phải di chuyển bằng xe hơi thêm 4 tiếng nữa mới đến được thị trấn Teriberka nằm trên bờ biển Barents (Bắc Băng Dương). Đây là mỏm đất liền cuối cùng trước khi băng qua đại dương bao la để đến vùng Băng ở cực Bắc.
Kể từ khi là một đứa trẻ, Bắc cực quang đối với tôi chỉ là một khái niệm giống như phép màu, một thứ phép thuật chỉ xuất hiện trên kênh hoạt hình Disney hay trong các bộ phim cổ tích mà mọi đứa trẻ như tôi đều mơ ước được thực sự một lần chiêm ngưỡng. Đến khi trưởng thành, tôi mới biết không có ước mơ nào là không thể thực hiện, chỉ có điều chuyến đi cho một cư dân từ một đất nước nhiệt đới như Việt Nam đến vùng cực Bắc là không đơn giản.
Vậy nên khi có dịp trở lại nước Nga vào đầu năm 2020, tôi lại cùng anh bạn người bản xứ giỏi chụp ảnh Alex Okulovskyi đi lên cực Bắc. Sau hành trình dài, TT.Teriberka xuất hiện sau dãy núi tuyết đồ sộ, mặt trời trải dài xuống thảo nguyên mênh mông tuyết trắng. Tôi dừng chân tại một khách sạn nhỏ tên là “Rìa Trái đất”. Có vẻ theo nghĩa đen thì đúng là nơi tôi đang ở. Dọc theo con đường trước cửa khách sạn, tuyết cao che lấp đến nửa ngôi nhà và che kín cửa gara xe trượt tuyết - phương tiện giao thông chính của người dân bản địa.
Đêm xuống, cả thị trấn không một bóng người, thi thoảng có tiếng tru của động vật, cuốn theo gió lốc siêu mạnh từ biển Bắc. Tuyết phủ dày hơn 1m, xung quanh tối om, chỉ có mặt trăng soi sáng con đường tuyết dẫn lối. Kristina và Andej, 2 người bạn trong chuyến hành trình gặp tôi cùng 3 người bạn Nga nữa tại một cảng nhỏ mang tên Lăng mộ của những con tàu. Theo truyền thống của người Nga, họ lôi ra từ ba lô “siêu to khổng lồ” bình trà và bánh quy để mời chúng tôi thưởng thức trong lúc chờ “phép màu” sẽ hiện lên trên bầu trời đầy sao.
Cực quang được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Tuy nhiên Kostya, một bạn Nga trong nhóm thì lại dí dỏm nói rằng: “Cực quang chỉ hiện ra cho những người xứng đáng thôi”. Câu đùa của bạn có phần đúng, vì quả tình việc ngắm được cực quang còn phải dựa phần nhiều vào may mắn (mỗi khi trời không có mây).
* Ngất ngây với thiên nhiên kỳ ảo
Thế rồi, một phần ánh sáng của bầu trời phía Bắc trước mắt chúng tôi từ từ trở mình chuyển sang màu xanh lá cây. Tôi vẫn chưa tin vào mắt mình nhưng từng phút, từng phút một trôi qua, dải cực quang màu xanh lá ấy ngày càng phát sáng hơn, trải rộng và dài hơn. Cái “đuôi” cực quang uốn lượn như một “dòng sông phép thuật”. Dòng sông xanh này di chuyển rất nhanh về phía Bắc. Ánh mắt chúng tôi phải “săn lùng và rượt đuổi” theo dải màu kỳ ảo này tận lên một ngọn núi tuyết trước khi nó biến mất sau khoảng 1 tiếng đồng hồ phô diễn phép màu.
Nhóm bạn săn cực quang trong đêm |
Sau 25 năm sống trên cuộc đời này, tôi tin rằng “phép thuật” thực sự vẫn xảy ra trên trái đất, cho những ai tin và theo đuổi giấc mơ của họ, cho “người xứng đáng” như lời của Kostya. Những người thượng cổ của ngàn năm trước cũng nhìn lên bầu trời Teriberka. Linh hồn của họ hẳn đã hòa vào dòng sông của ánh sáng phương Bắc và mang lại bình yên cho những ai tìm đến dải đất hoang vu này.
Trong những đêm tiếp theo, tôi được chiêm ngưỡng “Moon Gala/Halo” (tiếng Việt gọi là Tán mặt trăng) - tức 2 vòng hào quang ánh sáng lớn bao quanh mặt trăng, chỉ xảy ra khi các tinh thể băng có sự định hướng và vị trí góc phù hợp để hướng các tia sáng bị khúc xạ về mắt người quan sát. Chúng tôi còn có trải nghiệm nhớ đời khi gặp những đợt gió tuyết như bão và hiểu nó thực sự nguy hiểm như thế nào. Trong vòng 2 phút, tầm nhìn của chúng tôi chỉ còn từ 2-5m, hoàn toàn bị che phủ bởi sương mù và tuyết rơi dày đặc.
Chúng tôi phải định vị hướng quay trở lại ngôi làng trong hoàn cảnh hoàn toàn không có sóng điện thoại, Google maps và các loại pin cho thiết bị điện tử cạn kiệt dưới cái lạnh thấu xương. Anh bạn nhiếp ảnh gia Alex có mang bản đồ giấy in sẵn và một cái la bàn để chúng tôi quay về giữa bão tuyết. Lúc này đây, những kỹ năng sử dụng la bàn hay định vị ngôi sao phương Bắc là vô cùng bổ ích.
* Lời tạm biệt
Trong suốt cuộc hành trình “săn đuổi” cực quang và vượt cơn bão tuyết, nhóm chúng tôi dù giao tiếp với nhau bằng tiếng Nga, tiếng Anh nhưng thật ra có một ngôn ngữ chung nhất mà ai cũng hiểu được: đó là sự tin tưởng của tình bạn. Nó đến từ trái tim, vô cùng dễ hiểu và chân thành. Để một cô gái đến từ Việt Nam xa xôi như tôi “đi lạc” ở nơi hoang vu, hẻo lánh cực Bắc này vẫn cảm nhận được sự quan tâm và lòng hiếu khách, nếm trải hương vị bình yên thuần khiết và hạnh phúc.
Tuyết phủ trắng cực Bắc nước Nga đầu năm 2020 |
Người Nga thường có vẻ lạnh lùng, khó gần. Nhưng một khi đã kết bạn, bạn sẽ thấy họ là người tình cảm, cởi mở. Cuộc hành trình để lại trong tôi nỗi nhớ và sự trân trọng với tất cả khoảnh khắc mà tôi chứng kiến về “dòng sông phép thuật” nơi cực Bắc mênh mông tuyết. Bạn sẽ không bao giờ quên ánh sáng mà cực quang xuất hiện trong mắt mình. Đồng thời cũng sẽ giữ mãi trong tim tình bạn đẹp trên đất Nga rộng lớn.
Tác giả Bùi Thị Hồng Ngọc, sinh năm 1994, tốt nghiệp thạc sĩ luật học tại Đại học Seoul (Hàn Quốc) và từng làm người mẫu trình diễn catwalk và người mẫu ảnh thời trang. Sở thích của cô là các hoạt động ngoài trời, thể thao mạo hiểm và du lịch tự túc. Năm 2017, Hồng Ngọc trở thành cô gái Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Q.Oymyakon ở vùng phía bắc Yakutia (Nga) - nơi được xem là khu làng lạnh nhất thế giới với nhiệt độ mùa đông từng xuống kỷ lục -71,20C. |
Bùi Thị Hồng Ngọc - Hình ảnh: ALEX OKULOVSKYI