Báo Đồng Nai điện tử
En

Ăn để nhớ quê minh

11:10, 23/10/2020

Ăn để nhớ (tác giả Kim Em), Lãng du từ góc bếp Việt (Trần Quốc Toàn), Kiếp ba khía (Trần Bảo Định)... là những tác phẩm truyện ngắn, tản văn ra mắt công chúng gần đây "không hẹn mà gặp" đều có mối liên quan giữa ẩm thực Việt, nơi chốn quê nhà dấu yêu và những hoài niệm đong đầy.

Ăn để nhớ (tác giả Kim Em), Lãng du từ góc bếp Việt (Trần Quốc Toàn), Kiếp ba khía (Trần Bảo Định)... là những tác phẩm truyện ngắn, tản văn ra mắt công chúng gần đây “không hẹn mà gặp” đều có mối liên quan giữa ẩm thực Việt, nơi chốn quê nhà dấu yêu và những hoài niệm đong đầy.

Nhà văn Trần Quốc Toàn và tác phẩm
Nhà văn Trần Quốc Toàn và tác phẩm

* Lãng du từ góc bếp Việt

Sinh ra giữa lòng đất Thăng Long Hà Nội cổ kính nhưng khi đất nước thống nhất lại “dịch chuyển” vào tận đồng bằng sông Cửu Long để dạy học, nhà giáo - nhà văn Trần Quốc Toàn được biết đến với rất nhiều tập truyện ngắn, nhưng khi ông ra mắt tập tùy bút ghi chép, tường thuật về... các món ăn và cách chế biến các món ăn; đồng thời miêu tả các kiểu ăn, sự sành ăn... trong Lãng du từ góc bếp Việt (NXB Văn hóa - văn nghệ, năm 2020) thì khiến cho nhiều bạn hữu, độc giả phải bất ngờ lý thú!

Nói như nhà văn Hoàng Đình Quang - người viết lời đầu cho cuốn sách của người bạn Trần Quốc Toàn thì “cuốn sách đã đem đến cho tôi - người đọc trước một sự thú vị của người không ăn được nhiều nhưng lại... thích ăn!”.

Nhà văn Hoàng Đình Quang đánh giá Lãng du từ góc bếp Việt “ngay từ cái tựa đã rất gần gũi, dễ hiểu. Đến khi đọc thì thú vị, bởi vì nó... thú vị”. Và ông Quang lý giải: “Tác giả đã đặt cho tên sách là “góc bếp”, là cái chỗ để người ta chế tác, biến hóa các món ăn, chứ chẳng phải để ăn. Nhưng mà ăn ở đấy chắc là ngon, nó ngon theo cái kiểu nếm, nó thấp thỏm lắm lắm!”.

Tác giả Trần Quốc Toàn khẳng định “trong miếng ăn có cả... điệu múa”, ghi chú tỉ mỉ chuyện ăn trong thơ ca từ cổ chí kim dí dỏm như thế nào như để khai vị, gọi mời bạn đọc cùng ông “nếm” qua những món dung dị từ nộm ngó sen đến tương sấu, nhâm nhi từ nồi riêu cua thơm nức hành phi đến ốc luộc, ốc lùi... Tác giả nhắc đến “vô vàn sơn hào hải vị Hà thành” như bún thang, chả cá thì cũng tỏ ra sành ăn nơi miệt vườn Nam bộ với canh chua cá linh bông điên điển, bò trộn ba khía, bò đánh kéo...

Điều đặc biệt là xuyên suốt tập sách hơn 140 trang này, tác giả Trần Quốc Toàn miêu tả rất nhiều món ngon song hành... ngọt xớt với những câu thơ, bài vè, đồng dao... mà ông tận tụy sưu tầm. “Cơm tám ăn với chả chim/ Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no” là hai câu thơ được tác giả nêu ra cùng diễn tả là lúc ấy, món ăn ngon đến nỗi đôi vợ chồng có thể nhìn nhau... trừ cơm.

* Kiếp ba khía

Nhà văn Trần Bảo Định (sinh năm 1944 tại Long An) vốn được bằng hữu, độc giả tôn kính gọi ông là “Ông già Nam bộ nhiều chuyện” với hàng loạt tác phẩm văn, thơ đặc sắc được xuất bản kể từ năm 2012 đến nay.

Nhà văn Trần Bảo Định và tập truyện Kiếp ba khía
Nhà văn Trần Bảo Định và tập truyện Kiếp ba khía

Cuốn sách mới nhất - tập truyện ngắn Kiếp Ba khía (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, tái bản mới năm 2020) tiếp tục minh chứng cho sức viết đáng nể và sự tài tình trong cách sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ Nam bộ của nhà văn Trần Bảo Định. Tác phẩm dành cho những người “thương nhớ khôn nguôi quê nhà, ưa tìm tòi khám phá những bí mật lịch sử về một phương Nam “ngày cũ”...” theo lời đánh giá của PGS-TS Nguyễn Thành Thi, bởi có khá nhiều dữ liệu lịch sử ở các truyện ngắn trong tác phẩm này.

Bằng phong cách hài hước, chân chất, nhà văn Trần Bảo Định thuật lại những câu chuyện tình đất, tình người, tình đời, tình vạn vật xung quanh. Ông khiến người đọc xúc động về những gì tồn tại và diễn ra xung quanh mình, cho dù là nhỏ bé. Đó là câu chuyện “thằng Mẫm đực” trong truyện ngắn cùng tên muốn đòi ăn khoai nướng thơm của dì Tiết thì phải giải đố. Đó là câu chuyện “trong bữa ăn nhà quê bao giờ cũng có món “bông” hiện diện: bông bầu, bông bí, bông mướp...” trong truyện Kim Bông thần mã trở nên đặc sắc khi tác giả viết: “Má thường dặn con cái, muốn hiểu người bạn đời - ngoài những yếu tố khác có một yếu tố cực kỳ quan trọng, là hãy nhìn cái miệng người đó trong lúc đang ăn. Tại sao? Vì khi ăn, miệng thể hiện văn hóa, tư chất, tính cách con người!”...

Trong truyện ngắn được lấy làm tựa sách Kiếp ba khía, nhà văn Trần Bảo Định khiến người đọc phải ray rứt với hình tượng ẩn dụ thân phận con người cũng như con ba khía cùng những bài học về nhân thế. Trong đó, tình yêu, tình người, tình san sẻ gia đình cứ hòa quyện, trải dài theo tiếng ru con của người vợ trẻ miệt vườn: “Phần thịt thì để cho chồng/ Phần xương em gặm, phần lòng cho con”.

* Ăn để nhớ

Là tập tản văn của nhà báo Kim Em (nguyên Trưởng văn phòng đại diện miền Trung của Báo Tuổi Trẻ TP.HCM) vừa phát hành đầu tháng 10-2020 “đã được NXB Trẻ tái bản lần thứ nhất chỉ sau 10 ngày phát hành”. Tác giả Kim Em thông báo tin vui như thế khi chị đang cùng những người bạn hữu tình nguyện tất tả mang bánh chưng, bánh ngọt, gạo, hàng cứu trợ giúp bà con bị ngập lụt ở Quảng Bình ngày 22-10.

Nhà báo Kim Em và sách Ăn để nhớ
Nhà báo Kim Em và sách Ăn để nhớ

“Tôi gửi tiền nhuận bút có được từ sách Ăn để nhớ hỗ trợ mua vở cho các em học sinh bị lũ lụt ở Quảng Trị, và mua đồ ăn, thức uống gửi cho bà con ở vùng ngập lũ H.Lệ Thủy - Quảng Bình, mong bà con cầm cự cho qua cơn lũ dữ” - nhà báo Kim Em cho biết.

Sinh ra và lớn lên “bên dòng sông Hoài cách phố cổ Hội An chừng vài trăm bước chân”, tác giả Kim Em tự bạch, chị “có một tuổi thơ đẹp trong tình thương yêu của ba má” và những món ăn dân dã giản dị “nhớ mãi không quên” nơi hồi ức tuổi thơ. Từ chén xu xoa ngọt mát, chiếc kẹo ú đầy bột gói trong lá chuối khô đến “những món ăn đơn sơ thường ngày trong gian bếp” như “cá trích ve”, cá mối, cá chuồn nấu mít non, bánh ú tro, rau đắng, dưa muối, bánh tráng sắn... được tác giả miêu tả tinh tế, tỉ mỉ và tràn đầy tình yêu với nền ẩm thực quê hương.

Kim Em cũng không quên nhắc đến những món ngon Hội An, miền Trung mà ngày nay đã vang danh, phổ biến khắp chốn như mì Quảng, cao lầu, cơm gà... như một điểm tô và tự hào không thể thiếu.

Đọc Ăn để nhớ với nhiều cảm xúc... thèm ăn thi vị, người đọc bỗng “à thì ra” những hũ mắm, mớ rau, mùi khói bếp... mà tác giả Kim Em miêu tả ấy, dường như nó cũng chính là xóm làng, quán quê ngày nao trong tâm hồn mỗi người. Vậy nên ăn để... nhớ là đúng rồi. Nhiều độc giả hẳn thầm cảm ơn Kim Em với những tản văn ẩm thực hồn hậu, duyên dáng đã giúp họ hoài nhớ ấu thơ với những điều đẹp đẽ nhất.

Yến Thanh

Tin xem nhiều