Quý I-2020, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Tổ chức Đột quỵ thế giới công nhận đạt chứng nhận Bạch kim (Platinum) về điều trị đột quỵ vì đạt và vượt nhiều chỉ tiêu khắt khe do Hội Đột quỵ thế giới đưa ra.
Quý I-2020, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Tổ chức Đột quỵ thế giới công nhận đạt chứng nhận Bạch kim (Platinum) về điều trị đột quỵ vì đạt và vượt nhiều chỉ tiêu khắt khe do Hội Đột quỵ thế giới đưa ra.
BS CKII Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, đây là vinh dự lớn đối với Đơn vị đột quỵ trực thuộc khoa bởi là đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt được chứng nhận này.
Mở lối cho lĩnh vực đột quỵ tại Đồng Nai
* Được biết lĩnh vực nội thần kinh không phải là lựa chọn ban đầu của bác sĩ khi đăng ký học sau đại học?
- Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 2003, tôi về làm việc ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau đó, chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năm 2006, tôi đăng ký đi học sau đại học chuyên ngành Nội tiết vì dự đoán ngành này sẽ “hot” trong tương lai. Tuy nhiên, nguyện vọng này của tôi không thực hiện được, chắc vì không có duyên. Vì thế, tôi phải chọn chuyên ngành khác là Nội thần kinh - chuyên ngành rất ít bác sĩ lựa chọn tại thời điểm đó.
Trong thời gian này và sau khi tôi đã học xong sau đại học vài năm, bệnh viện vẫn chưa thành lập Khoa Nội thần kinh, những người bệnh thuộc chuyên ngành thần kinh khi đó nằm rải rác ở các khoa nội khác nhau trong bệnh viện. Đến tháng 5-2015, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hoạt động ở cơ sở mới, Khoa Nội thần kinh mới được thành lập. Và Đơn vị đột quỵ là đơn vị trực thuộc Khoa Nội thần kinh.
* Những thay đổi từ khi Khoa Nội thần kinh được thành lập là gì, thưa bác sĩ?
- Trước đây, những bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến thần kinh như bệnh động kinh, phần lớn chúng tôi phải chuyển qua Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 hoặc bệnh nhân đột quỵ phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để được điều trị. Đối với bệnh nhân đột quỵ, việc phải chuyển lên các bệnh viện ở TP.HCM sẽ làm giảm bớt cơ hội để bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường hoặc gần như bình thường vì yếu tố thời gian không được đảm bảo.
BS Nguyễn Đình Quang (thứ 2 từ phải qua) được lãnh đạo bệnh viện khen thưởng vì đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác điều trị đột quỵ Ảnh: H.DUNG |
Khoa Nội thần kinh dù là khoa sinh sau đẻ muộn nhưng đã có những bước phát triển rất đáng tự hào. Chúng tôi hiện có 15 bác sĩ, trong đó 2/3 có trình độ sau đại học. Các y, bác sĩ trong khoa đều rất nhiệt huyết, yêu nghề, năng động và sáng tạo. Khoa cũng được bệnh viện trang bị nhiều loại trang thiết bị, máy móc hiện đại, thuốc men đầy đủ để điều trị đột quỵ. Nhờ đó, kết quả điều trị đột quỵ thành công cũng tăng theo từng năm.
Đoàn kết là yếu tố tiên quyết
* Chứng nhận Bạch kim - giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ xuất sắc có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân ông nói riêng và Khoa Nội thần kinh nói chung?
- Để đạt được chứng nhận Bạch kim phải kể đến sự đoàn kết, góp sức của cả tập thể, từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế đến lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đến các khoa, phòng liên quan trong bệnh viện. Đó là động lực to lớn để bản thân tôi và các đồng nghiệp tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Bệnh nhân bị đột quỵ sau khi được đưa vào Khoa Cấp cứu, nhân viên y tế sẽ tiến hành nhận bệnh và xử trí ban đầu. Sau đó, Khoa Cấp cứu mời bác sĩ nội thần kinh hội chẩn khẩn, bệnh nhân được đưa vào chụp CT ngay tại khoa Cấp cứu. Bác sĩ nội thần kinh cho y lệnh điều trị thuốc tiêu sợi huyết (đối với bệnh nhân có chỉ định), bệnh nhân được chụp CT scan mạch máu não, được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ dưới hệ thống DSA (những bệnh nhân có tắc động mạch lớn) và chuyển đến khoa Nội thần kinh để tiếp tục được điều trị và chăm sóc. Tại Khoa Nội thần kinh, bệnh nhân sẽ được làm các cận lâm sàng tìm nguyên nhân gây đột quỵ để có phương án dự phòng hiệu quả. Trong thời gian này bệnh nhân cũng được tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sớm (thường sau 24 giờ). Khi ra viện, chúng tôi dặn dò uống thuốc theo toa, tái khám đúng hẹn, hướng dẫn chế độ ăn, sinh hoạt, bỏ thuốc lá… Nhờ sự đoàn kết, phối hợp tốt giữa các khoa, phòng trong bệnh viện và với các đơn vị bạn mà ngày càng nhiều bệnh nhân bị đột quỵ được cứu sống trở về cuộc sống bình thường.
BS Nguyễn Đình Quang (bìa trái) cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum |
* Đột quỵ là nguyên nhân tử vong thứ 2 trên thế giới và hàng đầu tại Việt Nam. Cứ mỗi 30 phút thì có 1 bệnh nhân đột quỵ và trong tương lai, cứ 3 người thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Vậy làm thế nào để phòng tránh căn bệnh này, thưa bác sĩ?
- Bệnh nhân bị đột quỵ có thể được cứu sống hoặc di chứng tối thiểu nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách.
Bệnh đột quỵ rất dễ chẩn đoán. Nếu phát hiện bản thân, người thân có những biểu hiện dưới đây, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đó là: bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường bỗng nhiên nói khó, yếu tay chân, méo miệng, hôn mê, chóng mặt, mất thăng bằng...
Để phòng ngừa bệnh đột quỵ, người dân cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Nguy cơ hàng đầu là tăng huyết áp (chiếm đến 80%), tiếp đến là bị bệnh tiểu đường, các bệnh lý về tim mạch, người béo phì, rối loạn mỡ máu, ít vận động, hút thuốc lá…
* Xin bác sĩ cho biết những phương pháp chính để điều trị đột quỵ hiện nay?
- Có 2 phương pháp chính để điều trị đột quỵ. Đó là dùng thuốc tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Với phương pháp dùng thuốc để làm tan cục máu đông, người bệnh có 50% cơ hội để hòa nhập cộng đồng, có thể sinh hoạt độc lập, trở lại công việc bình thường. Nếu bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn thì cần phải được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Phương pháp này sẽ giúp bệnh nhân có thêm cơ hội so với việc chỉ sử dụng thuốc.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Nếu năm 2016, tỷ lệ điều trị tái thông cho bệnh nhân đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đạt hơn 3,5%/1,4 ngàn bệnh nhân đột quỵ thì đến năm 2019, đã có 14,3% bệnh nhân/gần 2 ngàn bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tái thông. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 1 ngàn bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó 16% bệnh nhân được điều trị tái thông. |
Hạnh Dung (thực hiện)