Sau thông tin tích cực về một loại vaccine phòng bệnh Covid-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, nhà khoa học Drew Weissman đã chia sẻ về phương thức phát triển loại vaccine này.
Sau thông tin tích cực về một loại vaccine phòng bệnh Covid-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, nhà khoa học Drew Weissman đã chia sẻ về phương thức phát triển loại vaccine này. Ông là người đã phát minh ra kỹ thuật mở đường cho việc phát triển vaccine nói trên và giai đoạn thử nghiệm thứ 3 cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi vaccine này được cấp phép và đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trụ sở Hãng dược Pfizer tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trả lời phỏng vấn Hãng tin AFP (Pháp), nhà miễn dịch học Weissman thuộc Đại học Pennsylvania và cũng là cố vấn của hãng dược BioNTech, nhấn mạnh mức độ hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 được hai hãng dược trên công bố cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 60%-70% mà giới chức y tế kỳ vọng và cũng cao hơn nhiều so với mức 50% mà hầu hết các loại vaccine phòng cúm đạt được. Cả vaccine của Pfizer và vaccine đang được công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) cùng Viện Y tế Quốc gia Mỹ phối hợp phát triển đều sử dụng các phân tử được gọi là “RNA thông tin” (mRNA) - một phương pháp chưa từng được chấp thuận trước đây. Ý tưởng này lần đầu tiên được chứng minh vào năm 1990, song phải đến giữa những năm 2000, ông Weissman và đồng nghiệp Katalin Kariko mới phát triển một kỹ thuật để kiểm soát phản ứng viêm nguy hiểm ở động vật khi tiếp xúc với các phân tử này, qua đó mở đường phát triển các loại vaccine an toàn cho con người. Nhà khoa học Kariko hiện là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech.
Theo ông Weissman, các vaccine hoạt động bằng cách huấn luyện cơ thể nhận ra một số protein đặc trưng, được gọi là “kháng nguyên”, vốn được virus và vi khuẩn gây bệnh tạo ra, qua đó kích hoạt hệ thống miễn dịch phản ứng. Các vaccine truyền thống, như vaccine phòng sởi hoặc cúm, thực hiện quá trình này bằng cách đưa vào cơ thể con người một lượng nhỏ virus hoặc các dạng virus “giảm độc lực” yếu hơn. Phương pháp này thường mất nhiều thời gian để phát triển và tối ưu hóa việc phòng bệnh. Ngược lại, loại vaccine thế hệ mới của Pfizer và BioNTech dựa trên phương pháp mRNA cung cấp các “chỉ dẫn di truyền” để tạo nên các kháng nguyên trực tiếp vào tế bào, từ đó biến cơ thể con người trở thành “một nhà máy sản xuất vaccine” một cách hiệu quả. Nói cách khác, các vaccine phòng Covid-19 dựa trên mRNA khiến tế bào con người phát triển một kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, còn được gọi là “protein đột biến”, trên bề mặt chúng. Hệ thống miễn dịch sẽ phát hiện những protein tăng đột biến này và phát triển “kháng thể” chống nhiễm trùng chống lại nó, mà không cần tiếp xúc với virus thực sự.
Nhà khoa học Weissman cho biết một điểm đặc biệt là các vaccine mRNA được đánh giá an toàn hơn so với vaccine truyền thông, vì loại trừ khả năng protein đột biến có thể khiến ai đó mắc bệnh. Một ưu điểm khác là tốc độ: các nhà khoa học có thể mất nhiều tháng để phát triển vaccine dựa trên các virus đã suy yếu được nuôi bên trong trứng gà hoặc các dòng tế bào thông thường. Với vaccine mRNA, điều cần thiết duy nhất là “trình tự” của kháng nguyên, có thể chỉ mất vài tuần để hình thành. Không giống vaccine truyền thống, vaccine mRNA kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch, một cơ chế phòng thủ bổ sung trên các kháng thể.
Tuy nhiên, một nhược điểm chính của vaccine mRNA là chúng phải được bảo quản trong tủ đông chuyên dụng, trong khi một số loại vaccine khác chỉ cần nhiệt độ tủ lạnh. Tới nay, chưa có loại vaccine mRNA nào được chấp nhập sử dụng trên người, song chúng đã được sử dụng trên động vật. Tuy nhiên, ông Weissman bày tỏ lạc quan về tiềm năng của vaccine dựa trên kỹ thuật này, cho biết công tác phát triển vaccine phòng bệnh mụn rộp Herbes, cúm và HIV đang được tiến hành.
Theo những kết quả sơ bộ được Pfizer và BioNTech công bố ngày 9-11, vaccine phòng Covid-19 mà hai hãng này phát triển đã phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa Covid-19 của vaccine do hai hãng phát triển.
Dù đã có kết quả khả quan, nhưng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp như vaccine sẽ có hiệu quả bảo vệ trong bao lâu. Dù vậy, thông tin trên đã mang lại hy vọng rằng có thể trong những vaccine đang thử nghiệm sẽ có vaccine hiệu quả và là thông tin đặc biệt đáng hoan nghênh trong bối cảnh tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang ở những mức cao chưa từng có, các cơ sở chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện đang dần hết chỗ trong khi tỷ lệ tử vong cũng không ngừng tăng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa Covid-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.
TTXVN