TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi là diễn giả đã được ngành GD-ĐT mời đến chia sẻ nhiều chuyên đề về giáo dục tại Đồng Nai. Có dịp tiếp xúc với cán bộ, giáo viên, học sinh ở nhiều trường học, từ thành phố đến khu vực vùng sâu, vùng xa, ông cho rằng dù có nhiều áp lực nhưng đội ngũ giáo viên Đồng Nai vẫn nuôi dưỡng lòng yêu nghề và luôn nỗ lực để xây dựng ngôi trường hạnh phúc.
[links()]TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi là diễn giả đã được ngành GD-ĐT mời đến chia sẻ nhiều chuyên đề về giáo dục tại Đồng Nai. Có dịp tiếp xúc với cán bộ, giáo viên, học sinh ở nhiều trường học, từ thành phố đến khu vực vùng sâu, vùng xa, ông cho rằng dù có nhiều áp lực nhưng đội ngũ giáo viên Đồng Nai vẫn nuôi dưỡng lòng yêu nghề và luôn nỗ lực để xây dựng ngôi trường hạnh phúc.
* Thưa ông, trong 5 năm trở lại đây, ông đã có rất nhiều dịp về Đồng Nai để nói chuyện chuyên đề với đội ngũ nhà giáo. Những chủ đề ông thường chia sẻ là gì?
- Tôi thường chia sẻ nhiều nhất với giáo viên Đồng Nai về chủ đề ý nghĩa hạnh phúc của nghề giáo và xây dựng môi trường hạnh phúc. Đối với phụ huynh, tôi chia sẻ chủ đề nuôi dưỡng đạo đức mỗi ngày cho con. Đối với học sinh, tôi thường chia sẻ chủ đề về hướng nghiệp và tư duy sáng tạo.
Điều hạnh phúc nhất mà tôi tìm thấy khi đến chia sẻ với giáo viên Đồng Nai chính là tôi đã tìm thấy những giáo viên đang trăn trở với giáo dục. Có nhiều giáo viên từng bị mất hướng đi. Họ nghĩ rằng nghề giáo chỉ là công việc để kiếm sống. Tuy nhiên, qua các buổi chia sẻ ấy, họ đã nhận thức lại rằng nghề giáo là một nghề vô cùng cao quý, hơn cả những công việc phước thiện khác. Đó chính là công việc góp phần xây dựng, kiến tạo nên một xã hội tốt hơn cho tương lai.
Một điều đáng mừng nữa là ngoài lời mời từ Sở GD-ĐT, nhiều trường học đã chủ động mời tôi đến để nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn với giáo viên của trường. Không những vậy, các trường còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với phụ huynh nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục trẻ. Những chuyên đề này đã mang đến một tín hiệu tích cực là việc thay đổi nhận thức của phụ huynh trong giáo dục con cái. Họ đã hiểu rằng, việc giáo dục trẻ phải bắt đầu từ phía gia đình chứ không chỉ đến từ phía nhà trường. Bởi lẽ, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con và môi trường giáo dục ở gia đình sẽ duy trì suốt đời.
* Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ nhà giáo ở Đồng Nai mà ông đã gặp trong hành trình đi “gieo hạt mầm” yêu nghề đó?
- Trong hành trình đi chia sẻ của mình, tôi đã gặp được rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề. Chính điều này đã tạo động lực để bản thân tôi quyết tâm phụng sự giáo dục nhiều hơn. Tôi đã đến trường học ở vùng sâu, vùng xa nhất của Đồng Nai là Trường THPT Đắk Lua. Lần chia sẻ đầu tiên, ấn tượng của tôi là toàn bộ giáo viên và học sinh của trường đã ngồi nghe tôi chia sẻ suốt từ 13 giờ đến 18 giờ một cách say mê. Cho đến khi trời tối thì buổi nói chuyện mới kết thúc. Sau đó 6 tháng, thầy hiệu trưởng của trường lại tiếp tục mời tôi đến để chia sẻ. Chính nhiệt huyết của thầy và các giáo viên trong trường đã thúc đẩy tôi. Tôi đã đến Đắk Lua ngủ lại 1 đêm để có thể dành trọn vẹn 1 ngày hôm sau làm việc với giáo viên, học sinh của trường.
Đối với Đồng Nai, tôi luôn mong muốn được đến với những trường ở vùng sâu, vùng xa nhất. Vì chính những nơi này, giáo viên càng khát khao được lắng nghe, học hỏi để xây dựng môi trường giáo dục tốt đẹp hơn. Chính những giáo viên bình thường này là hạt giống để ươm mầm và lan tỏa năng lượng tích cực trong giáo dục.
* Là người làm giáo dục, hẳn ông biết rõ rằng trong giai đoạn hiện nay, giáo viên đang gặp rất nhiều áp lực khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy theo ông, làm thế nào để giáo viên có thể vượt qua khó khăn này, tiếp tục bám trụ với nghề?
- Đúng là hiện nay, giáo viên đang gặp rất nhiều áp lực: áp lực từ chương trình, phụ huynh, công luận… nhất là chương trình lớp 1 mới hiện nay đang có rất nhiều ý kiến phản biện. Trước tiên, phải khẳng định rằng những góp ý của công luận dành cho chương trình mới là đúng và Bộ GD-ĐT cần phải có sự điều chỉnh cho hợp lý. Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể thì các môn học khác hiện đang ổn. Duy chỉ có môn tiếng Việt là có vấn đề cần phải bàn. Nếu có thể đưa ra lời khuyên để giáo viên giảm được áp lực, yên tâm cống hiến, tôi mong muốn giáo viên hãy dạy trẻ bằng lòng yêu thương. Biết là chương trình nặng, giáo viên gặp khó khăn nhưng đừng vì vậy mà truyền năng lượng tiêu cực này đến học sinh. Giáo viên hãy đưa đến cho học sinh những năng lượng tích cực trong mỗi bài học, mỗi môn học.
Để làm được điều đó, bản thân giáo viên phải có phương pháp giảng dạy tích cực, hãy tự do sáng tạo trong mỗi bài học. Giáo viên không cần phải lệ thuộc, rập khuôn vào sách giáo khoa mà hãy căn cứ vào khung chương trình để chủ động sáng tạo trong dạy học. Chính khi giáo viên dạy học bằng tư duy sáng tạo, bằng niềm yêu thích của mình là lúc học sinh được tận hưởng niềm vui.
* Xin cảm ơn ông!
TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Phải xây dựng nhận thức đúng về giáo dục cho phụ huynh. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải “giáo dục phụ huynh” nhằm giúp phụ huynh biết và hiểu rõ con của họ đang được học những gì, phương pháp dạy học như thế nào. Muốn như vậy, phụ huynh phải được lắng nghe, chia sẻ cùng với con cái của họ, thậm chí là cùng nghe nói chuyện chuyên đề với giáo viên. Muốn làm được điều đó cần phải có sự chủ động của nhà trường. Trong các buổi họp phụ huynh, các trường hãy nói ít về quy định, thu chi… mà hãy chia sẻ nhiều hơn về mục tiêu, định hướng, phương pháp… giáo dục. Nếu có thể, nhà trường mời chuyên gia đến nói chuyện, nếu không, có thể để cho chính giáo viên và những phụ huynh am hiểu về giáo dục chia sẻ. Làm như vậy, phụ huynh sẽ hiểu, đồng cảm với giáo viên, giúp cho giáo viên giảm bớt áp lực trong công việc”. |
Hải Yến (thực hiện)