Báo Đồng Nai điện tử
En

TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN: Để sản phẩm đổi mới sáng tạo từ "sân chơi" đi vào cuộc sống

09:12, 25/12/2020

Đồng Nai đang thực hiện tốt hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) khi huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia. Tuy nhiên, để sản phẩm của hoạt động ĐMST đi vào cuộc sống, Đồng Nai cần phải cụ thể hóa các chính sách đã được Nhà nước quy định. Đồng thời, nhà quản lý cũng cần quan tâm, hỗ trợ người dân trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng Nai đang thực hiện tốt hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) khi huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia. Tuy nhiên, để sản phẩm của hoạt động ĐMST đi vào cuộc sống, Đồng Nai cần phải cụ thể hóa các chính sách đã được Nhà nước quy định. Đồng thời, nhà quản lý cũng cần quan tâm, hỗ trợ người dân trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN
TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN

Đó là những chia sẻ của TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ KH-CN với Đồng Nai cuối tuần.

ĐMST phải đi vào chiều sâu, cụ thể

* Cá nhân ông đã nhiều lần tham dự Ngày hội KH-CN tỉnh Đồng Nai. Ông đánh giá như thế nào về các phong trào, hội thi do Sở KH-CN chủ trì tổ chức trong nhiều năm qua?

- Đồng Nai là tỉnh có nhiều sáng kiến, sáng tạo; là tỉnh phát triển đồng bộ về KH-CN ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Ngày hội KH-CN tỉnh Đồng Nai tổ chức hằng năm là sự kiện KH-CN thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây còn là sự kiện được sự quan tâm của nhiều tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Tôi cho rằng đây là thành công lớn của tỉnh Đồng Nai. Cá nhân tôi đánh giá cao mô hình tổ chức các phong trào, hội thi này và đã tuyên truyền, phổ biến cho nhiều tỉnh, thành khác biết để tham khảo, học hỏi.

Tôi đánh giá rất cao hoạt động ĐMST của Đồng Nai. Đây là một trong những hoạt động rất khó làm chứ chưa nói đến làm có hiệu quả. Một lợi thế của Đồng Nai trong hoạt động ĐMST là có sự tham gia của nhiều trường đại học đóng chân trên địa bàn tỉnh. Ở đây, vai trò phối hợp của ngành KH-CN với các trường đại học có ý nghĩa rất lớn. Một ưu điểm nữa của Đồng Nai là ngoài các trường đại học, tỉnh còn huy động được các tổ chức, hội, đoàn thể tham gia hoạt động ĐMST. Đó là tác động rất tốt về mặt xã hội mà không phải tỉnh nào cũng làm được. Tôi cho rằng Đồng Nai đã có những giải pháp tốt trong hoạt động ĐMST.

* Theo ông, xu hướng nào là phù hợp cho hoạt động ĐMST trong thời gian tới?

- Hoạt động ĐMST hiện nay đã được phát triển rộng khắp nhưng để đi vào chiều sâu, có hiệu quả, đặc biệt là để có thể biến các sản phẩm ĐMST thành sản phẩm thương mại hóa đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn. Không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành trong cả nước cũng cần có chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động này.

Đối với hoạt động ĐMST, chúng ta không chỉ đơn thuần là phát động phong trào nữa mà phải thực hiện thực chất. Chúng ta cần các sản phẩm ĐMST có tính cạnh tranh cả về tính năng kỹ thuật, giá cả, hình thức, mẫu mã, tính bền vững của mô hình…

Trong thời gian tới, hoạt động ĐMST sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, việc cả thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu, cách làm việc, cách tiếp cận; vấn đề giao lưu, thương mại trên toàn cầu. Theo tôi, trong năm tới, hoạt động ĐMST sẽ đi sâu vào số hóa, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) nhưng nó sẽ đi vào từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải thay đổi một cách chung chung.

Nếu chỉ làm những nền tảng chung thì rất khó thương mại hóa. Vì vậy, chúng ta cần đi vào những chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể. Chúng ta đang cần sản phẩm cho những lĩnh vực cụ thể chứ không phải những lĩnh vực tổng thể mang tính chất lý thuyết như trước đây. Đây cũng là điều kiện để tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực tham gia ĐMST.

Chú trọng quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động ĐMST

Từ các phong trào, hội thi tại Đồng Nai, trong những năm qua đã có rất nhiều sáng chế, sáng tạo hữu ích ra đời. Theo ông, làm thế nào để những sản phẩm từ các “sân chơi” này ngày càng đi vào thực tế cuộc sống?

- Vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước là cần phải xây thêm nhiều hệ sinh thái tốt để khuyến khích tất cả các thành phần trong xã hội tham gia ĐMST. Tôi cho đây là yếu tố rất quan trọng.

Hiện nay, về mặt chính sách vĩ mô, cơ bản đã có đầy đủ nền tảng pháp lý để triển khai. Tuy nhiên, để đi vào thực hiện đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan triển khai những chính sách này. Vì từ chính sách vĩ mô trở thành những chính sách cụ thể, sát sườn cho từng đối tượng, từng sản phẩm đòi hỏi phải chi tiết hóa. Vấn đề này không có cách nào khác là phải làm sao huy động được lực lượng mang tính chất liên ngành. Bởi lẽ, nếu chúng ta làm sáng tạo mà chỉ có 1 cá thể, 1 nhóm tập thể thì khó có thể làm được mà đòi hỏi phải có sự liên kết.

TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN và ông Cao Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao thưởng cho các tác giả đoạt giải hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2020. Ảnh: H.YẾN
TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH-CN và ông Cao Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao thưởng cho các tác giả đoạt giải hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2020. Ảnh: H.YẾN

Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất tại Đồng Nai đã huy động được sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả những lao động trực tiếp như: nông dân, công nhân, bảo vệ... Vậy theo ông, làm sao để nâng cao được hàm lượng sáng tạo, giúp những sản phẩm sáng tạo này mang tính bền vững hơn?

- Nếu huy động được lực lượng tham gia sản xuất trực tiếp tham gia hoạt động ĐMST thì tính thực tiễn sẽ rất cao. Nhưng có một hạn chế là nhóm lao động trực tiếp này không có khả năng tiêu chuẩn hóa sản phẩm đó; chuẩn thức hóa để sản phẩm có tính ổn định và thương mại hóa sản phẩm. Vì vậy, chúng ta nên lấy sáng tạo của lực lượng sản xuất trực tiếp này như là chất dẫn ban đầu, nguồn tư liệu ban đầu cho hoạt động ĐMST. Trên cơ sở đó, chúng ta huy động các viện, các trường, các cơ quan quản lý hỗ trợ.

Hiện nay, trong giai đoạn này không đơn thuần chỉ là tạo ra một sản phẩm mới. Sản phẩm ĐMST đó nếu muốn được công nhận thì ngoài những giá trị về mặt kỹ thuật, công nghệ, kinh tế… chúng ta phải xác lập quyền sở hữu trí tuệ nữa. Bởi vì nếu không xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ dẫn đến 2 khả năng. Một là sản phẩm đó sẽ bị người ta “lấy” mất. Hai là chính chúng ta có thể sẽ bị hệ lụy vì bị trùng lặp với những sản phẩm mà người ta đã đăng ký bảo hộ trí tuệ trước đó rồi. Khi đó, chúng ta sẽ là người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chẳng hạn, có những gia đình sản xuất bánh gia truyền đã 3, 4 đời nhưng không đăng ký thương hiệu, không bảo bộ. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác mới ra đời 1 năm nhưng đã đăng ký bảo hộ. Khi đó, họ có quyền yêu cầu bạn phải đổi tên thì bạn phải chịu.

Vì thế những sáng tạo của những lao động trực tiếp rất quan trọng nhưng trên cơ sở đó phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý, sự tham gia của các viện, trường, các nhà khoa học để hỗ trợ họ bảo hộ, sở hữu trí tuệ, giữ sản phẩm đó là của họ.

* Xin cảm ơn ông!

Xu hướng hiện nay là khuyến khích sáng tạo đa ngành. Nghĩa là trong một lĩnh vực phải có sự tham gia của nhiều ngành nghề để sao cho sản phẩm ra đời được hoàn thiện. Đặc biệt, trong ĐMST thì sự chia sẻ về phần phối hợp ý tưởng, cụ thể hóa kỹ thuật, công nghệ… rất quan trọng. Vì không thể một người có thể làm hết mọi việc được. Bởi thế, sáng tạo đa ngành đang được khuyến khích hơn bao giờ hết. Đó là làm việc nhóm, khả năng liên kết và chia sẻ.

Hải Yến (thực hiện)

 

Tin xem nhiều