Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề thầy: Giọt tâm huyết rót vào bể lớn

08:11, 20/11/2020

Cuốn sách Nghề thầy của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) được xuất bản lần đầu tiên năm 1944 và vừa được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn tái bản mới nhất nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay.

Cuốn sách Nghề thầy của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) được xuất bản lần đầu tiên năm 1944 và vừa được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn tái bản mới nhất nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay.

Thật kỳ lạ là đã gần 80 năm trôi qua song những chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết về rất nhiều vấn đề về giáo dục, về cách dạy học trò, về mối quan hệ giữa các bậc phụ huynh và thầy cô giáo vẫn còn nguyên giá trị tham khảo, tham chiếu cho thời đại ngày nay. Cụ Hoàng Đạo Thúy viết trong sách đầy tâm huyết: “Cha mẹ chăm chú vào con, nên biết lòng cho thầy giáo. Mình còn trông thấy con nảy nở, chớ ông thầy kia, ông ta còn cần phải có bao nhiêu cái thanh cao của nhà gieo hạt giống; sửa đất đấy, gieo đấy, bón tưới đấy, bao nhiêu hạt nở, bao nhiêu hạt thui, cái kết quả nó chỉ lâu lâu lắm mới thấy được trong trình độ của giống nòi sau này. Giọt tâm huyết rót vào bể lớn, ông ta là người rót mãi rót mãi, cho đến lúc hết. Hiểu cho tâm trạng ông ta, cộng sự với ông ta, ông ta sẽ sung sướng lắm”.

* Những “tâm sự nóng hổi”

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho biết ông đọc lại tác phẩm Nghề thầy của cụ Hoàng Đạo Thúy giữa lúc làn sóng ồn ào về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 vừa lắng xuống, và nhận ra “những gì cụ viết trong cuốn sách, những lời tâm sự, kể cả những tri thức giáo dục học mà cụ giãi bày trong cuốn sách mỏng này vẫn còn nóng hổi”. Thậm chí, “kỳ lạ thay, đa số những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận, hướng dẫn cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới”.

Gạn lọc cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn thời xưa, nhiều vấn đề mà cụ Hoàng Đạo Thúy gửi gắm vẫn còn nguyên tính thời sự. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương thì trước hết là quan niệm về mục đích - mục tiêu của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “giáo dục là tạo ra con người có khả năng kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn”. Cụ Hoàng Đạo Thúy diễn giải giản dị: “Đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”.

Tác giả Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), là nhà giáo dục, nhà biên khảo, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, H.Thanh Trì, Hà Nội. Ông học trường Bưởi, tốt nghiệp Thành chung, sau đó dạy học và tích cực tham gia các phong trào cứu tế xã hội, truyền bá quốc ngữ... Sau năm 1945, ông gia nhập quân đội và lần lượt đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền đương thời cho đến khi về hưu.

Hoàng Đạo Thúy hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trong lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Ông đã viết nhiều tác phẩm về giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là những tác phẩm nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Ông được mệnh danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam (theo NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam).

Thứ hai là xã hội cần ý thức về “vai trò và sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều, bền chặt giữa gia đình và nhà trường, giữa cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh”. Cụ Hoàng Đạo Thúy khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, cân nhắc lời ăn tiếng nói, nuôi con bằng sữa mẹ… và viết tiếp: “Suốt cả trong đời học trò, sự liên lạc của gia đình và thầy học vẫn cần mật thiết”.

Kế đến, cụ Hoàng Đạo Thúy mong mỏi thầy cô giáo hướng đến giáo dục toàn diện “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”, trong đó người đọc có thể lưu ý: “Lòng TRUNG với nước, nên dạy từ sớm. Gần ở cái lòng trung sâu xa mà có thể đến chỗ hy sinh lớn. Như thế hơn là cái trung mồm mép, bồng bột một lúc. Hiếu ở lòng nhân ra, yêu cha mẹ. Đễ cũng thế, là lòng yêu anh em. Trung là lòng yêu người cùng nước, yêu kính người khác, lo toan cho người sau. Vì thế đọc quốc sử là một cách nuôi lòng trung. Biết thờ phụng các bậc anh hùng rồi mới nối gót mà thành anh hùng được”.

Cụ Hoàng Đạo Thúy cũng đề cao việc rèn luyện chí khí cho học trò. Cụ viết: “Người có chí khí thì cả quyết. Thấy việc nên làm là dám làm: bền gan, gặp nỗi khó khăn không nao núng; vững dạ, giữ được ý mà theo đuổi mãi công việc mình; bạo, dám xông pha chỗ nguy hiểm; nhiệt thành, đủ cái khí để cho việc chóng xong, cho người khác theo; táo tỉnh, chỗ khó khăn nguy nan vẫn không rối trí quẫn bách, vẫn biết được cách chống đỡ và cách nên lui; đảm nhận được công việc, không để hỏng, không bỏ dở, không chịu nhọc, không để cho người ta đè nén hay làm nhục nhã, không hèn. Người có chí khí, có khí khái, gặp trường hợp nào cũng giữ được phẩm cách mình. Người có chí khí biết sáng kiến, biết tìm được đường mới mà đi, đã tìm được đường thì lập được chí và đủ chí để theo đuổi cho đến lúc thành công”.

* Làm thầy là “công việc lớn lao”

Cuốn sách Nghề thầy còn chứa “nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục độc đáo, giàu tính thực tiễn và hàm chứa triết lý sâu xa” - theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương giới thiệu. Làm thầy cô giáo là công việc lớn lao, là “thay đổi hẳn tương lai nòi giống” (từ dùng của cụ Hoàng Đạo Thúy). Không chỉ phân tích rất sâu sắc về sứ mệnh của người thầy, cụ Hoàng Đạo Thúy đã đưa ra những chỉ dẫn cho người thầy những việc cần làm để hoàn thành sứ mệnh ấy, đó là lòng tin yêu trẻ, là niềm tin “ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được”.

Người thầy dù chỉ là một thầy giáo làng cũng có thể “chế ngự bản thân trước cám dỗ”, làm gương giúp người dân học theo từ việc trồng cây, lập “tủ sách cho mượn”, giữ sạch sẽ nơi ở… “Những thầy đã tận tụy, trong lâu năm, học trò đã khá giả, làng đã sạch sẽ, thịnh vượng, nước đã thảnh thơi, lúc trẻ nhỏ vào học, mặt sáng sủa tỉnh táo; thế thì thầy cũng có thể vui lòng mà bảo rằng: “tiến vi quan, đạt vi sư” người xưa nói vậy mà phải” - cụ Hoàng Đạo Thúy bày tỏ khát vọng về mọi thế hệ thầy cô giáo trọn lòng hiến dâng đời mình cho việc giáo dục thanh thiếu niên.

“Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa.

Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta “làm thầy”.

Cái huy hiệu bao nhiêu vinh hạnh thanh cao. Nhưng nó chỉ có được, khi chúng ta biết cả cái trách nhiệm nặng nề cho mình quan hệ cho Tổ quốc.

Chúng ta không phàn nàn vì người ta bạc đãi, hãy xét mình đã: Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm chí, thân thế vào đó chưa? Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa?” - trích Nghề thầy của Hoàng Đạo Thúy.

Yến Thanh

Tin xem nhiều