Nhà thơ Lê Thanh Xuân (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) là người làm thơ ở Đồng Nai sớm được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau năm 1975. Chỉ riêng chi tiết này phần nào cho thấy vị thế của anh trên văn đàn Đồng Nai.
Nhà thơ Lê Thanh Xuân (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) là người làm thơ ở Đồng Nai sớm được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau năm 1975. Chỉ riêng chi tiết này phần nào cho thấy vị thế của anh trên văn đàn Đồng Nai. Anh có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng quốc gia, cả thơ và văn xuôi, nhưng chủ yếu là thơ. Anh từng là Trưởng ban Văn học của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và đang là biên tập viên thơ của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Quê Thanh Hóa nhưng ngụ Biên Hòa - Đồng Nai nửa thế kỷ, có thời gian dài là Trưởng ban Văn nghệ Đài PT-TH Đồng Nai, Lê Thanh Xuân đầy đủ tâm thế để thể hiện tình cảm của mình với nơi anh đã gắn bó, yêu thương. Trước đây, nhà thơ Hiền An Giang, một trong những sáng lập viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai từng nói rằng Lê Thanh Xuân là tác giả có nhiều thơ viết về Biên Hòa - Đồng Nai in trên báo trung ương sau năm 1975.
Năm 2015, trong số các hoạt động của Đồng Nai kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015), một số ấn phẩm nằm trong chương trình “sách đặt hàng” ra mắt bạn đọc, trong số này có tập thơ của Lê Thanh Xuân. Hẳn rằng, thơ Lê Thanh Xuân phải có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, được sự công nhận và mến mộ của công chúng, tác phẩm có chất lượng thì mới được chọn để xuất bản sách đặt hàng. Với thơ điều này hoàn toàn không dễ dàng và sự tin cậy đối với thơ của Lê Thanh Xuân là chính đáng. Tập thơ có hơn 200 trang in đủ với gần 200 bài thơ sáng tác mấy chục năm. Tựa sách Thơ Lê Thanh Xuân, theo tác giả: “Chưa phải là cuộc tổng kết về thơ của bản thân tôi; mà chỉ là gom lại một số bài thơ viết về quê hương đất nước đã đi qua những năm tháng gian lao vất vả và đang trên con đường đổi mới hôm nay” (lời ngỏ đầu sách). Quả vậy, gần 200 bài hay hơn nữa cũng chưa thể hiện hết hoa trái chặng đường thơ khá dài với tuổi đời ngoài 70 của anh.
Ngụ cư ở một nơi cả nửa thể kỷ, Lê Thanh Xuân chắc chắn có nhiều trải nghiệm và có thể thấy rằng thơ Lê Thanh Xuân có chiều sâu, giàu chất suy tưởng, là trí tuệ. Chính vì vậy có khi lại kén người đọc. TP.Biên Hòa là nơi anh sống và dành nhiều cảm xúc trong thơ.
Cù lao Phố hôm nay đã là P.Hiệp Hòa đang trên đường đô thị hóa nhanh chóng, bài Cù lao Phố của Lê Thanh Xuân (không ghi năm sáng tác) như một hoài niệm:
Đi tìm xưa. Xưa đã chẳng còn
Chút hoài niệm sót lại nơi câu đối
Im ỉm chiếc bình hoa không nói
Nếp nhăn buồn trên mái ngói âm dương
Cọc sắt bên sông nhớ bóng con thuyền
Trăng phồn thực còn vương trăm mảnh vỡ.
Một ước mơ về Biên Hòa diễn đạt thời thượng là “thành phố đáng sống”, bài Ý tưởng Biên Hòa cho thấy tình cảm ấy:
Sẽ là thành phố như mơ. Sẽ là thành phố:
Hoa dâng thơm như em gái dậy thì
Xanh đằm thắm, xanh bới đi vàng úa
Những đường ong thêm sắt trời rộng mở
Mật thơm tho trên đường nét khô cằn
Những dãy phố sẽ là những dãy phố
Mặt không còn gờn gợn những vết nhăn…
TP.Biên Hòa cư xử nghĩa tình với các nhà văn hóa, văn nhân, thi sĩ. Một số con đường đã đặt tên các nhà văn hóa, văn nhân như: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Huỳnh Văn Nghệ, Dương Tử Giang…, Lê Thanh Xuân viết:
“Ông không biết. Chỉ con đường mới biết
Phút thăng hoa lại vắng bóng người
Ta là chữ nghĩa muôn đời bất diệt
Đâu màng tiền, chỉ cần sắc hoa tươi”.
(Con đường mang tên Lý Văn Sâm)
Nói đến Biên Hòa phải nhắc đền Bửu Long. Lịch sử văn học có ghi nhận bài Biên Hòa phong cảnh của Bùi Thoại Tường: Trên hồ Long Ẩn dưới truông voi/ Phong cảnh Đồng Nai thú mặn mòi/ Đá lập hình nghê nằm ngoài cổ/ Hàng giăng sống rắn chảy theo còi/ Lòng dân trung hậu danh còn tạc/ Đất nước anh linh dấu hãy soi/ Đồ sộ trời Nam xây cõi thọ/ Non sông một thước đáng ngàn thoi (dẫn theo Thơ văn yêu nước Nam bộ thế kỷ XIX); thì ở đây Lê Thanh Xuân hiện đại và cũng rất tình cảm:
Mấy trăm năm chùa. Mấy nghìn năm núi
Ta bỗng tin vào sức mạnh vững bền
Phật ở tâm, chùa trên đá
Kẻ phàm trần ngưỡng mộ tôi lên…
(Núi Bửu Long)
Cảm xúc thơ Lê Thanh Xuân về Biên Hòa là lạc quan, yêu đời và tin tưởng. Trong bài Khúc sông qua thành phố, Lê Thanh Xuân đã viết: “Tôi chợt nhận ra thành phố đang già ngột ngạt - Một gương mặt tươi ban mai…”.
Trần Trị An