Đã là người dân Việt Nam không ai là không biết đến câu ca dao: Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba. Và đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch), hàng triệu người con đất Việt lại nô nức hành hương về với Đền Hùng (ở TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) dâng nén tâm hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Đã là người dân Việt Nam không ai là không biết đến câu ca dao: Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba. Và đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch), hàng triệu người con đất Việt lại nô nức hành hương về với Đền Hùng (ở TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) dâng nén tâm hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.
Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại công viên văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019 Ảnh: VĂN TRUYÊN |
Cách đất Tổ khoảng 2 ngàn km, người dân Đồng Nai không có điều kiện đến với Đền Hùng nhưng vẫn luôn bái vọng quốc Tổ với tất cả tấm lòng thành kính nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với các vua Hùng và các bậc tiền nhân - những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
* Bái vọng Quốc tổ bằng tất cả lòng thành kính
Theo Sở VH-TTDL, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 điểm thờ Quốc tổ Hùng Vương được công nhận di tích cấp tỉnh đó là Đền thờ quốc Tổ vua Hùng ở P.Bình Đa, TP.Biên Hòa (xây dựng vào năm 1968) và Đền thờ quốc Tổ Hùng Vương tại xã Phú Sơn, H.Tân Phú (được xây dựng vào năm 1957).
Theo chia sẻ của đại diện ban quản lý 2 di tích, đền thờ thường mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần để người dân đến dâng hương, viếng vọng quốc Tổ. Đặc biệt, vào dịp quốc giỗ mùng 10-3 âm lịch hằng năm, chính quyền địa phương cùng với ban quản lý di tích sẽ tổ chức lễ hội để nhân dân trong tỉnh cùng tề tựu tham gia các hoạt động như: kể chuyện về các đời vua Hùng, thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, kết mâm ngũ quả, các trò chơi dân gian, phố ông Đồ, các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao…
Để tỏ lòng thành kính trước các vua Hùng và nhắc các thế hệ mai sau nhớ về nguồn cội, nhiều ngôi trường lớn ở các huyện, thành phố được đặt tên Hùng Vương; có nơi còn đặt tượng chân dung quốc Tổ tại phòng truyền thống hay sân trường; thậm chí có những con đường, doanh nghiệp, nhà hàng còn đặt tên là Hùng Vương, Văn Lang… Tất cả những điều ấy chứng tỏ dù đi đâu, ở đâu, trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt vẫn luôn hướng về nguồn cội. |
Đặc biệt là đúng vào sáng mùng 10-3 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội và nhân dân địa phương sẽ cùng dâng hương, lễ vật lên các vua Hùng để thể hiện lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã có công dựng nước; cầu cho quốc thái, dân an, thể hiện lòng quyết tâm góp sức cùng với nhân dân cả nước xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Ông Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, cũng như năm 2020, năm nay dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên Sở VH-TTDL đã đề nghị các huyện Tân Phú, Trảng Bom và TP.Biên Hòa - các địa phương căn cứ tình hình thực tế để tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng đảm bảo trang nghiêm, thành kính và đảm bảo thông điệp 5K phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế (gồm: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế).
Lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại công viên văn hóa Hùng Vương, H.Trảng Bom năm 2019. Ảnh: My Ny |
Trưởng ban quản lý Đền thờ quốc Tổ vua Hùng ở P.Bình Đa Nguyễn Văn Cận cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tại di tích Đền thờ quốc Tổ vua Hùng ở P.Bình Đa sẽ chỉ tổ chức các nội dung phần lễ, không tổ chức hội. Các nội dung của phần lễ sẽ diễn ra vào sáng 21-4 (tức mùng 10-3 âm lịch) với nghi thức dâng hương, dâng lễ vật lên các vị vua Hùng và chương trình văn nghệ. Riêng vật phẩm bánh chưng, bánh giầy dùng để dâng lên các vị vua Hùng sẽ do UBND P.Bình Đa đảm nhận. Mặc dù chỉ tổ chức lễ nhưng UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo các ngành và địa phương đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…
Tấm lòng thành kính của người dân Đồng Nai hướng về quốc Tổ không chỉ thể hiện ở các hoạt động lễ hội diễn ra vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương mà còn được lưu dấu ấn ở các công trình văn hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật là công trình Công viên văn hóa Hùng Vương tọa lạc tại H.Trảng Bom. Với các hạng mục chính như: nhà tưởng niệm vua Hùng, nhà bia, nghi môn, tượng vua Hùng, Lạc Hầu, Lạc Tướng, đỉnh hương…, công viên văn hóa Hùng Vương đã trở thành một địa chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân ở khu vực H.Trảng Bom và các vùng lân cận.
Nghi thức dâng bánh chưng, bánh dày lên Đền thờ quốc Tổ Hùng Vương, P.Bình Đa, TP.Biên Hòa năm 2019. Ảnh: M.Ny |
Chị Tăng Thùy Phương Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom cho hay, không chỉ dâng hương tại Nhà tưởng niệm vua Hùng vào dịp giỗ Tổ mà vào những ngày bình thường, công viên văn hóa Hùng Vương vẫn tiếp đón những đoàn khách đến dâng hương, tham quan. Có những đoàn khách là người dân địa phương nhưng cũng có những đoàn khách ở địa phương khác đi qua H.Trảng Bom rồi ghé vào, bái vọng bằng tất cả lòng thành kính.
* Thành kính từ trong tâm tưởng
Lòng thành kính đối với các vua Hùng và các bậc tiền nhân - những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, giữ gìn và phát triển đất nước không chỉ được thể hiện bằng những hoạt động tín ngưỡng mà còn được khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người dân Đồng Nai nói riêng, mỗi người dân Việt Nam nói chung.
Năm nay tròn 22 năm chị Trần Phương Thùy, ở KP.8A, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) rời quê hương Phú Thọ vào Đồng Nai lập nghiệp. 22 năm đã trôi qua nhưng cứ gần đến ngày giỗ Tổ mùng 10-3, chị Thùy lại đau đáu nhớ về quê hương đất Tổ. Chị Phương Thùy nhớ lại, ở quê chị trước ngày giỗ Tổ không khí nhộn nhịp khắp nơi. Các thôn xóm tổ chức làm bánh chưng, bánh giầy để làm vật phẩm dâng lên các vị vua Hùng. Nguyên liệu làm bánh chưng, bánh giầy được các gia đình tuyển lựa rất kỹ. Quy trình làm bánh khá kỳ công, nhất là bánh giầy. Trong gia đình đình chị, vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương luôn có một dĩa bánh trôi đặt lên bàn thờ cúng gia tiên.
Từ năm 1999, chị Thùy vào Nam lập nghiệp, xây dựng gia đình và chọn mảnh đất Đồng Nai để an cư lạc nghiệp. 22 năm xa xứ, chị vẫn không quên truyền thống làm bánh trôi nước vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Chị Thùy chia sẻ, năm nào cũng vậy, ngày giỗ Tổ, chị dậy sớm làm bánh trôi nước với vỏ bánh làm từ bột nếp ngon và nhân đường phên (được gửi từ ngoài quê vào). Bánh trôi sau khi làm xong chị sẽ dành một phần để dâng lên Đền thờ quốc Tổ vua Hùng ở P.Bình Đa, phần còn lại chị dâng lên ông bà tổ tiên ở nhà.
Chi đoàn Trung tâm Văn miếu Trấn Biên gói bánh chưng nhân ngày giỗ Tổ năm 2018 |
Mỗi lần làm bánh trôi nước, chị lại cho các con cùng làm và kể cho các con nghe những câu chuyện về các vị vua Hùng, về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ Hùng Vương… Nhờ đó mà cô con gái mới 10 tuổi, cậu con trai 6 tuổi đã biết về ngày giỗ Tổ Hùng Vương và thường nhắc mẹ chuẩn bị làm bánh trôi nước để dâng lên các vị vua Hùng vào dịp này.
Không ở gần các đền thờ quốc Tổ vua Hùng nhưng mỗi dịp lễ, tết, gia đình bà Đào Thị Giang, ở KP.5, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) lại họp mặt với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Bà Giang cho biết, mỗi lần gặp gỡ, quây quần ngoài việc nghe các con, các cháu kể chuyện việc làm, học tập, bà Giang lại trò chuyện để các cháu hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ, tết, trong đó có ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
Đặc biệt từ năm 2018, khi công viên văn hóa Hùng Vương tọa lạc tại H.Trảng Bom khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng, bà đã có thêm khung cảnh phù hợp khiến cho những câu chuyện bà kể về các vị vua Hùng trở nên có sức hút hơn với trẻ. Mỗi lần đến đây, bà lại cùng các con, các cháu sắm sửa hương, hoa, trái cây để dâng lên các vị vua Hùng tại Nhà tưởng niệm vua Hùng, tham quan công viên văn hóa Hùng Vương.
Theo lời kể của bà Giang, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngoài dâng hương tại Nhà tưởng niệm vua Hùng, ở nhà bà cũng làm mâm cơm cúng gia tiên. Mâm cơm cúng có rất nhiều món ăn nhưng không thể thiếu bánh chưng, bành giầy. Xong xuôi, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cơm và bà cũng không quên ôn lại cho các cháu câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh giầy… để các cháu hiểu thêm về nguồn cội.
Nga Sơn
Chị Võ Thị Bích Ngân, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu):
Đẩy mạnh tuyên truyền về công lao của các vua Hùng và các bậc tiền nhân
Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10-3 âm lịch hằng năm là ngày lễ trọng đại của đất nước, là dịp để nhân dân ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công xây dựng, gìn giữ và bảo vệ đất nước. Thông qua đó, tạo động lực tinh thần giúp cho toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, đưa đất nước ngày càng phát triển.
Vì vậy tôi cho rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền về công lao của các vị vua Hùng và các bậc tiền nhân trong thế hệ trẻ là rất cần thiết, giúp đoàn viên, thanh thiếu niên thấu hiểu được các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước, con người Việt Nam được hình thành, vun đắp từ thời đại Hùng Vương. Từ đó, góp sức cùng với nhân dân quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhất là trong thời điểm cả nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra…
Ông Nguyễn Hữu Đức, ấp Thọ An, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh:
Theo dõi qua truyền hình các hoạt động hướng về giỗ Tổ
Sống ở vùng nông thôn, gia đình tôi chưa có điều kiện về đất Tổ tham dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 âm lịch. Do vậy, mỗi năm cứ đến ngày này, gia đình tôi thường theo dõi các hoạt động hướng về giỗ Tổ qua báo chí và truyền hình.
Mấy năm trở lại đây, chúng tôi được biết Đồng Nai cũng tổ chức các lễ giỗ Tổ quy mô nhỏ ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom… Không chỉ có phần lễ linh thiêng, trang trọng mà giỗ Tổ còn có phần hội hấp dẫn, người dân cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng thể hiện lòng tôn kính, sự biết ơn, dâng lên các vua Hùng những sản vật đặc sắc nhất, ý nghĩa nhất của từng địa phương. Khi xem những hoạt động ấy cùng gia đình, tôi thường nhắc nhở con cháu rằng phải luôn nhớ về nguồn cội, biết sống đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Nhà thơ Minh Hạ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam:
Về đất Tổ tìm cảm hứng sáng tác thơ ca
Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tôi chưa về Phú Thọ dâng hương lên vua Hùng và các bậc tiền nhân. Trước đó, tôi từng đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng nhiều lần, có dịp đúng vào lễ giỗ Tổ mùng 10-3 âm lịch, có dịp vào mùa xuân. Mỗi chuyến đi mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khác nhau.
Từ niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước, tôi đã sáng tác một số bài thơ về đề tài về đất Tổ và lễ giỗ Tổ Hùng Vương như tấm lòng tri ân nguồn cội. Sau mỗi sáng tác, tôi đã giới thiệu trên mạng xã hội Facebook, giới thiệu đến bạn văn, bạn thơ ở Biên Hòa - Đồng Nai. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đi thực tế sáng tác tại các đền thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh để có thêm những bài thơ mới, vần thơ hay giới thiệu đến bạn bè gần xa.
Nga Sơn - My Ny (ghi)