Báo Đồng Nai điện tử
En

Ba Lan tránh "vỡ tan" vì Covid-19

04:12, 04/12/2020

"Một người Việt sống ở Ba Lan vừa qua đời vì nhiễm Covid-19 và hỏa táng tại xứ người ngày 4-12…" - ông Ngô Văn Tưởng, phiên dịch viên tuyên thệ (công chứng) tiếng Việt tại Ba Lan, ngậm ngùi chia sẻ tin không vui trong cuộc trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần ngày 3-12.

“Một người Việt sống ở Ba Lan vừa qua đời vì nhiễm Covid-19 và hỏa táng tại xứ người ngày 4-12…” - ông Ngô Văn Tưởng, phiên dịch viên tuyên thệ (công chứng) tiếng Việt tại Ba Lan, ngậm ngùi chia sẻ tin không vui trong cuộc trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần ngày 3-12.

Hiện xứ sở “Ba Lan mùa tuyết tan” này đã chính thức bước vào mùa đông tuyết trắng, dự báo sẽ khiến dịch bệnh tăng cao và y tế gặp khó khăn hơn gấp bội. Tính tới tuần đầu tháng 12-2020, Ba Lan đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 7 triệu người dân, qua đó phát hiện hơn 1 triệu người bị nhiễm và gần 20 ngàn bệnh nhân đã chết vì Covid-19. Đặc biệt số người nhiễm Covid-19 tăng cao đột biến tại Ba Lan kể từ đầu tháng 10 (chỉ 100 ngàn ca nhiễm) đến đầu tháng 12-2020 (hơn 1 triệu ca nhiễm).

* Mất mát, khó khăn vì dịch bệnh

Là người sang Ba Lan từ năm 1983, học bách khoa đóng tàu và sau khi tốt nghiệp ở lại mở doanh nghiệp, làm phiên dịch viên và tham gia hoạt động xã hội, văn hóa - nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam nói riêng và cộng đồng các sắc dân nhập cư nói chung tại Ba Lan, ông Ngô Văn Tưởng theo sát diễn biến đại dịch Covid-19 ở nước này và cho hay: “Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Ba Lan hiện khá cao và ngành Y tế bất lực trong việc chạy chữa các trường hợp bệnh nhân nặng. Xe cấp cứu, máy trợ thở, huyết thanh, y bác sĩ… đều thiếu thốn từ tháng 11-2020”.

Đề cập đến anh A.D. - một người Việt làm nghề buôn bán vừa qua đời vì Covid-19 ở tuổi 43 sau 1 tháng nằm viện chống chọi với virus SARS-CoV-2, ông Tưởng cho biết: “Mặc dù được các bác sĩ, y tá Ba Lan tận tình cứu chữa, chăm sóc, dùng tất cả các phương tiện, máy móc y tế hiện đại, các loại thuốc men có được, song đồng hương này vẫn qua đời, để lại vợ và hai con. Người vợ của anh hiện sức khỏe kém vì rất buồn. Cộng đồng người gốc Việt bên này đã gửi nhiều lời chia buồn đến gia quyến và tiến hành lễ viếng - an táng tại nghĩa trang ngày 8-12”. Được biết tính đến nay, anh A.D. là người Việt thứ hai ở Ba Lan qua đời vì nhiễm Covid-19.

Các y bác sĩ ở Ba Lan nhận những suất ăn do cộng đồng người Việt gửi tặng nhằm bày tỏ sự ủng hộ đến những người nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Ewa Pląsek
Các y bác sĩ ở Ba Lan nhận những suất ăn do cộng đồng người Việt gửi tặng nhằm bày tỏ sự ủng hộ đến những người nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Ewa Pląsek

Trong khi đó, tình hình làm ăn của bà con người Việt ở Ba Lan cũng bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19. Từ khi chính phủ buộc phải ban hành lệnh hạn chế xã hội lần 2 để ngăn ngừa Covid-19 từ đầu tháng 11 đến nay, hoạt động kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Polskie (được xem là “thủ phủ” buôn bán của người Việt ở thủ đô Warszawa) lại giảm khách tới 80%, tiếp tục “bồi” thêm cú đấm thiệt hại cho nhiều chủ sạp hàng hóa vốn đã cầm cự nhọc nhằn từ 9 tháng qua. Nhiều quầy hàng phải khóa cửa vì không có ai mua sắm, “đang chịu lỗ và trên bờ vực phá sản” như trong một lá thư xin giảm tiền thuê mặt bằng từ một số người Việt buôn bán gửi đến Ban quản lý Polskie viết.

* “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”

Dù vậy, vẫn có những người Việt tại Ba Lan đã chiến thắng được “con virus” quái ác và khỏi bệnh. Choros Dung, cư ngụ ở thủ đô Warszawa, vui mừng thông báo với cộng đồng người Việt ở Ba Lan rằng kể từ ngày 1-12 chị đã kết thúc quá trình cách ly bắt buộc vì nhiễm Covid-19 và chia sẻ kinh nghiệm “chiến thắng cô Vy” mà chị đã trải qua để cộng đồng tham khảo, cùng phòng, chống.

Choros Dung cho hay chị “là một bệnh nhân có rất nhiều bệnh nền đã vài năm” nên vào bệnh viện chữa trị và có lẽ đó là nơi chị bị nhiễm virus. Khi về nhà, Dung gặp triệu chứng tiêu chảy, sốt nhẹ, đau đầu, mất vị giác, nhịp tim tăng rồi cơ thể bắt đầu “rét run”,  rất mệt mỏi đến mức không nhấc nổi tay. May là Dung quyết định đi xét nghiệm Covid-19 nhanh và dùng thuốc chữa trị sớm. Chị còn tập yoga, xông hơi bằng các loại lá, uống nước táo pha cà rốt để bù nước điện giải và giúp đào thải độc tố cơ thể ra ngoài. Nhờ vậy bệnh tình nhẹ đi rất nhiều.

“Sau khi trải qua 2 tuần trị bệnh, tôi rút ra một điều là cho dù bệnh, chúng ta không nên hoảng sợ. Phải bình tĩnh tìm hiểu thông tin để “chiến đấu với em Vy” (Covid-19). Tinh thần lạc quan, vui vẻ luôn giúp chúng ta chiến thắng mọi bệnh tật” - chị Choros Dung viết trên mạng xã hội.               

Long Khánh

Tin xem nhiều