Đồng Nai hiện có trên 32 ngàn người là cán bộ, giáo viên công tác trong ngành GD-ĐT. Rất nhiều người trong số đó đang ngày đêm làm người đưa đò, thầm lặng chở lớp lớp thế hệ học trò qua sông đến với chân trời tri thức, trở thành những con người sống có ích cho xã hội.
Đồng Nai hiện có trên 32 ngàn người là cán bộ, giáo viên công tác trong ngành GD-ĐT. Rất nhiều người trong số đó đang ngày đêm làm người đưa đò, thầm lặng chở lớp lớp thế hệ học trò qua sông đến với chân trời tri thức, trở thành những con người sống có ích cho xã hội.
Nhà giáo ưu tú Hà Lê Anh, Trường THPT Long Khánh được Bộ GD-ĐT tuyên dương nhà giáo tiêu biểu |
[links()]Nhà giáo ưu tú Hà Lê Anh (giáo viên dạy Toán Trường THPT Long Khánh) đã có 37 năm gắn bó với nghề giáo, thầy coi nghề mà mình đã chọn và gắn bó gần 4 thập kỷ qua như một mối nhân duyên. Thầy luôn cảm thấy hạnh phúc khi không ít học trò của mình nay đã thành danh và luôn cống hiến hết mình cho cuộc đời.
* Nghề đã chọn mình
Đầu những năm 1980, thầy Hà Lê Anh bước chân vào nghề giáo vì luôn trân trọng và quý mến những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình thành người.
Thầy An cho biết: “Ngày xưa, học trò đa số đều nghèo, chúng tôi luôn phải cố gắng bằng mọi giá để các em đến trường và dạy dỗ các em sao cho chăm ngoan, học giỏi. Thầy trò đến với nhau thật giản dị, có khi thấy học trò nghèo mà đậu đại học với điểm cao tôi còn đi xe đò lên tận TP.HCM và nhiều nơi nữa để xin học bổng cho trò”.
Cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên dạy lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh đọc bài trong giờ học. Ảnh minh họa: HẢI YẾN |
Tình cảm của phụ huynh dành cho thầy những ngày khó khăn ấy vẫn luôn đáng trân quý, thầy Hà Lê Anh nhớ lại: “Những năm nghèo khó có nhau nhưng luôn vui vẻ, thầy hết mình vì trò, trò chăm ngoan vì thầy hết mực yêu thương, còn phụ huynh trả ơn thầy đôi khi cũng rất mộc mạc, ngày con đậu đại học mang đến tri ân thầy mấy trái bắp, ít trái cây, sang hơn thì được nồi cháo gà, thầy trò cùng ngồi ăn vui vẻ”.
Một trong những cậu học trò ngày ấy của thầy Hà Lê Anh bây giờ là TS-BS Đỗ Nguyên Tín hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, là một chuyên gia đầu ngành về mổ tim bẩm sinh cho trẻ em của Việt Nam và khu vực châu Á. TS-BS Đỗ Nguyên Tín xúc động chia sẻ: “Tôi xuất thân con nhà nghèo từ Bình Định vào Long Khánh cùng cha mẹ lập nghiệp. Cuộc đời đã đưa tôi đến với thầy Hà Lê Anh như một may mắn, nhờ thầy mà tôi đã trở thành một học trò giỏi và thi đậu vào Trường đại học y dược TP.HCM và trở thành bác sĩ. Những lời căn dặn của thầy tôi luôn giữ trong tim, đó là ở đâu cũng phải sống tốt, gieo sự thiện lành để cuộc sống tốt đẹp hơn”.
* Cô kế toán bước vào nghề giáo
Với cô Phạm Thị Bạch Huệ, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (thuộc Sở GD-ĐT), việc dấn thân vào nghề giáo, đặc biệt là dạy cho những học sinh không may bị khuyết tật là một ngã rẽ của cuộc đời. Cô Huệ cho biết, đầu năm 2000 sau khi học xong ngành Kế toán, cô xin vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh làm việc. Nhờ gần gũi với học sinh khuyết tật, cô cảm nhận được sự thiệt thòi của các em, từ đó cô đăng ký đi học lớp nghiệp vụ sư phạm giáo dục đặc biệt để về dạy cho những học sinh khuyết tật.
Cô Phạm Thị Bạch Huệ, Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh hướng dẫn học sinh học tập |
Cô Huệ tâm sự, đối tượng học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh khác với những học sinh bình thường. Có em bị điếc, có em bị khiếm thị, trí tuệ chậm phát triển nên việc giảng dạy phải dựa vào 2 ngôn ngữ chính là ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi. Việc học được 2 ngôn ngữ này để dạy cho các em cũng là một khó khăn, đòi hỏi phải thật sự kiên nhẫn. Hơn nữa, ở trung tâm không đơn thuần chỉ là lên lớp dạy học sinh hết tiết học là xong mà còn phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ, chăm sóc các em như chính con em mình.
Nghĩ về hành trình 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Huệ tâm sự, mình chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay nghĩ đến chuyện bỏ nghề để đi làm một công việc khác, dù rằng đây là một công việc khá vất vả. Động lực để cô có thể gắn bó với nghề đó chính là đồng hành cùng học sinh của mình vượt qua số phận. Không chỉ dạy chữ, cô Huệ còn dạy nghề và giới thiệu việc làm khi học sinh đến tuổi trưởng thành. Đến nay, trung tâm đã có hàng trăm em được đào tạo nghề may, nghề làm lông mi giả, làm bánh… và đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. “Nếu được lựa chọn lại nghề lần nữa, chắc chắn tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo như một định mệnh của cuộc đời mình” - cô Huệ bộc bạch.
* Làm tất cả vì học trò
Với nhiều năm kinh nghiệm là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn trước khi đảm nhận vai trò là Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (P.Biên Hòa), cô Vũ Thị Ni Na luôn được giáo viên và học sinh nhận xét là người gần gũi và yêu thương học sinh. Cô Na chia sẻ, trong một môi trường giáo dục đang thay đổi, vai trò và trách nhiệm của người thầy ngày càng trở nên nặng nề hơn, không chỉ dạy cho học sinh kiến thức các môn học một cách thuần túy mà còn phải dạy cho các em nhiều hơn về cách sống, làm thế nào để trở thành người tốt. Với kinh nghiệm và tâm huyết của mình, ngoài những buổi học trên lớp, cô Na còn cùng với giáo viên suy nghĩ và đưa ra nhiều hoạt động khác giúp các em tư duy tích cực, rèn luyện kỹ năng, đưa giáo viên, học sinh và phụ huynh gần nhau hơn để cùng làm tốt nhiệm vụ giáo dục con em trưởng thành.
Cô Vũ Thị Ni Na (giữa), Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai cùng học sinh tổ chức các hoạt động ngoại khóa |
Một trong những sáng kiến ấn tượng của cô Na chính là buổi họp phụ huynh giữa năm học. Thay vì phụ huynh đến trường chỉ để nghe kết quả học tập của con như trước đây, cô đã cho học sinh của mình viết những lời nhắn nhủ đến cha mẹ vào những tờ giấy và bỏ lên bàn nơi cha mẹ các em sẽ đến ngồi dự họp. Trong những lời nhắn nhủ ấy, học sinh đã chia sẻ với cha mẹ mình những điều ước, bày tỏ cả những gì chưa hài lòng về cha mẹ, những điều các em muốn được cha mẹ hỗ trợ. Có em còn viết nên lời yêu thương dành cho cha mẹ mình mà bình thường các em không thể nói…
Quản lý học sinh ở lứa tuổi chuẩn bị trưởng thành, cô Na còn có nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh để tư vấn chọn trường, chọn nghề cho tương lai sao cho phù hợp. Cô Na chia sẻ: “Khi các em trưởng thành ngoài đời, cuộc sống các em tốt hơn, đó là niềm vui của tôi. Đây cũng là động lực mà người đã chọn nghề giáo luôn cố gắng làm và làm tất cả vì học trò”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Mỗi nhà giáo phấn đấu trở thành một bông hoa đẹp Đội ngũ nhà giáo ở Đồng Nai đã không ngừng trưởng thành về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới. Những đòi hỏi về năng lực và phẩm chất của nhà giáo ngày một cao hơn, nhất là việc nâng cao trình độ, kỹ năng để không chỉ làm tốt công việc được giao mà còn phải có nhiệm vụ đồng hành với học sinh trong thời buổi giáo dục ngày càng hội nhập. Mỗi nhà giáo phải phấn đấu trở thành một bông hoa đẹp trong vườn hoa nhà giáo Việt Nam, phải là những tấm gương sáng nhất để học sinh soi rọi mình và làm theo… |
Công Nghĩa