Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tiềm năng kinh tế số

09:08, 22/08/2020

Sự phát triển kinh tế năng động ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đã tạo ra cơ hội, tiềm năng lớn cho hoạt động kinh tế số phát triển.

Sự phát triển kinh tế năng động ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đã tạo ra cơ hội, tiềm năng lớn cho hoạt động kinh tế số phát triển.

Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua, thanh toán tiền khi mua hàng trực tuyến. (Ảnh: Lam Phương)
Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua, thanh toán tiền khi mua hàng trực tuyến. Ảnh: Lam Phương

[links()]Trong thời gian qua, Đồng Nai đã có những bước tiến trên con đường chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh hướng tới một nền kinh tế mạnh, phát triển nhanh nền hành chính công đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, ưu tiên đẩy mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

* Nâng cao chỉ số thương mại điện tử

Những năm gần đây, Đồng Nai liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số thương mại điện tử cao. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử mới đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai trong năm 2019 xếp hạng thứ 6 toàn quốc với 54,9 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2018. Chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...

Trong đó, tiêu chí thành phần giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C) - một tiêu chí quan trọng trong việc xếp hạng chỉ số thương mại điện tử, Đồng Nai xếp thứ 7 đứng sau TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng.

Thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng hữu hiệu cho các DN, đặc biệt là DN ở địa phương… Thị trường bán lẻ đang ngày càng mở rộng các kênh, hình thức bán hàng để cạnh tranh, trong đó hình thức bán hàng qua các kênh thương mại điện tử ngày càng quan trọng. Nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đến hoạt động thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng các kênh trực tuyến.

Các bạn trẻ tìm hiểu về lãi suất, thời gian gửi tiền online tại ứng dụng trực tuyến của một ngân hàng thương mại trên điện thoại thông minh. Ảnh: Hải Quân
Các bạn trẻ tìm hiểu về lãi suất, thời gian gửi tiền online tại ứng dụng trực tuyến của một ngân hàng thương mại trên điện thoại thông minh. Ảnh: Hải Quân

Bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) cho biết, Lothamilk phấn đấu nâng tầm thương hiệu, không còn gói gọn mang tính địa phương mà còn hướng tới thương hiệu mang tính quốc gia, được nhiều người biết đến. Công ty chú trọng phát triển nhiều kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó có việc nâng cao hiệu quả, tính thân thiện, tương tác trong việc quảng bá sản phẩm trên website, ứng dụng trực tuyến...

Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 cũng như chương trình hằng năm. Trong đó, Sở Công thương hỗ trợ DN tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch; đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ DN đến người tiêu dùng…

Theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành khảo sát ứng dụng thương mại điện tử, tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử của các đơn vị, DN và cá nhân trong tỉnh. Sở cũng phối hợp với Bưu điện Đồng Nai tổ chức hội nghị đưa sản phẩm đặc sản của Đồng Nai lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn cho hơn 50 DN, HTX trên địa bàn.

* Xây dựng hệ sinh thái không dùng tiền mặt

Hiện nay, trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, các ngân hàng thương mại đã phối hợp với nhiều đơn vị, công ty trên địa bàn triển khai các hoạt động, kênh thanh toán trực tuyến như: thu tiền điện, tiền nước, thu phí nhiều dịch vụ về y tế, giao thông, hóa đơn điện tử… thông qua các hình thức như: internet banking, mobile banking, trích nợ tự động. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn triển khai thêm ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh (smartphone) nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, các công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... đã mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các app tích hợp trong smartphone...

Hoạt động tìm hiểu về kỹ năng tìm kiếm, trao đổi thông tin, đưa đặc sản của địa phương lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn. Ảnh: Hương Giang
Hoạt động tìm hiểu về kỹ năng tìm kiếm, trao đổi thông tin, đưa đặc sản của địa phương lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn. Ảnh: Hương Giang

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 3.900 máy cà thẻ ngân hàng hỗ trợ thanh toán tiền hóa đơn, dịch vụ hàng hóa như: POS, EFPPOS, EDC..., tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2016. Ngoài ra, đã có 2.700 đơn vị, cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng…, tăng hơn 3 lần so với 4 năm trước đây.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lắp đặt máy ATM trên địa bàn tỉnh hiện đạt 22,7 máy trên 100 ngàn dân. Trong nửa đầu của năm 2020, hệ thống ATM của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã phục vụ hơn 29,5 triệu lượt giao dịch với doanh số thanh toán tiền mặt đạt trên 59 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, các chi nhánh ngân hàng trong tỉnh đang phục vụ chi trả lương cho hơn 3,2 ngàn DN/tổ chức với hơn 1,1 triệu người lao động được trả lương qua tài khoản.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đang tích cực đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, nhất là phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nhiều dịch vụ công, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả lương hưu, bảo hiểm xã hội...

Theo ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai, trong thời gian qua, công ty đã mở rộng thêm các kênh thanh toán tiền điện, ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian như: MoMo, ZaloPay, VNPay, Payoo, Airpay, ViettelPay… để khách hàng có thể thuận tiện trả tiền điện thông qua các điểm thu của ngân hàng, thẻ ATM, các cửa hàng tiện ích, siêu thị hoặc hình thức thanh toán điện tử...

* Ưu tiên phát triển các ngành nghề liên quan đến kinh tế số

Trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai ưu tiên các dự án ngành nghề sử dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án thân thiện môi trường, bảo quản nông sản sau thu hoạch, công nghệ chế biến. Về nông nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút sản phẩm nông nghiệp sạch; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng với việc đầu tư cho kinh tế thì vấn đề quan trọng nữa là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4, rút ngắn quy trình xử lý thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một trong những nội dung hấp dẫn của công cuộc hiện đại hóa, công nghệ hóa để hướng tới số hóa là xây dựng đô thị thông minh. Cùng với các địa phương, đô thị lớn của cả nước, Đồng Nai đã và đang tìm tòi, khảo nghiệm và đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Nhiều tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước đã đặt chân đến Đồng Nai tìm hiểu, hợp tác xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC (có trụ sở tại Hà Nội) đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng bản giới thiệu (demo) cho thành phố thông minh, chính quyền thông minh. Mới đây, Tập đoàn Viettel đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành đặt vấn đề hợp tác về lĩnh vực này.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, tại Đồng Nai, thời gian qua tập đoàn và địa phương đã có nhiều kết quả tốt trong hợp tác, nhất là lĩnh vực viễn thông. Để phù hợp với xu hướng phát triển mới của xã hội, của thế giới, Viettel mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác với Đồng Nai trên các mảng như: truyền thông số, thương mại điện tử, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để xây dựng thành phố thông minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, địa phương đang từng bước thử nghiệm, xây dựng mô hình thành phố thông minh. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị, đối tác đến Đồng Nai giới thiệu, đặt vấn đề đề nghị hợp tác xây dựng thành phố thông minh. Một số đơn vị cũng đã xây dựng demo để các ngành, địa phương tham khảo. Quan điểm của tỉnh là đơn vị nào có sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh sẽ được đánh giá, lựa chọn.

Theo Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020 của UBND tỉnh Đồng Nai, trong việc chuyển đổi thành nền kinh tế số, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Để làm được điều đó, các lĩnh vực liên quan cũng phải có sự thay đổi, phát triển, phấn đấu internet băng thông rộng phủ 100% các xã trên địa bàn tỉnh; năng suất lao động tăng bình quân trên 10%/năm.

Đến năm 2030, phấn đấu mạng di động 5G phủ sóng toàn tỉnh; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng chi phí thấp; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và cả nước; kinh tế số chiếm 30%.

Hải Quân - Vương Thế

Tin xem nhiều