"Bali đã dần vượt qua "tử thần Covid-19" và tôi quyết định đón đầu tình hình bình thường mới bằng việc mở một quán ăn Việt Nam tại thiên đường du lịch này hôm 1-11 vừa rồi" - chị Hồ Huyền, một chuyên gia ẩm thực gốc Huế hiện đang sống ở đảo Bali (Indonesia) cho biết.
“Bali đã dần vượt qua “tử thần Covid-19” và tôi quyết định đón đầu tình hình bình thường mới bằng việc mở một quán ăn Việt Nam tại thiên đường du lịch này hôm 1-11 vừa rồi” - chị Hồ Huyền, một chuyên gia ẩm thực gốc Huế hiện đang sống ở đảo Bali (Indonesia) cho biết.
Bếp trưởng Hồ Huyền chuẩn bị món Việt phục vụ khách đến quán Mệ Vui ở Bali |
Tranh thủ những quãng thời gian nghỉ giữa những đợt nấu nướng, làm bếp phục vụ thực khách các món bún chả, phở, bánh mì Việt, cà phê sữa đá Sài Gòn tại quán Mệ Vui (đường Legian, Q.Kuta, đảo Bali), chị Hồ Huyền trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần qua mạng online trong tâm trạng khá vui vẻ. “Mùa dịch Covid-19 hầu hết các shop, cửa hiệu và hàng quán ở phố Legian đóng cửa hết, chỉ có vài tiệm mở mà còn không phải dịch vụ ăn uống. Bởi vậy khi Mệ Vui mở ra có khách là mừng hết lớn rồi. Hy vọng tôi cầm cự được đến khi khách du lịch quay trở lại Bali đông đúc như “thời hoàng kim” trước đại dịch” - chị Huyền tâm sự.
* Bình thường và bất thường
Indonesia hiện ghi nhận trên 450 ngàn ca nhiễm Covid-19, trở thành nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á. Riêng tại thiên đường nghỉ dưỡng Bali có trên 12 ngàn ca nhiễm virus, hơn 400 người thiệt mạng vì Covid-19. Dẫu vậy, so với thời gian đầu mùa dịch thì tình hình đang khả quan hơn, số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm. Chính phủ Indonesia đã đặt mua 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 dự kiến nhập về trong năm 2021.
Tô phở Việt bên bờ biển Bali |
Theo quan sát “mắt thấy tai nghe” tại chỗ của chị Hồ Huyền, đại dịch Covid-19 “là đòn tàn phá nặng nề nhất từ trước đến nay cho một hòn đảo với gần 80% doanh thu liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp từ du lịch như Bali”.
“Tại Bali, chính quyền địa phương và người dân có thu nhập từ ba nguồn chính là khách sạn - homestay, F&B (kinh doanh ăn uống), lữ hành thì cả 3 mảng này đều bị ảnh hưởng nặng. Kéo theo các ngành hỗ trợ như: nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... đều thất thu hết. Hầu như toàn bộ các cơ sở kinh doanh du lịch đều đóng cửa cho tới thời điểm hiện tại vì không có khách nước ngoài và lượng khách nội địa cũng sụt giảm thê thảm bởi các biện pháp hạn chế đi lại. Ít nhất 75 ngàn lao động chính thức bị thôi việc, hàng trăm ngàn lao động không chính thức trong ngành cũng mất toàn bộ thu nhập” - chị Huyền thông tin.
Thế nhưng mặt khác, trái ngược với các tin tức trầm trọng trên báo, thông tin đại chúng và mạng xã hội thì “cuộc sống Bali diễn ra trong mùa dịch cực kỳ bình thường”. Chị Huyền cho hay: “Người dân Bali bình thản chấp nhận biến cố toàn cầu này, cũng như tuân thủ các quy định của chính phủ đề ra. Trong thường nhật, cuộc sống người Bali gốc nghiêng về nông nghiệp, có thể tự cung tự cấp, tương đối đơn giản về vật chất, đề cao giá trị tinh thần nên dịch bệnh Covid-19 không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý. Những người trẻ mất việc hầu như đều về sống với gia đình ông bà, cha mẹ của họ và được cưu mang. Nói chung, sự liên kết và hỗ trợ về mặt cộng đồng trong văn hóa Bali rất được coi trọng và giữ gìn”.
* Đến Bali, làm việc chi?
Chị Hồ Huyền cùng gia đình sang Bali sống kể từ tháng 9-2019 với mục tiêu là “có nhiều thời gian dành cho con cái hơn” (chị có hai con 12 và 14 tuổi). Thời gian xảy ra dịch Covid-19, gia đình chị “tuân thủ các biện pháp như: đeo khẩu trang, rửa tay, không đến chỗ đông người, con cái học online tại nhà… Ngoài ra không có sự hạn chế nào đáng kể trong cuộc sống và chúng tôi cũng không quá lo âu về vấn đề nhiễm dịch. Thật sự dù quen biết rất nhiều người Bali và người nước ngoài sống tại Bali, chúng tôi cũng chưa từng nghe đích xác một trường hợp cụ thể nào bị nhiễm virus”.
Quán ăn Việt thu hút khách |
Khi Covid-19 đã có phần tạm lắng, chị Hồ Huyền bắt đầu nghĩ rằng bên cạnh việc chăm sóc con cái thì “thật sự cần có một công việc để cân bằng cuộc sống và bản thân”. Chị kể: “Mình làm nghề đầu bếp nên thích nấu nướng, đứng bếp… và quyết định mở một quán ăn giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại trung tâm Bali. Tất nhiên trong thời gian này thì khó khăn chồng chất rồi, chúng tôi chỉ ráng cầm cự cho đến khi mọi việc bình thường trở lại”.
Theo chị Huyền, tâm huyết của chị là “tạo ra một điểm nhấn văn hóa ẩm thực Việt tại Bali như một đam mê, chủ yếu tập trung vào chất lượng và quảng bá về Việt Nam” chứ không có ý định mở rộng kinh doanh tại Bali. “Kinh doanh Bali bình thường rất thách thức, trong tất cả mọi ngành vì có quá nhiều người trẻ, giỏi, nhiều ý tưởng trên thế giới đổ về Bali để thực hiện ước mơ của mình” - người phụ nữ giỏi nấu nướng cho biết.
* Sống an toàn
Khi được hỏi về tình hình cộng đồng người Việt ở Bali, chị Hồ Huyền cho hay: “Cộng đồng người Việt tại Bali có khoảng 8 gia đình, phần lớn là kết hôn với người bản xứ hoặc vợ/chồng là chuyên gia nước ngoài làm việc tại Bali. Cộng đồng Việt Nam chúng ta rất đoàn kết và tất cả an toàn, khỏe mạnh trong mùa dịch. Hiện tại ở Bali cũng có 2 bạn trẻ Việt Nam sang du lịch rồi “cố tình” kẹt lại suốt mùa dịch để trải nghiệm sâu việc sống và cảm nhận hòn đảo thiên đường này”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm rất tốt trong đợt dịch Covid-19 khi luôn cung cấp, cập nhật mọi thông tin cụ thể về các diễn biến dịch, thông tin từ nước sở tại, thông tin chuẩn bị các chuyến bay đưa công dân Việt về nước... “Vì vậy chúng tôi rất an tâm suốt thời gian qua”.
Trước khi ngừng trao đổi online, quay vào bếp Mệ Vui chuẩn bị món bún chả, chị Huyền chia sẻ: “Bali là nơi gia đình tôi rất thích, có lẽ do văn hóa và con người cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam nên mình cảm thấy gần gũi. Nếu bạn có dịp ở lâu trên hòn đảo này thì sẽ cảm nhận được nhiều nét đặc biệt, thiên nhiên và môi trường rất tốt, hòa hợp giữa núi, biển, đồng ruộng... Cộng đồng người nước ngoài ở đây rất đa dạng về văn hóa cũng góp thêm sức sống cho Bali”.
Chống dịch “mềm”
Theo anh Phương C.T.G, một doanh nhân người Việt mở công ty du lịch và tư vấn đầu tư tại Bali, giới chức Bali đang cân nhắc các biện pháp cần thiết để mở cửa sân bay quốc tế vào đầu tháng 12-2020. Khách quốc tế từ cuối tháng 9 đã bắt đầu quay trở lại Bali bằng visa thường trú (kita) hoặc visa thăm thân (social visa). Anh Phương cho biết: “Indonesia chọn cách chống dịch “mềm”, cố gắng hài hòa giữa kinh tế và kiềm chế virus. Bali bắt đầu lockdown (phong tỏa) từ cuối tháng 3-2020 bằng cách đóng cửa bãi biển, nhà hàng và nơi tụ tập đông người, ngừng miễn thị thực du lịch và cấp visa tại sân bay. Hiện nay tất cả hầu như đã trở lại đời sống “bình thường mới” dù chính phủ chưa áp dụng trở lại việc miễn visa cho khách du lịch và mở cửa sân bay quốc tế. Người nước ngoài đã bắt đầu quay trở lại Indonesia và Bali bằng visa thường trú, kinh doanh hay thăm thân. Tuy nhiên họ phải bay đến thủ đô Jakarta và nối chuyến đến Bali. Ngoại trừ đeo khẩu trang thì cuộc sống ở Bali cực kỳ bình thường. Thú vị là mọi nơi đều rất vắng, giá ăn uống rẻ (một ngày chi xài tầm 25 USD trở lên), giá thuê ở resort 5 sao như Ana Mandara tính ra chỉ khoảng 800 ngàn đến 1 triệu đồng VN/đêm. Khách dùng visa thăm thân đến Indonesia được gia hạn 4 lần, tổng cộng 6 tháng. Bạn nên mua bảo hiểm y tế để có sự chăm sóc y tế tốt nhất trong mọi trường hợp. Du khách đương nhiên phải xét nghiệm Covid-19 để tránh làm nguồn lây nhiễm cho cộng đồng”. |
Long Khánh