Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

10:01, 30/01/2021

Những ngày này, người dân cả nước đang hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với tất cả niềm tin và hy vọng vào một chặng đường phát triển mới của đất nước.

1. Những ngày này, người dân cả nước đang hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với tất cả niềm tin và hy vọng vào một chặng đường phát triển mới của đất nước. Chặng đường ấy sẽ nhiều chông gai, thách thức nhưng trên cơ sở phát huy những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phấn đấu, nỗ lực thực hiện trong 5 năm qua hay dài hơn là 35 năm đổi mới sẽ tiếp tục gặt hái được quả ngọt mà nói theo lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì dù đã rất khiêm tốn nhưng vẫn phải khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Quang cảnh Đại hội XIII
Quang cảnh Đại hội XIII

Chỉ tính riêng trong năm 2020, năm mà đại dịch Covid-19 đã càn quét, tàn phá mạnh mẽ nền kinh tế thế giới, nhiều nước siêu cường rơi vào tình trạng khốn đốn do dịch bệnh bùng phát, kinh tế tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn nổi lên là quốc gia vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sự phát triển ổn định. Mức tăng trưởng dương trong năm 2020 một lần nữa đã cho thấy đường hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Đặc biệt, sự cộng đồng, chung tay của người dân trong công tác phòng, chống đại dịch và chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn được thế giới đánh giá cao.

Năm 2020 cũng là năm mà vị thế của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới, khi thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết từ sáng kiến của Việt Nam về việc lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Nhắc đến Việt Nam, thế giới đã ghi nhận những thành tựu, những sáng kiến quan trọng, góp phần vào sự phát triển, đoàn kết của cộng đồng.

2. Trong 5 bài học được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, bài học thứ hai được xem là kim chỉ nam hành động của Đảng. Đó là trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong bài tham luận trình bày tại đại hội cũng đặc biệt nhấn mạnh: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước. Để thực hiện được điều này, trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận sẽ hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời phản ánh, tham mưu đối với cấp ủy, phối hợp cùng chính quyền giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến đời sống nhân dân…

3. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 người, trong đó có 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết với 3 độ tuổi: dưới 50, từ 50-60, từ 61 tuổi trở lên. Đây là đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của hơn 100 triệu người dân cả nước. Đội ngũ lãnh đạo phải thực sự có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không vụ lợi, bè phái, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân lên hàng đầu. Bài học về công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua đã cho thấy, lựa chọn cán bộ sai đã để lại những hậu quả đau lòng, nhất là với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Do đó, như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”.

Người dân cả nước đang đặt cả niềm tin và sự kỳ vọng vào một thế hệ lãnh đạo mới, tài năng, tâm huyết để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Minh Ngọc 

 
Tin xem nhiều