Báo Đồng Nai điện tử
En

Say nắng (Kỳ 2)

09:09, 11/09/2020

Chuyện lạ là Nhu cứ "được" người ta nghĩ xấu, nói xấu về mình. Nhu cười: Nghe quen tai rồi ai nói gì thì nói. Người nào có cái bụng xấu thì thường nghĩ xấu cho người khác. Ai suy nghĩ đẹp thì sẽ sống đẹp.

Chuyện lạ là Nhu cứ “được” người ta nghĩ xấu, nói xấu về mình. Nhu cười: Nghe quen tai rồi ai nói gì thì nói. Người nào có cái bụng xấu thì thường nghĩ xấu cho người khác. Ai suy nghĩ đẹp thì sẽ sống đẹp.

Ông Mục dụi mắt, chợt thấy những viên kim cương từ trên trời rơi xuống, tuy đó là mưa. Ông ngỡ mình là một trong những con chim sẻ ướt cánh đang bay tới bên Nhu. Hàng ngàn, hàng triệu giấc mơ của bất cứ ai vẫn mờ ảo dần theo thời gian dù ngắn dài. Vào một đêm nào đó không hẹn trước, giấc mơ sẽ trở lại mà câu chuyện vẫn mơ màng. Ông Mục là người hay “đột quỵ” vì chiêm bao. Vẻ ngoài cũng bình thường như mọi người, nhưng lần hồi ông lại biết ông đang sống với hai thế giới vừa thức vừa ngủ hư hư thật thật như cảm thương Nhu. Nhu có thật trong trái tim già nhạy cảm của ông.

Chuyện lạ là Nhu cứ “được” người ta nghĩ xấu, nói xấu về mình. Nhu cười: Nghe quen tai rồi ai nói gì thì nói. Người nào có cái bụng xấu thì thường nghĩ xấu cho người khác như ông Lưu Bằng. Ai suy nghĩ đẹp thì sẽ sống đẹp.

 “Nhu không có ý kiến”, không có ý kiến là có nghĩa chuyện đó chấp nhận hay phủ nhận. Có hay không Nhu vẫn cho là chuyện xã hội phải chịu đựng.

***

Trở lại chuyện hẻm nhỏ, nơi này trời lâu sáng hơn con đường lớn ngoài kia. Như kể trên, mỗi sáng thấp thoáng nhiều cánh chim se sẻ bay tới chờ Nhu, chúng vui vẻ xôn xao dưới chân Nhu lúc Nhu phụ với cha đẩy chiếc xe bán cà phê ra đầu hẻm. Trong tranh tối tranh sáng bình minh, mà ông Mục cứ nghĩ là hoàng hôn, ông lại nghĩ với khoảng cách một trăm năm ánh sáng tới trái đất, giờ chạm mái tóc Nhu.

 Chợt nghe tiếng chim ríu rít dưới kia ông quay mặt lại nhìn xuống con hẻm thì “định mệnh” bất ngờ diễn ra, lúc nào ông cũng nghĩ một con chim sẻ trong đàn chim là ông bay xuống đậu trên vai mềm của Nhu.

(Tôi thường nhìn nụ cười âu yếm sung sướng của ông Mục khi thấy Nhu. Nếu con chim sẻ đang trên vai trái của Nhu mà bay lên đậu trên vai ông thì… vui cho ông quá. Vì ông lại yên trí nghĩ đó là Nhu).

Nhu ngẩng lên mỉm cười với ông Mục. Mái tóc Nhu bàng bạc khác thường vì đứng ngược sáng ngoài đường. Nhu xoay người chậm lại không khác trong cảnh phim. Với ông Mục, Nhu như một thánh nữ hiện lên sáng ngời dưới trần ai lao khổ này. Hướng nhìn đó trông như Nhu cười với ông. Mà thật. Nhu biết… ông Mục yêu mình. Nhu nói vói với ông:

- Ông nhiều tưởng tượng hoang tưởng, quá.

Cả thế giới sáng nay. Khó có người phụ nữ nào làm chủ một nụ cười rạng rỡ mà buồn như Nhu. Bối cảnh lúc hoàng hôn như ông nghĩ, mặt trời e ấp trên các mái ngói khiến cho mọi việc như bức tĩnh vật ma quái… Ông Mục bất ngờ bị Say Nắng vì gặp được đúng người đúng lúc, ông còn nghe tiếng nổ bùng bên tai như sét đánh. Nhịp tim sai nhộn nhịp hơn là thường khi.

Minh họa: MINH HẢI
Minh họa: MINH HẢI

Ông như vừa nốc cạn ngụm rượu mạnh vô hình, trái tim dễ tổn thương của ông nhói đau vì nụ cười của Nhu nó không khác gì một cơn bão lớn. Tình yêu muộn màng chợt tới với ông một cách không ngờ. Nụ cười cay đắng của Nhu “chiều” hôm nay là ơn trên của thượng đế ban cho một ông già không có một mối tình nào vắt vai chính đáng để tin, để nhớ đời. Hóa ra không phải mọi sự như ông tưởng, ngoài kia không phải buổi chiều. Thời gian với ông cũng khó hiểu, khó biết như Nhu.

***

Ông Lưu ngồi uống cà phê còn ông Mục thì uống trà đá ở quán đầu hẻm. Nhu tới lui dọn bàn, áo cài kín cổ cài tới hàng nút cuối xuống tới bụng, áo ngoài như vậy trong còn áo khác, càng gây thêm tò mò. Ông Mục thoáng nhìn Nhu. Có lẽ Nhu cũng thầm biết về cái nhìn. Nhu tò mò nhìn lại với ánh mắt tinh nghịch. Thì ra đúng là ông Mục nhiều tưởng tượng hoang tưởng. Nhu không “thánh thiện” như ông nghĩ, ông quá lý tưởng. Nhu đã biết nhiều về đàn ông.

Thực ra ông ngầm khuyên Nhu nên kín đáo trước cái nhìn “đàn ông” của các ông khách tới quán cà phê sáng.

Thủy “Lụi” - một nhà thơ nữ cưới chồng ở xứ người, về nước thì thầm với Nhu: “Nhu nhớ con mình không?”

Nhu quay mặt nhìn ra đường không cười: Nhớ, đang kiếm tiền qua bên đó thăm nó. Thủy lại hỏi: “Nhớ chồng không?”. Nhu hay cười mà lần này lại không cười. Cô quay mặt, đôi mắt ươn ướt: “Không nhớ, ông ấy đánh Nhu văng vào vách”. Ông Lưu trố mắt tò mò thắc mắc. Thủy Lụi tiếp: “Chớ không phải vì ông ta muốn việc quan hệ ấy mà Nhu không chiều?”. “Không phải vì việc đó. Mà vì ông ta có cái tánh gia trưởng nói là ai cũng phải nghe”.

Ông Lưu:

- Có cha nhà thơ kia còn nói chỉ cần 6 triệu một tháng là có thể gọi Nhu đi khách sạn. Nó còn nói Nhu này cứ chiều đi mất khuya chín mười giờ mới vể chắc là làm ăn với vốn tự có.

(Tôi chợt hiểu ra. Ông Mục say nắng Nhu là ông chỉ tội nghiệp thương cảm hoàn cảnh sai lầm của cô gái nhẹ dạ này hơn là yêu).

 Điều quan trọng hơn là Nhu không chịu lấy chồng. Ai cũng muốn “hốt” Nhu, không phải chỉ ông Lưu nhà mình. Mà ai ai cũng xin số điện thoại của Nhu. Ai cũng muốn yêu Nhu, muốn Nhu “hốt” mình.

“Không có chuyện Nhu lấy chồng đâu. Giờ này mà chồng con gì trễ rồi, từ từ để coi sao đã” - Nhu nói với Mục - “Ông muốn con đi lấy chồng cho rồi để cho ông bớt khổ à. Không dám đâu, ông còn khổ thêm… Mà chắc gì con vui…”.

 Nhu làm điên đảo bọn người tới đòi “hốt”. Anh chàng Loan “Mắt Nhung” là một, cha chủ quán ăn Bảy Ni là hai, ông Chất là ba và còn dài dài các ông khác. Không hiểu sao Nhu lắm mối. Chữ “hốt” làm cho ông Mục quạu, con người chứ có phải là rác đâu mà “hốt”. Mục ít cười nhưng nhìn Nhu cười là Mục vui. Mục nói đùa gần như thật: Nếu tôi chừng 50 tuổi tôi xin cưới Nhu.

***

Thủy “Lụi” châm điếu thuốc Sa lem phì phà hỏi Nhu:

- Nhu có say nắng không ?

- Chỉ Yêu thôi… nhưng chắc có Say.

Lụi hỏi:

- Sao rồi?

- Ly dị, chồng có bồ mới.

- Có ai say nắng Nhu không?

- Hơi bị nhiều.

Thủy “Lụi” nghiêng đầu qua nói nhỏ vào tai Nhu:

- Nhu đừng có nói lung tung về việc thằng chồng ngoại cầm dao đánh Nhu văng vô vách nữa.

Nhu đứng lên vào nhà nấu cơm nhìn ông Mục: “Chắc ông nhớ xóm hẻm nghèo. Nhớ con tới già tới chết…”.

Mục nói như than thân:

- Tôi có tánh hơi quái dị nên đơn độc. Tới giờ này vẫn không vợ con, không gia đình. Ông thích Nhu. Nhu cho ông đứa con…

Nhu... hài:

- Hãy đợi đấy, nói trước bước không tới. Khi nào con… 67 tuổi bằng tuổi ông bây giờ. Còn ông lúc đó trăm tuổi, mất khả năng chi trả, bị truất quyền thi đấu, con thì hết pin rồi… Đẻ bằng cái rún à.

Nhu nói rồi đi chậm vô nhà, mẹ Nhu nhìn theo con gái, nghe nói có lúc ông bà giận đuổi Nhu. Có lần Nhu nói với ông Mục. Chuyện đó lâu rồi.

Ông Mục hỏi mẹ Nhu:

- Thằng bồ của Nhu ở bệnh viện ngày nào Nhu đi làm cũng gặp. Sao Nhu không lấy chồng mới?

Mẹ Nhu:

- Có bồ cho vui, chồng con gì, ai mà cưới nó.

Nhu:

- Ôi trời được làm bồ người ta là tốt phước rồi.

Mẹ Nhu nói tiếp:

- Thằng bồ này có vợ con rồi. Còn chồng nó hắt hủi nó.

***

Biền đang nhẩn nha giải thích chuyện Say Nắng. Ông nói nghe như là… chuyện của mình: Say Nắng mặt trời thì có thể bị đột quỵ gọi là sốc nhiệt. Còn Say Nắng như mấy ông này như cơn bão lớn, ở trạng thái khác. Tôi không tìm thấy sách vở nào hay tài liệu khoa học nói tới Say Nắng. Chỉ có thể hỏi người nào bị Say Nắng mới hiểu đó là bị sốc tâm lý nặng. Rất bất ngờ như bị va vào não, xem như gặp một người nào đó, mà mình mơ ước được gặp, khổ là trời khiến cho gặp đúng lúc đúng dịp không ngờ nhất. Muốn trị phải tìm cảm giác nào mạnh hơn thay vào, lần hồi sẽ quên. Nếu không quên ngày qua ngày sẽ bị đau tim nặng, rồi trở thành bệnh tương tư. Suốt đời cứ nhớ nhớ tới thì “chết” là chuyện thường.

Thủy “Lụi”: Đúng là thốn tim khó chịu lắm…

(Tôi nghĩ Thủy “Lụi” chắc là có nhiều kinh nghiệm như cô ta nói).

Biền nói một mình:

- Muốn khỏi chết. Tìm cách cưới ngay em Nắng đó về nhà.

Nãy giờ ông Mục ngồi nhìn theo Nhu. Ông chợt nói khẽ:

- Tôi mới nói với Nhu vậy rồi. Nói nếu bây giờ tôi 50 tuổi tôi cưới Nhu, Nhu nói hãy đợi đấy…

Biền:

- Tôi cũng nói vậy với em Nắng của tôi. Ông Mục có lý: con sư tử cái nó cũng Say Nắng con đực khác. “Sư tử Hà Đông” cũng Say Nắng. Ngày này năm trước vui quá mà hôm nay buồn ơi là buồn. Tôi với Nắng đi du lịch. Bỗng nhiên Nắng trở chứng đòi ly dị, tôi về nhà cũ sống một mình, bếp núc chén đĩa cũ bán hết đi ăn cơm bụi… Nhà có tủ sách quý cũng sắp bán.

(Phần lớn con người đều mang nhiều mơ ước, những ước mơ này thường tan vỡ và tàn dần với thời gian. Họ thất vọng về những sự kiện thực tế vì chúng không giống như lý tưởng của họ. Mẫu người tình lý tưởng vì vậy phát triển ngược, cho nên chuyện cũ dần phai và tan vỡ, những giấc mơ chỉ còn tồn tại ở cuối đời người… Người tình lý tưởng cứ nghĩ là không gặp ở kiếp này, bất ngờ hiện lên trước mắt đúng lúc, đúng dịp. Cho vui như Nhu hay nói).

 Nhu thích ngồi gần ông Mục mộng du nói chuyện cá hồi và sư tử cái say nắng.

(Quán bỗng vắng Nhu, khách cà phê ít tới. Tôi biết Nhu đã đi xa… Phố đã vắng bước chân Nhu, phố buồn rầu tương tư. Tôi nhớ ai đó nói người có hạnh phúc là người biết nghĩ tới người cùng khổ vì yêu và biết yêu. Tôi không có được hạnh phúc vì không giúp ai. Ông Mục và Nhu đều là người tốt. Ông già cố giúp Nhu làm lại cuộc đời mình bằng tình yêu đơn phương và những lời khuyên: Đừng lấy chồng khác nữa khổ cho Nhu. Tôi chợt bâng khuâng khi đứng bên thềm đường đã nhiều người qua lại, tôi bước đi cũng hoang mang rồi, vì biết Nhu gần như con cá hồi trở lại nơi cũ, nơi có cái trứng của Nhu trở thành con cá. Chẳng biết Nhu có tới được nơi cũ hay không.

Giờ đây quán chỉ còn mỗi ông Mục ngơ ngác ngồi trơ trọi nhớ thương Nhu. Hình như tôi cũng khác đi rồi. Tôi chợt biết mình đã khóc mà không hay. Tôi nhìn qua bức tường cũ nơi có chiếc ghế lúc trước Nhu hay ngồi. Hình như tôi đã Say Nắng và thốn tim).  

Mạc Can (năm 2020)

 

 

Tin xem nhiều