Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp thêm động lực cho người thầy

12:11, 14/11/2020

1- Những ngày giữa tháng 10 vừa qua, dư luận cả nước lên tiếng khá gay gắt về việc bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh diều theo chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều nội dung chưa phù hợp với giáo dục trẻ nhỏ.

1- Những ngày giữa tháng 10 vừa qua, dư luận cả nước lên tiếng khá gay gắt về việc bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh diều theo chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều nội dung chưa phù hợp với giáo dục trẻ nhỏ. Nhiều người trong số đó bức xúc bày tỏ thái độ trên mạng xã hội không chỉ với những người biên soạn sách mà ngay cả những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ sách này cũng vô tình bị hứng chịu những phản ứng không hay. Nghề Giáo vốn đã nhiều áp lực nay lại phải chịu thêm những chỉ trích không đáng có.

: Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) trao đổi cùng học sinh
: Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) trao đổi cùng học sinh

Một giáo viên tiểu học đang tham gia giảng dạy bộ sách Cánh diều ở TP.Biên Hòa bày tỏ, trước khi được tập huấn về bộ sách Cánh diều, cô được nghe nhiều thông tin về tính ưu việt của bộ sách, nhất là trong việc tạo cho giáo viên tính chủ động, sáng tạo và học trò được thoải mái hơn trong học tập. Khi được tập huấn về bộ sách và bước vào những ngày giảng dạy đầu tiên, cô chưa hình dung được rằng dư luận sẽ phản ứng, bức xúc nhiều đến vậy. Thậm chí có người chưa từng xem qua bộ sách vẫn vô tư bày tỏ quan điểm, thậm chí là chia sẻ những bài học không có thật được lắp ghép trên mạng. Cô bị làm phiền bởi hàng loạt tin nhắn, lời hỏi han, kể cả những cơn thịnh nộ của phụ huynh về việc làm sao con em mình lại phải học một bộ sách phản giáo dục như thế!

Tất nhiên, trong phạm vi trách nhiệm của mình, cô chỉ có thể trả lời phụ huynh rằng bộ sách sẽ tiếp tục được điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong thời gian tới. Bản thân cô cũng đã linh hoạt thay đổi một số nội dung bài giảng để học sinh tiếp thu một cách tốt nhất. “Tôi hiểu những bức xúc của phụ huynh nhưng tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm từ phụ huynh để những giáo viên như tôi giảm bớt được áp lực, gắn bó, yêu nghề hơn” - cô bày tỏ.

2. Những cơn bão lũ liên tiếp ập xuống miền Trung thời gian qua khiến mảnh đất vốn chịu nhiều khó khăn này càng trở nên khốn khó. Trong những thiệt hại to lớn đó, có những thiệt hại về cơ sở trường lớp chưa biết đến khi nào mới khắc phục được. Để sớm đưa học sinh trở lại học tập, ngay sau khi nước rút, các thầy cô giáo các tỉnh miền Trung đã cùng xắn tay vào dọn dẹp, cạo sạch bùn bẩn, rửa lại bàn ghế và đến thăm những gia đình học sinh chẳng may gặp nạn trong bão lũ. Bản thân gia đình nhiều giáo viên ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… cũng phải hứng chịu nhiều mất mát nhưng các thầy cô vẫn không quên trường lớp và học trò của mình, sẵn sàng chung tay khắc phục hậu quả bão lũ để mái trường mà mình gắn bó sớm trở lại hoạt động bình thường.

Chia sẻ khó khăn với ngành GD-ĐT các tỉnh miền Trung, nhân dân cả nước đã gửi những phần quà thiết thực để ủng hộ với mong muốn các thầy cô giáo và học trò vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục bám trường, bám lớp. Ngoài tiền, đó còn là những bộ sách giáo khoa lành lặn, quần áo, tập vở, đồ dùng học tập… được gói ghém cẩn thận gửi tới học sinh. Đặc biệt, nhiều nhóm thiện nguyện đã vận động quyên góp áo dài cho giáo viên để các cô có thêm động lực, tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả: trồng người.

3. Ngày 20-11 đang đến gần. Nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu tổ chức các hoạt động chào mừng để tri ân đến những người thầy cần mẫn “đưa đò” qua sông. Đây cũng là dịp để các thầy cô chiêm nghiệm lại ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Không ít nhà giáo tâm sự rằng, nhiều khi họ chán nản, muốn bỏ nghề vì nghề giáo không những vất vả mà còn phải chịu nhiều áp lực, thu nhập lại chưa đảm bảo. Các thầy cô chỉ mong muốn được xã hội nhìn nhận, đánh giá đúng và trân trọng tâm huyết mình bỏ ra; được phụ huynh học sinh chia sẻ, không gây thêm áp lực để họ tiếp tục tận tâm, tận lực với nghề. Hạnh phúc của nhà giáo là được thấy học trò của mình trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Vì thế, dù có khó khăn, vất vả đến mấy, các thầy cô cũng sẽ vượt qua để làm tròn trách nhiệm của mình.

Với những giáo viên vừa trải qua thiệt hại nặng nề do bão lũ ở miền Trung, ngày 20-11 năm nay sẽ rất đặc biệt, để lại nhiều cảm xúc khó quên. Bởi dù không thật trọn vẹn nhưng hơn ai hết, các thầy cô cảm nhận được tình cảm ấm áp, yêu thương mà người dân cả nước dành cho mình thông qua bộ áo dài gửi tặng, bộ đồ dùng giảng dạy hay đơn giản là những lá thư thăm hỏi, động viên. Bấy nhiêu thôi cũng là động lực để những giáo viên vùng bão lũ nói riêng và đội ngũ nhà giáo trong cả nước nói chung tiếp tục nỗ lực, gắn bó với nghề trồng người…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều