Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành trang cho sinh viên khi đi thực tập

11:04, 25/04/2021

Thiếu kỹ năng mềm, thiếu tinh thần học hỏi và thái độ cầu tiến… là những điểm yếu mà nhiều sinh viên mắc phải khi đi thực tập. Những hạn chế này khiến cho họ bị đánh giá thấp và mất đi cơ hội việc làm.

Thiếu kỹ năng mềm, thiếu tinh thần học hỏi và thái độ cầu tiến… là những điểm yếu mà nhiều sinh viên mắc phải khi đi thực tập. Những hạn chế này khiến cho họ bị đánh giá thấp và mất đi cơ hội việc làm.

Một buổi giao lưu giữa nhà tuyển dụng và thực tập sinh do Trường đại học Lạc Hồng tổ chức. Ảnh: H.Yến
Một buổi giao lưu giữa nhà tuyển dụng và thực tập sinh do Trường đại học Lạc Hồng tổ chức. Ảnh: H.Yến

Để khắc phục tình trạng trên, các trường cao đẳng, đại học đã phối hợp với doanh nghiệp (DN) đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.

* Thiếu kỹ năng mềm

Thực tập là nội dung bắt buộc và quan trọng trong chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Để sinh viên ra trường đáp ứng tốt với công việc, thời gian thực tập ngày càng được các trường chú trọng hơn. Thông thường, trước mỗi đợt thực tập, các trường đều có buổi hướng dẫn quy chế, quy định thực tập cho sinh viên. Tuy nhiên, khi va chạm với môi trường làm việc, rất nhiều sinh viên thể hiện bản thân không tốt khiến cho nhà trường phải nhận lại không ít lời phàn nàn.

Thông thường, sinh viên sẽ tham gia thực tập tại các đơn vị, dn mà nhà trường giới thiệu. Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên tự liên hệ đơn vị thực tập. Trong trường hợp thứ 2, lỗi mà sinh viên thường mắc phải là không tìm hiểu kỹ về DN, đơn vị thực tập trước khi đến thực tập. Vì vậy, họ không có nền tảng để khởi đầu cho  hành trình mới.

Điểm yếu chung của các sinh viên khi đi thực tập là rụt rè trong giao tiếp, bối rối khi thể hiện bản thân khiến cho lãnh đạo đơn vị và người hướng dẫn không biết có nên giao việc hay không. Ngược lại, có những sinh viên rất năng động nhưng lại thiếu sự kiên trì, sự lăn xả trong công việc.

Nhiều sinh viên thực tập thậm chí mắc phải những lỗi cơ bản như: không biết cách chào hỏi, không biết cách viết email, trả lời tin nhắn cộc lốc…

* Xây dựng 3 trụ cột: kiến thức, kỹ năng, thái độ

Những năm gần đây, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều DN trên địa bàn tỉnh khi cần tuyển dụng lao động bởi sinh viên của trường đáp ứng khá tốt yêu cầu của DN. Đây là kết quả của quá trình xây dựng, vun đắp 3 trụ cột: kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên mà nhà trường đã kiên trì thực hiện.

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn cho biết, trước năm 2015, có khoảng 70% DN phàn nàn về kỹ năng, thái độ thực tập của sinh viên nhà trường. Điểm yếu chung của các sinh viên là thiếu kỹ năng quản lý thời gian, việc chấp hành nội quy, giờ giấc có vấn đề, chưa thực hiện tốt an toàn lao động, thiếu kỹ năng hợp tác trong công việc.

Trên thực tế, các chương trình hướng dẫn kỹ năng kết hợp với tuyển dụng trực tiếp tại trường đại học, cao đẳng là cơ hội tốt để DN và sinh viên hiểu nhau. Nhờ đó, nhà tuyển dụng có thể tuyển dụng được thực tập sinh như ý, sinh viên cũng có cơ hội việc làm cao hơn sau thời gian thực tập. Đáng mừng là những ngày hội như vậy đang được các trường đại học, cao đẳng chú ý và tổ chức ngày càng nhiều.

Để khắc phục những điều trên, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai xác định xây dựng 3 trụ cột cho sinh viên là: kiến thức, kỹ năng, thái độ. “Kiến thức chỉ cần vừa đủ, kỹ năng phải đạt trung bình khá còn thái độ phải tốt. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em phải tuân thủ giờ giấc, tích cực tham gia các phong trào của trường, đạt điểm số đảm bảo bằng chính năng lực thật sự của mình. Không chỉ giáo viên phụ trách lớp mà chính mỗi giáo viên của từng module học phải giúp sinh viên có được những điều đó” - TS Anh Đức chia sẻ.

Cũng theo TS Anh Đức, điểm yếu nhất của sinh viên là không biết lập kế hoạch để quản lý thời gian, công việc. Không chỉ sinh viên mà trước đây chính giáo viên cũng chưa biết lập kế hoạch. Vì vậy, nhà trường đã mời DN đến để họ huấn luyện cho giáo viên, sau đó giáo viên huấn luyện lại cho sinh viên. Việc huấn luyện, đào tạo những kỹ năng này không cần thiết phải trở thành một môn học mà chỉ cần kết hợp trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai hiện có 3 dự án hỗ trợ đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên là: dự án WWO (word wide open), dự án Save the children, dự án đào tạo 5S… Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo cho sinh viên các kỹ năng mềm khác như: quản lý thời gian, chế ngự cảm xúc, kỹ năng giao tiếp...

Nhờ những chương trình đào tạo trên, sinh viên của trường đã được trang bị khá tốt các kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi đi thực tập. Theo TS Anh Đức, đến nay, tỷ lệ “phàn nàn” của DN về kỹ năng, thái độ của sinh viên khi đến thực tập chỉ còn khoảng 20%.

Kết hợp với DN để trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi đi thực tập đang là biện pháp được các trường đại học, cao đẳng thực hiện. Ông Trương Anh Minh, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Lạc Hồng cho hay, thông qua việc hợp tác, Phòng Quan hệ DN của trường sẽ nắm được nhu cầu tuyển dụng của DN và mời DN đến trực tiếp tại trường để tuyển dụng thực tập sinh.

Tại ngày hội tuyển dụng thực tập sinh này, các DN sẽ giới thiệu về đơn vị mình, nêu lên những hạn chế thường gặp của sinh viên và hướng dẫn sinh viên cách khắc phục những điểm yếu này.

“Chúng tôi có thể cam kết là sinh viên đáp ứng được nhu cầu chuyên môn nhưng cần có sự hỗ trợ của DN để đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Thực tế, hình thức phối hợp này đang được thực hiện rất hiệu quả” - ông Minh cho biết.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích