Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến xây dựng giao thông thông minh

10:03, 12/03/2021

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông có vai trò then chốt, là tiền đề để tiến tới xây dựng, quản lý và điều hành giao thông thông minh.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông có vai trò then chốt, là tiền đề để tiến tới xây dựng, quản lý và điều hành giao thông thông minh.

Camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên
Camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên

Chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra khái niệm mới là hạ tầng giao thông thân thiện và trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 thì đó chính là hạ tầng giao thông thông minh.

* Động lực thúc đẩy 5 trụ cột về ATGT

Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; các nghị quyết của Chính phủ cũng như Quyết định 2060/QĐ-TTg về chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu hằng năm kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết, số người bị thương và mong muốn đến năm 2045 không còn thương vong do tai nạn gây ra.

Để thực hiện mục tiêu này, nước ta sẽ tiếp tục thực hiện 5 trụ cột chính sách về ATGT đó là: tăng cường vai trò quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả; kết cấu hạ tầng an toàn; phương tiện giao thông an toàn; người tham gia giao thông an toàn; ứng phó sau tai nạn kịp thời hiệu quả. Đóng vai trò chi phối 5 trụ cột bảo đảm ATGT là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về giao thông.

Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông sẽ rất đa dạng. Từ tổ chức, quản lý, điều hành, chỉ huy giao thông cho đến hoạt động tuần tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý khai thác hạ tầng. Thời gian qua, công tác này đã được triển khai và áp dụng rộng rãi. Dù mới bước đầu triển khai nhưng các dự án như: camera giám sát giao thông, phần mềm sát hạch tự động, thiết bị giám sát hành trình, thu phí tự động không dừng… đã có tác động hiệu quả đến công tác quản lý giao thông.

* Xây dựng giao thông thông minh

Đồng Nai đang tiến hành xây dựng chính quyền đô thị thông minh, trong đó ngành GT-VT cũng là lĩnh vực then chốt được triển khai bên cạnh các ngành, địa phương như: y tế, giáo dục, các khu công nghiệp và TP.Biên Hòa. Đặc biệt, phát triển hệ thống giao thông thông minh đóng vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh.

Giao thông thông minh là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông; tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát, hệ thống đèn tín hiệu; đồng thời phối hợp lực lượng công an tiếp tục áp dụng công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đặc biệt, sẽ tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho rằng, giao thông thông minh gồm nhiều hệ thống thành phần như: camera giám sát đường, camera đếm và kiểm soát tốc độ xe, kiểm tra tải trọng phương tiện, hệ thống biển báo thông tin thay đổi… được liên kết chặt chẽ với nhau. Về lâu dài, giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ và xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông; giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Tân, hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều