Báo Đồng Nai điện tử
En

Vài cảm nghĩ về thơ Nguyễn Hoài Nhơn

04:12, 04/12/2020

Nhà thơ Xuân Diệu từng có câu nói đầy ấn tượng bên cạnh những vần thơ tình vượt thời gian, như sau: "Tôi như con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi".

Nhà thơ Xuân Diệu từng có câu nói đầy ấn tượng bên cạnh những vần thơ tình vượt thời gian, như sau: “Tôi như con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi”. Tôi không được đọc mà nghe câu này từ GS Hoàng Dung khi ông giảng chuyên đề văn học giai đoạn 1930-1945 ở giảng đường 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, hơn 40 năm về trước. Sau này có dịp đọc, nghe, tiếp xúc, mường tượng nhủ với lòng rằng ông Xuân Diệu trào lộng vậy thôi chứ vướng vào thơ là vướng vào “nghiệp”. “Ngứa cổ” theo tôi hiểu là khi một hồn thơ thường trực, dâng lên cảm xúc là thành... thơ, đó là nghiệp dĩ. Nghĩ về thơ, tâm tình với thơ, sứ mạng thơ…, đã có quá nhiều tuyên ngôn và một trong những tác giả ở Đồng Nai trăn trở về thơ là Nguyễn Hoài Nhơn, hiện là nông dân ở xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu, người đã có nhiều giải thưởng văn học trung ương và địa phương.

Khi nhắc thơ của Nguyễn Hoài Nhơn, nhà văn Nguyễn Một (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có tiểu thuyết Ngược mặt trời được dịch sang tiếng Anh) nói: “Nguyễn Hoài Nhơn làm thơ có nghề”. Cùng giới văn nghệ sĩ với nhau, đó là câu khen có trách nhiệm.

Tôi đọc Nguyễn Hoài Nhơn đã lâu, rất lâu trên các ấn phẩm ở Đồng Nai và đâu đó, trước nhất là những bài thơ lục bát. Gần đây nghe tin anh có giải thưởng về thơ lục bát của trang web lucbat.com, vậy là không chỉ tôi thấy thơ lục bát anh hay. Đọc thơ thì cũng lướt qua và dừng lại khi thấy cảm, nhưng tôi quen và chú tâm đọc 2 tập thơ mang nhiều nghĩ ngợi của anh là Hồi quangĐịnh vị... thơ. Hồi quang in năm 2012, NXB Hội Nhà văn và đến 2018 NXB Thanh Niên ấn hành tập Định vị... thơ. Cách nhau những 6 năm nhưng bài đầu tiên trong tập Hồi quang tác giả ghi Thay cho lời bạt viết rằng bài Định vị... thơ, lấy làm tựa, in lại bài thơ này trong tập Định vị... thơ và làm bài bạt thiệt. Chưa hẳn là bài này đáng kể nhất trong 2 tập thơ nhưng coi như là tuyên ngôn của Nguyễn Hoài Nhơn về thơ:

Đời đục, ta trong, em xanh như lá

Nói thế cho lòng sáng chút thiện tâm

Những góc tối con người chỉ có ma nhìn thấy

Tôi sám hối trước em mà không biết lỗi lầm (...)

Vừa tỉnh giấc hão huyền trong ngần như sương rụng

Những câu thơ thất bát chẳng lên ngôi

Đời đục, ta trong, em biến thành di sản

Thơ không hóa đất đai, thơ định vị chỗ ngồi.

 “Em gắng sống cùng tôi qua hai lần ngón tay bấm đốt/ Quá ngán ngẩm gừng cay, muối mặn, buồn phiền...”, nhưng rồi “Thắc thỏm ước ao, này hoa thơm, ơ trái” và “Thơ không hóa đất đai, thơ định vị chỗ ngồi”. Không biết tác giả có kỳ vọng “định vị” quá hay không nhưng ít nhất là qua 2 tập Hồi quangĐịnh vị... thơ, Nguyễn Hoài Nhơn làm thơ có trách nhiệm. Thơ ra đời từ cảm xúc, có thể chỉ là sự bất chợt nhưng anh không dễ dãi.

 Lục bát cũng trăn trở về thơ:

 Tôi ngồi gõ cửa tim tôi

 Để thơ cất tiếng hát lời tình yêu

                                                                                           (Thơ - tập Hồi quang)

 Đau đáu với quê hương, đi lính, học đại học (khoa Sử, Đại học Tổng hợp TP.HCM), về lại quê hương, anh có những câu nhói lòng:

Lời ru dấu võng còn đây

Con bò buộc cội rơm gầy chân nhang

Xót xa tôi gọi ơi làng

Sầu đông ứa nụ muộn màng nhìn tôi

                                                                                                                   (Làng - Hồi quang)

 Đến tập Định vị... thơ, vẫn hơi hướng ấy nhưng thân tình hơn:

 Trót làm thơ nợ ba sinh

 Mới hay em đã chán tình bỏ ta

 Sẩy chân là bước khỏi nhà

 Mới quê đã phố - lìa xa chốn nghèo

 (...)

 Thơ chừ cốt cách mà em

 Cho thiên hạ bớt rối ren điệu vần

 Lỡ chừng em, nửa chừng xuân

 Ta ngồi bó gối trước sân, ngó gì.

Đọc thơ Nguyễn Hoài Nhơn xác tín anh là người nông dân thực thụ làm thơ, hình như một trong 2 bài Lão nông Ly nông, cùng một bài nào đó nữa đoạt giải thơ lục bát (có thể tìm thấy ở lucbat.com), nhưng “chất nông” của anh gắn với quê hương hơn là cái xã Hiếu Liêm đất rẫy và rừng, kiếm đâu ra đất ruộng và “nền văn minh lúa nước”:

 Thác reo như nỗi oán hờn

 Cây lay lá, mưa kéo đờn nhị chơi

 Nắng nung như lửa đốt trời

 Ta ho khan giữa bời bời khói xoa.

                                                                                                               (Lão nông)


Nhớ đồng, tôi gọi - đồng ơi

Chỉ còn ếch nhái trả lời, thương chưa?

                                                                                                               (Ly nông)


Ai từng ở vùng đất trồng lúa, nghe câu này mà không rưng rưng.

Bài thứ 58 trong tập Định vị... thơ, bài in cuối cùng trong tập lại là bài đầu tiên tập Hồi quang, tác giả dụng tâm và chắc còn nung nấu về thơ.

Bão lũ như đuổi nhau đổ ập vào miền Trung, Quảng Bình quê anh chịu chung tai họa, anh có bài Họa thiên  trên trang Facebook cá nhân như cắt ruột gửi xứ sở, vẫn là lục bát:

Sao chầm chậm thế chân ơi

Tôi nhanh về lại với nơi lụt lầy

Cơn cuồng khấu của tai bay

Làm hoa hết mắt mũi này còn đâu (…)

Từng còng lưng quảy nước non

Núi giờ tái mặt, đất còn toác  hoang

Tôi - con ruột của quê làng

Hứng đau từng chặp đau khan mụ người.    

 Trần Trị An

Tin xem nhiều