Ngày Sách và bản quyền thế giới đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là những người yêu sách. Vào ngày này hằng năm, rất nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có đóng góp không thể thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại.
Ngày Sách và bản quyền thế giới đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là những người yêu sách. Vào ngày này hằng năm, rất nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có đóng góp không thể thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc.
Gia đình trẻ chọn sách cho con tại một nhà sách ở TP.Biên Hòa |
* Tôn vinh giá trị của sách
Theo Thư viện quốc gia Việt Nam, chào mừng Ngày Sách và bản quyền thế giới năm nay, Thư viện quốc gia Việt Nam đã tổ chức Ngày hội sách 2021 với chuỗi các hoạt động khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt Ngày hội sách năm nay có chủ đề khá thú vị: Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc. Theo đó các hoạt động tại Ngày hội sách 2021 hướng đến việc khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục... của đất nước. Các hoạt động còn hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong việc xây dựng một xã hội tri thức, hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Ngày Sách và bản quyền thế giới bắt nguồn từ một phong tục truyền thống rất đẹp ở Catalonia (Tây Ban Nha). Vào ngày 23-4 hằng năm, có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Ngày 23-4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới Cervantes, Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega đều qua đời sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác của mọi thời đại. |
Có thể nói chưa bao giờ khái niệm văn hóa đọc lại được đề cập nhiều như hiện nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến giá trị của sách đối với đời sống từ cấp vĩ mô đến ý nghĩa đối với cuộc sống mỗi cá nhân. Mặt khác, điều này cũng cho thấy việc phát triển văn hóa đọc ở nước ta vẫn còn nhiều chuyện đáng để suy ngẫm khi số lượng sách xuất bản ngày càng nhiều nhưng “sức” đọc còn rất hạn chế.
Tại Đồng Nai trong những năm qua, nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm hỗ trợ học sinh các bậc học, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa tiếp cận với sách và dần hình thành thói quen đọc sách. Hằng năm, Thư viện Đồng Nai và Tỉnh đoàn đã duy trì tổ chức hội thi Kể chuyện, vẽ tranh theo sách hè thu hút khá đông học sinh tham gia, những thư viện sách cộng đồng tại nhiều địa phương được hình thành giúp trẻ tiếp cận gần hơn với sách cùng với các hoạt động triển lãm, hội sách, khuyến khích đọc sách trong mỗi nhà trường cho thấy nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Thế nhưng vẫn cần một chiến lược dài hơi để phát triển văn hóa đọc bền vững, hướng tới xã hội học tập.
* Xây dựng thế hệ trẻ có thói quen đọc sách
Theo ThS Tâm lý học Phan Thị Hồng Hà, giảng viên Trường đại học Đồng Nai, bên cạnh các giải pháp vĩ mô, những chính sách khuyến khích phát triển văn hóa đọc của Đảng và Nhà nước thì việc hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ là rất quan trọng, góp phần hình thành một thế hệ trẻ có thói quen đọc sách, yêu sách và có cơ hội tạo ra những giá trị thực tiễn từ tri thức mà sách mang đến. Mặt khác, việc xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử để giảng dạy không chỉ trong nhà trường cho giáo viên, học sinh mà còn cho cả phụ huynh cũng rất cần thiết để cùng trẻ hình thành và duy trì thói quen đọc sách.
Các đầu sách phát triển bản thân được giảm giá tại Nhà sách Fahasa Biên Hòa |
Đang là học sinh lớp 6, Nguyễn Ngọc Nam Phương (Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã tự “xuất bản” những tác phẩm truyện ngắn của mình để thầy cô, bạn bè trong trường cùng đọc. Đam mê viết truyện của Nam Phương một phần xuất phát từ thói quen đọc sách từ nhỏ. Vào đầu năm mới, các thành viên trong gia đình Nam Phương đều đăng ký “chỉ tiêu” sách đọc được trong năm và phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai - cha của Nam Phương chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ cho con, trước tiên cha mẹ phải làm gương đọc trước, chúng tôi đọc sách mỗi ngày và sắp xếp sách ở nhiều nơi có thể trong nhà để các con có thể dễ dàng nhìn thấy và tìm đọc. Trong các chuyến du lịch, tôi khuyến khích các con mang theo sách, truyện mỏng để đọc, gia đình tôi cũng chọn những khách sạn gần nhà sách để cả nhà cùng đến đọc sách, thư giãn”.
Để khuyến khích các con đọc sách, anh Tuấn còn có những phần thưởng hấp dẫn khi các con đọc xong mỗi cuốn sách, gợi ý con tìm đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, sách truyền cảm hứng vượt qua khó khăn để thành công trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy đọc sách có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. ThS Hồng Hà cho rằng, việc cho trẻ tiếp cận sách từ nhỏ rất quan trọng bởi nếu bỏ qua giai đoạn này thì việc trao cho trẻ vị thành niên một cuốn sách và bắt chúng duy trì thói quen đọc sách hằng ngày thay vì sử dụng các thiết bị giải trí điện tử rất khó khăn. Theo đó, đọc sách không chỉ giúp trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ, tư tưởng, tình cảm, thỏa mãn sự tò mò mà còn thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức sau này. Tuy nhiên, để rèn luyện cho trẻ thói quen đọc sách ngay từ nhỏ không hề dễ dàng, bắt nguồn từ việc giáo dục cho trẻ ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách đối với sự phát triển của bản thân. Sau đó cha mẹ, thầy cô có thể cùng trẻ đọc sách, hình thành sơ đồ tư duy để giúp trẻ ghi nhớ, tóm tắt lại nội dung đã đọc để có thể phát triển ngôn ngữ, năng lực viết sau khi đọc.
Tùy vào độ tuổi của trẻ để có những định hướng phù hợp, phải bám sát nhu cầu, sở thích của trẻ để đưa trẻ đến với sách, trẻ tìm được niềm vui từ sách thay vì đưa trẻ một cuốn sách bất kỳ và yêu cầu chúng đọc nó mỗi ngày. “Khi trẻ vào lớp 1, tư duy hình ảnh phát triển hơn ngôn ngữ thì cần cho trẻ đọc các cuốn sách ít chữ, minh họa hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh. Ở các lớp cuối tiểu học khi tư duy ngôn ngữ phát triển hơn, trẻ có thể đọc hiểu thì có thể chọn những sách nhiều chữ hơn, tranh ít đi. Đặc biệt cần chọn những cuốn sách có nội dung gần gũi, kích thích trí tò mò, khám phá của trẻ như sách về các nhân vật, sự kiện lịch sử; hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sóng thần; các bộ phận trên cơ thể, thế giới động vật... Với những câu hỏi của trẻ về thế giới xung quanh, thay vì trả lời thì thầy cô, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tìm câu trả lời từ sách để trẻ tự khám phá và hình thành thói quen tìm hiểu kiến thức từ sách, chinh phục những chân trời mới thông qua đọc sách mỗi ngày” - ThS Hồng Hà chia sẻ.
Tại kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng LHQ tại Paris (ngày 25-10 đến 16-11-1995), UNESCO đã quyết định chọn ngày 23-4 hằng năm làm Ngày Sách và bản quyền thế giới nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và quyền tác giả. Hưởng ứng ngày này hằng năm, rất nhiều hoạt động tôn vinh sách trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã được tổ chức nhằm khẳng định giá trị không thể thay thế của sách trong đời sống cũng như lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. |
Nhật Hạ