Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi tranh UEFA Nations League: Cơn mưa mát lành sau nắng hạn

09:09, 04/09/2020

Giải đấu UEFA Nations League (Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu) 2020/2021 trở lại từ ngày 3-9 như một cơn mưa rào làm mát lòng người hâm mộ lục địa này khi họ được xem các tuyển thủ quốc gia mình thi đấu sau hơn… 9 tháng trời.

Giải đấu UEFA Nations League (Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu) 2020/2021 trở lại từ ngày 3-9 như một cơn mưa rào làm mát lòng người hâm mộ lục địa này khi họ được xem các tuyển thủ quốc gia mình thi đấu sau hơn… 9 tháng trời.

Cristiano Ronaldo với trọng trách bảo vệ chiếc cúp vô địch Nations League cùng Bồ Đào Nha. Ảnh: UEFA
Cristiano Ronaldo với trọng trách bảo vệ chiếc cúp vô địch Nations League cùng Bồ Đào Nha. Ảnh: UEFA

Những trận đấu của UEFA Nations League hẳn sẽ giúp người hâm mộ giảm bớt “cơn khát” việc thưởng thức bóng đá đỉnh cao ở cấp độ đội tuyển sau khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn, hủy hàng loạt lịch thi đấu bóng đá cũng như vòng chung kết UEFA EURO bị hoãn sang năm 2021.

* Ngày càng hấp dẫn

Với thể thức mới mẻ, UEFA Nations League ngày càng thu hút người hâm mộ khi các đội tuyển ở châu lục này được chia cấp độ và… có lên xuống hạng dựa theo kết quả thi đấu như các CLB vậy. Các đội tuyển quốc gia châu Âu giờ đây phải quyết tâm trong mọi trận đấu để trụ hạng thành công hay lên hạng. Đồng thời hướng đến phần thưởng là chiếc cúp cùng các suất đặc cách lọt vào vòng chung kết EURO hay World Cup 2022.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) ra đời giải UEFA Nations League từ tháng 9-2018, với sự tham dự của 55 đội tuyển đại diện cho 55 liên đoàn thành viên. Giải đấu giúp các trận giao hữu quốc tế tăng thêm giá trị và hấp dẫn, đồng thời giúp các quốc gia tăng thêm cơ hội góp mặt ở sân chơi lớn như vòng chung kết EURO.

Ở mùa Nations League đầu tiên, đội tuyển Bồ Đào Nha đoạt chức vô địch ngay trên sân nhà sau khi thắng Hà Lan với tỷ số 1-0 trong trận chung kết diễn ra ngày 10-6-2019.

Mùa giải mới 2020/2021 có thêm những cải tiến để mang tới sự hấp dẫn và công bằng hơn nữa. Cụ thể nhóm A (quy tụ các đội bóng mạnh nhất) từ 3 đội/bảng đấu tăng lên 4 đội/bảng đấu. 2 bảng nhóm B và C cũng có 4 bảng đấu, mỗi bảng có 4 đội. Trong khi đó, nhóm D cuối cùng chỉ còn 2 bảng. Điều này dẫn đến các trận đấu sẽ kịch tính và cạnh tranh hơn rất nhiều.

Các đội thi đấu với nhau trên sân nhà và sân khách. 4 đội thắng ở nhóm A được tham dự vòng chung kết UEFA Nations League, gồm các trận bán kết, trận tranh hạng ba và trận chung kết. Những đội chiến thắng trong nhóm ở các Nhóm B, C và D sẽ được thăng hạng, trong khi những đội đứng cuối các bảng ở Nhóm A và B sẽ bị xuống hạng.

Đặc biệt, 2 đội có kết quả tốt nhất vòng bảng Nations League sẽ được quyền đá play-off tranh vé “vớt” dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022 ở Qatar trong trường hợp họ không đủ điều kiện giành vé trực tiếp hoặc suất đá play-off tại vòng bảng World Cup 2022 khu vực châu Âu.

* Các “ông lớn”, ngôi sao đụng nhau

Những trận đấu hấp dẫn rất đáng chờ đợi ở nhóm A khi các “ông lớn” sẽ chạm trán nhau kịch liệt tại các bảng “tử thần”. Đó là: Italy - Hà Lan (bảng 1), Bỉ - Anh (bảng 2), Bồ Đào Nha - Pháp - Croatia (bảng 3) hay Đức - Tây Ban Nha (bảng 4)… Liệu nhà đương kim vô địch Bồ Đào Nha và á quân Hà Lan ở Nations League mùa đầu có giữ được phong độ trước sức ép của các đội tuyển thực lực rất mạnh khác như Anh, Pháp, Đức?

Sau mùa giải CLB ở các quốc gia đầy biến động vì Covid-19 cũng như Champions League vừa kết thúc, các siêu sao sẽ thi đấu cho màu cờ sắc áo quốc gia tại Nations League và dĩ nhiên người hâm mộ nóng lòng đợi các cuộc thư hùng giữa những Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) với Antoine Griezmann (Pháp), giữa Ciro Immobile (Italy) với Memphis Depay (Hà Lan), giữa Romelu Lukaku (Bỉ) với Harry Kane (Anh), giữa Toni Kroos (Đức) với Sergio Ramos (Tây Ban Nha)…

* Làn gió từ các tân binh

Thế nhưng không chỉ có các siêu sao là được chờ đợi. HLV các đội tuyển dự Nations League đã mạnh dạn triệu tập những tuyển thủ tân binh, hứa hẹn một làn gió mới mẻ từ các trận cầu quốc tế. Đó là Hà Lan với những cuộc gọi đầu tiên cho các cầu thủ trẻ: Perr Schuurs, Mohamed Ihattaren và Owen Wijndal. Tuyển Anh tập trung Jack Grealish, Ainsley Maitland-Niles, Conor Coady, Kalvin Phillips… Tuyển Pháp bổ sung Houssem Aouar và Dayot Upamecano. Tây Ban Nha điền tên Adama Traore, Ferran Torres. Đức triệu tập lần đầu Robin Gosens, Oliver Baumann và Florian Neuhaus. Một thú vị như Italy triệu tập lần đầu với tiền đạo đã 33 tuổi Francesco Caputo!

Theo đó, một cuộc ra mắt lần đầu tiên (debut) trong màu áo quốc gia của các tài năng trẻ ở châu Âu rất đáng được mong chờ như: Eduardo Camavinga (17 tuổi, Pháp), Mohamed Ihattaren (18 tuổi, Hà Lan), Mason Greenwood (18 tuổi, Anh), Jack Grealish (24 tuổi, Anh)… Được chờ đợi nhất là Ansu Fati (17 tuổi, Tây Ban Nha) vốn đã chứng minh được tài năng của mình trong màu áo CLB Barcelona.

* Hào hứng khi bóng lăn

Huấn luyện viên Joachim Low của đội tuyển Đức cho biết: “Vài tháng vừa qua là thời gian thật khó khăn đối với mọi người. Chúng tôi rất vui mừng khi đội tuyển tái ngộ sân cỏ và có thể chơi lại các trận đấu quốc tế”.

Mason Greenwood (áo trắng) - tài năng trẻ 18 tuổi của CLB Manchester United có cơ hội ra mắt trong màu áo đội tuyển quốc gia Anh sau khi đã là tuyển thủ cấp độ trẻ U.21 Ảnh: Getty
Mason Greenwood (áo trắng) - tài năng trẻ 18 tuổi của CLB Manchester United có cơ hội ra mắt trong màu áo đội tuyển quốc gia Anh sau khi đã là tuyển thủ cấp độ trẻ U.21. Ảnh: Getty

Dwight Lodeweges, huấn luyện viên tạm quyền của đội tuyển á quân Nations League Hà Lan thì bày tỏ: “2 năm rưỡi trước, chúng tôi bắt đầu một quỹ đạo tốt đẹp và tất cả chúng tôi đều có đóng góp của mình. Chúng tôi sẽ chơi như thế nào? Chúng tôi tập luyện cùng nhau như thế nào? Mọi thứ diễn ra rất tốt và chúng tôi sẽ tiếp tục”.

Sergio Ramos, trung vệ đội trưởng Tây Ban Nha cho hay: “Chúng tôi luôn có sự pha trộn giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Chúng tôi cũng mong muốn giành chiến thắng thêm nữa và chúng tôi đang đi đúng hướng để làm được điều đó”.

T.Nghĩa

 

Tin xem nhiều