Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên gia ẩm thực Pha Lê: tẩy độc bếp để ăn Tết

04:02, 06/02/2021

Cây viết ẩm thực - văn hóa Pha Lê (tốt nghiệp Học viện Ẩm thực đa quốc gia Le Cordon Bleu) cho rằng các gia đình nấu món Tết "thuận với cha trời, đất mẹ, mùa màng của năm, cũng như hòa hợp với hoàn cảnh mỗi người" để hưởng một mùa xuân mới vui vẻ và hạnh phúc.

Cây viết ẩm thực - văn hóa Pha Lê (tốt nghiệp Học viện Ẩm thực đa quốc gia Le Cordon Bleu) cho rằng các gia đình nấu món Tết “thuận với cha trời, đất mẹ, mùa màng của năm, cũng như hòa hợp với hoàn cảnh mỗi người” để hưởng một mùa xuân mới vui vẻ và hạnh phúc.

Hai tác phẩm về ẩm thực đặc sắc của tác giả Pha Lê
Hai tác phẩm về ẩm thực đặc sắc của tác giả Pha Lê

* Sẻ chia “mâm cao cỗ đầy”

* Pha Lê chia sẻ “muốn nấu bất cứ món nào, từ đơn giản tới phức tạp, trước tiên phải hiểu cái bếp đã”. Vậy theo chị, ở thời hiện đại ngày nay thì người nội trợ “cần hiểu cái bếp” ra sao, và đặc biệt là bếp nấu món Tết?

- Hiểu bếp chính là hiểu mình. Với khả năng của mình, không chỉ là khả năng tài chính, mà còn là thời gian, công sức, cuộc sống, niềm đam mê, nhà mình đang ở, sự thoáng đãng, cách lưu thông gió của nhà mình... thì bếp như thế nào là hợp lý nhất. Người ở nhà to nhưng không đam mê ẩm thực và nấu nướng thì bếp rộng cũng chỉ bằng thừa.

Trong năm 2020, tác giả Pha Lê ra mắt quyển sách Tẩy độc bếp với chủ đề hết sức thiết thực là giúp mọi người tạo ra một gian bếp sạch để nấu nướng thức ăn. Vậy thì những ngày giáp Tết có phải là thời gian lý tưởng để “tẩy độc bếp”? Pha Lê trả lời: “Không đâu, vì giữ cho bếp thanh sạch theo nghĩa đen lẫn bóng là việc chúng ta nên duy trì quanh năm suốt tháng. Nếu chờ đến Tết mới làm là chẳng khác gì chờ đến Tết chúng ta mới tắm rồi cho rằng những ngày còn lại của năm không cần tắm mà vẫn thơm”.

Tôi luôn quan niệm rằng cuộc đời này có nhiều thú vui, bếp núc chỉ là một trong những thú vui ấy. Mỗi người nên tự thẳng thắn xem xét rằng với hoàn cảnh, sở thích và khả năng của bản thân thì bếp như thế nào là phù hợp nhất. Mỗi cá nhân phải tự suy nghĩ thôi do nó phụ thuộc vào nhu cầu từng người.

Vấn đề nằm ở chỗ vật dụng dành cho bếp hiện nay có quá nhiều, dẫn đến tình trạng nhiều bạn bị rối vì không biết món nào, dụng cụ nào, gia vị nào... là hợp với gia cảnh. Bởi vậy, tôi quyết định đưa các thông tin khách quan và khoa học nhất có thể vào cuốn Tẩy độc bếp, từ đấy những ai hứng thú sẽ tìm tham khảo và tự đưa ra được các quyết định phù hợp với căn bếp của họ.

Tóm lại một là hiểu mình, hai là tìm hiểu kiến thức, ba là dùng cái kiến thức ấy phục vụ cho bản thân. Tôi có thể đưa ra giải pháp cho câu số 2, còn câu 1 và câu 3 mỗi người tự giải quyết lấy sẽ hiệu quả hơn.

Còn nếu nói chuyện Tết, tôi xin phép nhấn mạnh rằng Tết chỉ có mười mùng, trong khi đấy một con người phải sống đủ 365 ngày cho một năm. Đối với tôi, bếp nấu món Tết là bếp mình nấu các món vào những ngày không phải Tết. Người khác có thể nghĩ khác, riêng tôi chủ trương bếp là nơi đem lại sự thoải mái cho phần lớn cuộc đời mình, chứ không nhằm phục vụ cho dăm ba ngày lễ.

* Ngày tết “mâm cao cỗ đầy”. Người nội trợ, người nấu bếp thường “chóng mặt” với quá nhiều thực phẩm, nhiều loại món phải nấu... Chị có chia sẻ gì với các “đầu bếp gia đình” (thường là phụ nữ) trong việc giải quyết thử thách này?

- Lời khuyên, lời tư vấn chỉ có tác dụng khi tôi thân quen và biết rõ hoàn cảnh của người muốn nghe. Còn nếu tôi nhắn nhủ chung chung là đọc cho vui chứ chẳng giúp gì cho ai cả.

“Với cương vị của một người viết sách về kiến thức cũng như mong cái kiến thức ấy có ích cho cộng đồng, tôi chỉ cầu mong rằng những ai đang mệt nhọc vì lo việc Tết sẽ đủ dũng cảm, đủ sáng suốt, đủ may mắn để tự tìm ra hướng giải quyết phù hợp, để rồi họ sẽ trải nghiệm cảm giác vui sướng của niềm hạnh phúc do chính tay họ làm chủ, và hưởng một cái Tết an lạc” - tác giả Pha Lê chia sẻ.

Tôi quan niệm rằng hạnh phúc của mình là do chính mình tạo ra chứ không thể đặt vào tay một ai khác. Ngoài ra, chính mình cũng sẽ là người chịu trách nhiệm cho hành động và quyết định của mình. Quan điểm của tôi là không làm gì quá sức và không đi rước mệt vào người, cũng như hoàn thành việc của mình trước tiên.

Những việc cần chia sẻ nhau làm, nếu không ai sẻ chia là tôi sẽ không làm, bởi tôi chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân nên tôi sẽ không bao giờ đi gánh trách nhiệm của người nào khác chỉ vì người ấy làm biếng.

Đối với các bạn đến Tết là mệt, đặc biệt là mệt vì nhiều việc hoặc việc không có ai phụ, thì bản thân họ phải tự tìm cách để thoát ra khỏi sự lo toan đó. Nghe có vẻ lạnh lùng nhưng điều này xuất phát từ sự yêu quý và sự tôn trọng. Tôi biết và đã chứng kiến cảnh nhiều cô bác anh chị phải uể oải chuẩn bị cho Tết, và hiểu rằng đối với họ trách nhiệm dành cho công đoạn này quá lớn, họ phải gánh những thứ rườm rà, thậm chí gánh luôn phần người khác nhưng không biết đường nào để thoát ra mà lại không dính tới lục đục, cãi nhau, làm bố mẹ gia đình phật lòng.

Chính vì đồng cảm nên tôi không thể đưa ra một lời tư vấn suông do hoàn cảnh bạn này luôn khác bạn kia, làm thế nghe thì hay chứ không có ích, không có sự tôn trọng hướng đến độc giả bởi đó là khuyên bừa.

Chị Nguyễn Phương Thảo - một phụ nữ làm nghề stylist chuẩn bị mâm cơm ngày Tết cho gia đình
Chị Nguyễn Phương Thảo - một phụ nữ làm nghề stylist chuẩn bị mâm cơm ngày Tết cho gia đình

* Để ăn Tết thoải mái

* Đọc sách của chị tôi thấy chị rất am hiểu và tâm huyết đến nguồn thực phẩm xanh, thực phẩm sạch. Phải chăng ngày Tết thì chúng ta càng quan trọng thực phẩm xanh, sạch hơn?

- Như tôi đã nói ở trên, một năm có 365 ngày, nếu chỉ lo sạch vào mười mùng Tết thì không thể nào “thơm” suốt năm. Sức khỏe, thực phẩm sạch đòi hỏi sự kiên trì. Bản thân tôi cũng thấy điều này khó nên tôi luôn nhắn trong sách với bạn đọc rằng chúng ta cứ tìm hiểu, còn đến khi thực hành thì sức mình đến đâu hãy làm đến đấy.

“Tết chỉ cần vui thôi! Hãy ăn uống sinh hoạt một cách vui vẻ và hạnh phúc” - Pha Lê nói.

Chung quy chuyện ăn uống cũng chỉ để giúp cho cơ thể của mình, quan trọng hóa việc ăn đến nỗi mình phải gồng gắng quá mức lại đâm phản tác dụng.

Tết cũng thế, chúng ta có thể nhẹ nhàng thoải mái làm gì cho bữa ăn thì hẵng làm. Nếu nghĩ đến tương lai của thế hệ con cháu, hãy tìm hướng cải thiện cách chúng ta sống vào 355 ngày còn lại, chứ để đến Tết mới đi lo cho môi trường hay sức khỏe là không hiệu quả đâu.

* Chị nghĩ gì về những món Tết truyền thống như canh khổ qua, thịt kho Tàu, tôm khô củ kiệu... Chị có thích bổ sung những món khác cho bàn tiệc Tết nhà mình?

- Đối với tôi, Tết là thời gian để mình vui vẻ, đây cũng là quãng thời gian tôi hướng tình cảm của mình về phía bạn bè và người thân. Món ăn chỉ là một trong những công cụ để chúng ta thể hiện sự yêu thương này đến cho những ai muốn nhận nó.

Nói “cho những ai muốn nhận nó” là bởi không phải thành viên nào trong gia đình, bạn bè tôi cũng hứng thú với... ăn. Có người cho rằng Tết là dịp vui nhất để đi du lịch, có người mong Tết về để được nằm dài xem phim.

Chính bố mẹ tôi thuộc dạng không hứng thú với ẩm thực, không thích nấu nướng dọn dẹp, không thích bị làm phiền, ghét lễ nghi rườm rà nên hai cụ không chuẩn bị gì nhiều vào ngày Tết, tôi không áp đặt niềm vui của mình lên niềm vui của kẻ khác nên luôn để cho bố mẹ muốn làm gì làm, đổi lại họ cũng chẳng xen vào cách chơi Tết của tôi.

Với người cùng “gu” đón xuân, việc ăn gì, cùng nhau nấu gì lại phụ thuộc vào đất mẹ và vào khả năng hoặc hoàn cảnh năm đó. Nếu năm ấy các bác nông dân hay nhà phân phối thực phẩm báo rằng dưa cải mất mùa, không ngon, thì tôi sẽ không muối dưa; nếu vườn nhắn có gà ngon, tôi sẽ lấy gà; nếu thịt heo chăn thả ngon nhưng đắt quá thì có muốn cũng không mua được, nếu củ kiệu ngon nhưng bạn bè mình không hứng ăn là đem ngâm nó vô ích.

Món ăn thực chất ra đời nhờ vào “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bởi vậy trong dịp lễ, tôi cho rằng món truyền thống cũng được, không truyền thống cũng được, quan trọng là món ấy thuận với cha trời, đất mẹ, mùa màng của năm, cũng như hòa hợp với hoàn cảnh mỗi người. Thế thì mình mới có thể hưởng một mùa xuân mới thoải mái, nhẹ nhàng, vui vẻ và hạnh phúc.

* Xin cảm ơn chị!

Pha Lê “khó tính và cầu toàn”

Tác giả Pha Lê có bằng thượng cấp Grand Diploma của Học viện Ẩm thực và quản trị khách sạn đa quốc gia Le Cordon Bleu (Pháp). Cô là cây viết ẩm thực - văn hóa cho nhiều tờ báo, trang tin uy tín và đã cho ra đời 2 tác phẩm ẩm thực Ăn gì cho không độc hại (năm 2018 - về chủ đề dinh dưỡng, ăn chay, thực phẩm hữu cơ...) và Tẩy độc bếp: Vì không thể sống mà không ăn gì (2020 - về những điều cơ bản nhất mà mọi người nội trợ cần biết để “làm chủ” không gian bếp của mình). Cả 2 cuốn sách đều được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Vốn là một tác giả “khó tính và cầu toàn”, Pha Lê đã trực tiếp trải nghiệm ở nhiều vùng miền để ghi lại những thông tin thiết thực trong sách. Trong hai tác phẩm đã xuất bản, Pha Lê cung cấp cho độc giả một lượng kiến thức đa dạng, phong phú và đầy hữu ích về hành trình “học ăn” lẫn hành trình “học nấu” bằng một lối viết các tường tận, nghiêm túc, được sắp xếp khoa học, dễ hiểu và cũng không kém phần hài hước, dí dỏm lẫn sắc sảo.

Hơn hết, sức cuốn hút của tác giả đến từ tâm huyết chia sẻ những trải nghiệm và niềm đam mê ẩm thực lớn lao. Đặc biệt, trong cuốn Tẩy độc bếp, Pha Lê còn đưa ra một danh sách thực phẩm sạch để ủng hộ những người nông dân canh tác tử tế cũng như là tham chiếu hữu ích cho mọi người nội trợ đề cao “nấu sạch, ăn sạch”, an toàn sức khỏe cho gia đình. Đây là điều rất được cộng đồng quan tâm, nhất là trong bối cảnh thời dịch bệnh Covid-19.

T.N

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích