Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín: Bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết trong ngành Chăn nuôi

07:01, 30/01/2021

Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi, ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa) đã lắp đặt hàng trăm hệ thống cho các trang trại trong cả nước, nhiều đơn vị trong số đó là những tên tuổi đứng đầu của ngành Chăn nuôi.

Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi, ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa) đã lắp đặt hàng trăm hệ thống cho các trang trại trong cả nước, nhiều đơn vị trong số đó là những tên tuổi đứng đầu của ngành Chăn nuôi.

Ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường  Chín Chín (TP.Biên Hòa)
Ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa)

Với ông Long, một niềm trăn trở, đau đáu lâu nay là luôn muốn các doanh nghiệp (DN), trang trại trong ngành Chăn nuôi coi vấn đề xử lý, bảo vệ tốt môi trường là yêu cầu tiên quyết trước khi quyết định đầu tư mỗi dự án.

Sản xuất máy xử lý chất thải hữu cơ

* Là một trong những người tiên phong, mạnh dạn thành lập DN để xử lý chất thải hữu cơ, ông có thể chia sẻ về các sản phẩm của mình.

- Trước đây, tôi là nhà thầu chuyên lắp đặt các hệ thống xử lý chất thải hữu cơ ngoại nhập nhưng chỉ với vai trò người “làm thuê”. Tận mắt thấy thực trạng môi trường chăn nuôi ở mức báo động nên tôi luôn mong muốn một ngày nào đó có thể tự chế tạo hệ thống xử lý chất thải hữu cơ của người Việt với giá cả phải chăng để cho nhiều trang trại, hộ chăn nuôi có thể sử dụng nên đã nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình. So với dòng máy cùng loại nhập khẩu, máy ép phân, hệ thống xử lý chất thải của chúng tôi dễ bảo trì, bảo dưỡng hơn với chi phí tiết kiệm do là sản phẩm của người Việt chế tạo, phù hợp từng thực tiễn trang trại và có thể điều chỉnh.

Vừa làm vừa tiếp tục nghiên cứu, cải thiện, ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa) đã hoàn thiện giải pháp Thiết bị xử lý chất thải hữu cơ để đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu, sở hữu công nghiệp. Hiện các thủ tục hồ sơ đang được ông thực hiện để gửi đăng ký đến Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị liên quan thẩm định.

Cơ chế hoạt động của máy là dùng để ép tách xử lý thu hồi lượng bã rắn có trong chất thải chăn nuôi. Máy có thể ép tách hầu hết lượng nước có trong chất thải chăn nuôi giúp cho lượng phân được tơi xốp hơn, quá trình tự khô rút ngắn từ 90 ngày xuống còn 3-5 ngày. Chất thải chăn nuôi sẽ được bơm từ bể lắng lên máy tách ép bã bằng bơm chuyên dụng. Sau khi máy ép, độ ẩm phân chỉ còn dao động từ 60-70%. Điều này tạo thuận lợi cho quá trình đóng bao hoặc làm phân vi sinh có hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao cho cây trồng, rau quả, hoa màu nên được bà con trồng trọt ưa chuộng. Riêng lượng nước tách ra sẽ được đi vào các hầm biogas hoặc các bể xử lý nước để xử lý tiếp.

* Thị trường đón nhận sản phẩm của DN ra sao, thưa ông?

- Tôi đang lắp đặt một phần trong hệ thống xử lý chất thải cho trang trại nuôi heo kỹ thuật cao Masan Nutri-Farm của Tập đoàn Masan (ở Nghệ An). Chúng tôi cũng lắp đặt thành công hàng trăm sản phẩm cho các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Riêng năm 2020 lắp đặt được hơn 40 hệ thống máy. Sản phẩm của chúng tôi được ứng dụng tại nhiều đơn vị có quy mô lớn như trại heo Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), Công ty CP Ba Huân, Trang trại Chăn nuôi heo hậu bị Xuân Tâm 3 (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc), Trại heo Vạn Tường (H.Củ Chi, TP.HCM), trại heo của Masan...

Ưu điểm là vừa có được nguồn phân vi sinh để bán, vừa bảo vệ được môi trường một cách dài lâu. Các trang trại có thể mua công nghệ về sử dụng, hoặc thuê người của công ty vận hành và cũng có thể kết hợp cùng nhau quản lý. Trang trại được xử lý sạch sẽ, đổi lại bên cung cấp dịch vụ được sử dụng nguồn chất thải xử lý làm phân bón hữu cơ.

Ông Mai Thành Long (bìa trái) kiểm tra một hệ thống xử lý chất thải hữu cơ trước khi xuất xưởng. Ảnh: V.Thế
Ông Mai Thành Long (bìa trái) kiểm tra một hệ thống xử lý chất thải hữu cơ trước khi xuất xưởng. Ảnh: V.Thế

* Lĩnh vực cơ khí, chế tạo đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong quá trình hoạt động vừa qua, DN có gặp những khó khăn, trở ngại gì, thưa ông?

- Vấn đề có thể thấy ngay là đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo đòi hỏi rất nhiều vốn. Máy móc, nguyên phụ liệu, các thiết bị đầu vào rất đắt đỏ. Muốn sản phẩm chất lượng, cạnh tranh, DN phải có được cơ sở vật chất, máy móc hiện đại nhất, điều này không phải DN nào cũng đáp ứng được.

Ngoài ra, DN cần có nguồn vốn nhưng vay vốn rất khó khăn. Các ngân hàng thường đòi hỏi tài sản thế chấp trong khi nhà xưởng đất đai của DN là đi thuê, không đáp ứng được tài sản sở hữu. Khó vay vốn từ ngân hàng, DN phải tìm các nguồn khác ở bên ngoài, trong đó có các công ty tài chính. Hình thức vay vốn này đơn giản hơn vì có thể thế chấp ngay máy móc mà mình định mua, song lãi suất vì thế lại rất cao. Đi làm cho mình mà nhiều lúc trở thành đi làm công cho người khác là vì vậy.

Mong người chăn nuôi quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường

* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng trong ngành Chăn nuôi ở Đồng Nai?

- Đồng Nai lâu nay đã trở thành một trong những “cứ điểm” chăn nuôi của cả nước, thuộc tốp đầu cả nước về tổng đàn gia súc, gia cầm. Chúng ta có thể thấy các địa phương  như: Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc có nhiều thế mạnh và truyền thống trong chăn nuôi. Hiện nay, bên cạnh chăn nuôi trang trại của người dân thì có sự đầu tư rất nhiều từ các DN, tập đoàn lớn.

Tuy nhiên, chăn nuôi không phải là không gặp khó khăn. Dịch tả heo châu Phi đã càn quét và ảnh hưởng nặng nề đến đàn heo của tỉnh. Rồi dịch cúm gà cũng hoành hành nên vấn đề quan trọng là phải tìm cách để phát triển bền vững. Muốn làm được như vậy, chăn nuôi phải được đầu tư theo quy trình khép kín, hiện đại với sự kiểm soát chặt chẽ trong mọi khâu. Đối với chính quyền địa phương, cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn ưu đãi vì cần sự đầu tư lâu dài, bài bản.

* Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn có ý thức bảo vệ môi trường chưa cao...

- Thực tế là như vậy. Mặc dù những năm gần đây, bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được quan tâm với nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

Có một điều phải nói rằng các trang trại, cơ sở chăn nuôi họ đều làm hệ thống xử lý chất thải nhưng thẳng thắn nhìn nhận các hệ thống xử lý đó không đạt chuẩn. Tôi từng khảo sát một số đơn vị chăn nuôi lên tới hàng ngàn con heo mà xử lý chỉ ở dạng chôn lấp chất thải hoặc dừng lại ở việc làm hầm chứa biogas. Nước và khí thải từ hầm biogas chưa được tái sử dụng hiệu quả. Nếu xử lý tốt vấn đề này thì vừa đảm bảo được môi trường, vừa có sản phẩm là phân hữu cơ để tái đầu tư vào trồng trọt, không để lãng phí.

* Với vai trò là người cung cấp các giải pháp xử lý môi trường trong nông nghiệp, chăn nuôi, điều mong muốn lớn lao nhất của ông là gì?

- Là DN chuyên chế tạo các thiết bị, máy móc để xử lý chất thải trong chăn nuôi, lẽ dĩ nhiên chúng tôi mong muốn thị trường của mình ngày càng được mở rộng. Nhưng đằng sau đấy, vấn đề bảo vệ môi trường mới là điều cốt lõi. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi đã phải tự mày mò, nghiên cứu chế tạo nên những hệ thống xử lý phù hợp với thực trạng chăn nuôi ở Việt Nam, lại có thể sửa chữa được nhanh một khi xảy ra sự cố,

Điều quan trọng, các DN đầu tư vào chăn nuôi, các trang trại, hộ chăn nuôi cá thể trước khi bắt tay vào đầu tư phải coi xử lý môi trường là điều tiên quyết của mỗi dự án. Lợi nhuận là một phần những trách nhiệm xã hội cũng rất quan trọng, bởi ô nhiễm chăn nuôi có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

* Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích