Đô thị hóa là một quá trình hiển nhiên khi xã hội ngày càng phát triển. Hình thái đô thị cũng đa dạng hơn với nhiều đặc thù khác nhau. Người dân nông thôn nhiều năm nay có xu hướng "đổ" về các đô thị lớn nhỏ để tìm kiếm cơ hội việc làm, hưởng thụ các tiện ích về giáo dục, y tế...
Đô thị hóa là một quá trình hiển nhiên khi xã hội ngày càng phát triển. Hình thái đô thị cũng đa dạng hơn với nhiều đặc thù khác nhau. Người dân nông thôn nhiều năm nay có xu hướng “đổ” về các đô thị lớn nhỏ để tìm kiếm cơ hội việc làm, hưởng thụ các tiện ích về giáo dục, y tế...
Song nhìn thực tế các đô thị trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, nhiều đô thị thay vì “đáng sống” thì lại đang dần trở nên “khó sống”. “Khó sống” là do thực tế các đô thị hình thành và phát triển nhanh hơn sự tính toán của nhiều địa phương, dẫn đến đất chật, người đông, không gian bó hẹp. Phát triển tự phát nên hệ thống hạ tầng cấp thoát nước, quy hoạch xây dựng không theo kịp, dẫn đến nhiều khu vực tại các đô thị lớn thường xuyên ngập nước, kẹt xe, môi trường và không khí ô nhiễm, không gian nhỏ hẹp, ngột ngạt… và lâu dần, nhiều đô thị quá tải, không “gồng gánh” nổi các nhu cầu cơ bản của người dân.
Chính vì vậy, với những đô thị đã và đang hình thành, phát triển, nâng cấp… thì việc tạo các nền tảng hạ tầng, bố trí không gian sống, quy hoạch không gian cho các thiết chế kinh tế - xã hội… trên cơ sở xác định tầm nhìn cho tương lai là vô cùng quan trọng. Không chỉ tính toán cho riêng một đô thị nào, do tính liên kết giữa những “chùm” đô thị, đặc biệt là các đô thị lân cận sẽ ngày càng mạnh mẽ, nên cần có cả tầm nhìn về liên kết vùng, về đô thị nào là hạt nhân, đô thị nào là vệ tinh nhằm có những kế hoạch, bước đi cần thiết.
Với sự phát triển của các đô thị ở Đồng Nai, hiện nay có thể nói chưa có một đô thị nào là “khó sống”. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tỉnh cũng chưa có đô thị nào đạt tầm “đáng sống”. Điều này đang được cải thiện từng bước thông qua việc cải thiện hệ thống thoát nước, hạ tầng giao thông, thực hiện phát triển đô thị thông minh, quy hoạch và thực hiện thêm nhiều dự án tạo cảnh quan, dấu ấn… Xa hơn nữa, Đồng Nai cũng đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch vùng đô thị, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông lớn nhỏ (đa dạng loại hình: sân bay, cảng, đường cao tốc, đường liên vùng…) nhằm tạo đà cho sự phát triển đô thị một cách hiện đại, lâu dài, bền vững.
Nhìn chung, không chỉ riêng Đồng Nai, mà để các đô thị không hình thành, phát triển một cách tự phát và thiếu đi những thiết chế cần thiết, thì ngay từ lúc này, cần phải quy hoạch rõ ràng, gọn gàng, có tầm nhìn và kiểm soát tốt những quy hoạch đã đề ra. Mục đích là để những đô thị lớn nhỏ phát triển một cách có quy củ và cao hơn thế nữa, là những đô thị có nét riêng, có dấu ấn riêng về cảnh quan, kiến trúc, về tiện nghi hạ tầng, về bố trí không gian… để mỗi đô thị không trở nên ngột ngạt, mà trái lại, trở thành những đô thị xanh, có quy củ, hiện đại, tiện nghi thực sự “đáng sống” thay vì “khó sống”.
Kim Ngân