Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo thực phẩm bẩn

10:04, 09/04/2021

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa, nhất là trong cao điểm thực hiện tháng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa, nhất là trong cao điểm thực hiện tháng Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5.

Một sạp hàng bán cá gần bãi rác và trước cửa nhà vệ sinh ở chợ Tam Hòa (TP.Biên Hòa) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Phương Liễu
Một sạp hàng bán cá gần bãi rác và trước cửa nhà vệ sinh ở chợ Tam Hòa (TP.Biên Hòa) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Phương Liễu

* Nguy cơ thực phẩm bẩn

Một số người dân ngụ tại TP.Biên Hòa cho biết, tại một số chợ tạm, chợ tự phát, đặc biệt là những chợ ở khu vực có đông công nhân lao động nguy cơ mất ATVSTP rất cao do điều kiện bảo quản thực phẩm chưa đảm bảo; công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa chưa được chú trọng.

Chị Huỳnh Thị Nhi, công nhân của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho hay, tại 2 chợ tự phát ở cổng trước và cổng sau của công ty này, nhiều điểm bán thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm đặt trên những tấm bạt trải dưới nền đất đầy bụi bặm, ruồi nhặng nhiều. Dù biết những loại thực phẩm này không bảo đảm an toàn nhưng do giá rẻ và tiện nên nhiều người lao động vẫn chọn mua thực phẩm tại đây. Chỉ cần bước ra khỏi cổng công ty là có thể chọn mua thực phẩm, không phải vào chợ, gửi xe mất thời gian.

Năm 2020, Đồng Nai đã thành lập 193 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành các cấp, kiểm tra gần 10 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện 30% cơ sở trong số này có các vi phạm về ATVSTP.

Tương tự, chị Lưu Thị Hương (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) phản ảnh, ở một số chợ tạm ven đường Bùi Văn Hòa, tình trạng thực phẩm được bày bán cũng không đảm bảo an toàn. Một số thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, pate, chà bông, cá viên... được đóng gói nhưng không rõ nguồn gốc, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng rất phổ biến.

Không chỉ lo lắng nguồn thực phẩm ở những chợ tạm, chợ tự phát, nhiều người tiêu dùng còn bất an khi trong thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm. Cụ thể như, vụ một điểm thu mua nông sản tại xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) bị phát hiện sử dụng hóa chất để bảo quản chuối vào tháng 1-2021; vụ cả tấn thịt gà đã hết hạn sử dụng khá lâu, thịt đã chuyển màu, bốc mùi hôi thối đang được một chủ cơ sở bán thực phẩm tại TT.Long Thành (H.Long Thành) đưa đến các tiệm cơm trên địa bàn 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch vào tháng 7-2020…

Chị Trần Thị Ngọc Hòa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bày tỏ, nếu những thực phẩm “bẩn” này không được lực lượng chức năng phát hiện, rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ và người tiêu dùng sẽ lãnh đủ hậu quả, bên cạnh nguy cơ ngộ độc thực phẩm còn có nguy cơ nhiễm hóa chất trong thực phẩm, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người sử dụng; đồng thời là nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bên cạnh lo lắng chất lượng thực phẩm ở các chợ, người tiêu dùng còn băn khoăn về chất lượng thực phẩm khi mua online. Vì trên các “cửa hàng” thực phẩm online luôn quảng cáo là thực phẩm sạch, thực phẩm đảm bảo an toàn hay “quà quê”, “rau sạch vườn nhà” nhưng thực tế người tiêu dùng cũng không thể thẩm định được các sản phẩm này có thực sự sạch hay không. Thậm chí, thời gian qua, không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán online, gây ngộ độc cho nhiều người.

* Công tác kiểm tra, giám sát cần đi vào thực chất

Hiện nay, một vấn đề được nhiều người tiêu dùng đặt ra là, tại sao đã có Luật ATVSTP năm 2020 và có tới 3 ngành là NN-PTNT, Công thương và Y tế cùng tham gia quản lý; công tác kiểm tra, kiểm soát luôn được tăng cường, thế nhưng thực phẩm bẩn vẫn cứ tồn tại? Phải chăng công tác kiểm tra chưa đi vào thực chất?

Về vấn đề này, Phó chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục ATVSTP tỉnh (Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh cho biết, theo Luật ATVSTP năm 2020 có sự phối hợp, tham gia giám sát, kiểm tra của 3 ngành nêu trên cũng đã góp phần làm tăng hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng ATVSTP trong quá trình từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng; quản lý được một phần nguy cơ đối với ngộ độc thực phẩm, cũng như phát hiện và từng bước loại bỏ những nguy cơ mất ATVSTP.

Tuy nhiên, thực phẩm bẩn vẫn còn “đất sống”, theo ông Nguyễn Đình Minh là do nhiều bất cập khác như: các quy định pháp luật còn chồng chéo; 3 ngành phối hợp chưa  chặt chẽ, thiếu phân định rõ trách nhiệm của từng ngành nên dễ rơi vào tình trạng chồng lấn hoặc bỏ sót trách nhiệm; lực lượng chuyên ngành còn mỏng, đặc biệt các thủ đoạn của những đối tượng sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn rất ngoan cố, vì lợi nhuận mà bất chấp. Thêm vào đó, sự tiếp tay của người dân khi vẫn tiêu dùng thực phẩm không an toàn, khiến thực phẩm bẩn vẫn có cơ hội tồn tại. Đây là những vấn đề được đặt ra trong công tác đảm bảo ATVSTP mà Chi cục ATVSTP tỉnh và các ngành chức năng cần quan tâm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 là Đảm bảo ATVSTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới.

Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các địa phương trọng điểm. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP. Qua đó nhằm giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

 

Phương Liễu


Bà Trần Thị Phương Loan (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa): Thực hiện nghiêm pháp luật về an toàn thực phẩm

Đáng lo ngại hiện nay là tình trạng sử dụng hóa chất không được phép trong thực phẩm vẫn còn diễn ra. Theo tôi, nguyên nhân là do pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được thực hiện nghiêm; việc quản lý của các cơ quan chức năng về ATVSTP vẫn còn nhiều hạn chế khiến người dân phải loay hoay tự bảo vệ mình. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định xử phạt khá nặng đối với các hoạt động kinh doanh, vận chuyển chất cấm..., trong đó mức phạt cao nhất là 20 năm tù. Hy vọng quy định này góp phần bảo đảm quyền lợi cho mọi người dân được sử dụng thực phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Văn Nghi (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa): Người sản xuất, chế biến, kinh doanh cần có lương tâm

Tôi nghĩ rằng, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đừng vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm. Bởi, nếu mình bán thực phẩm bẩn cho người khác thì mình cũng lại phải dùng thực phẩm bẩn người khác bán cho mình... Tạo ra một cái vòng lẩn quẩn tự đầu độc nhau, tự gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của mình và người khác. Mong sao những người kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm ai cũng có nhận thức đúng về vấn đề này thì mới góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Kiều Vân (TP.Long Khánh): Tự bảo vệ gia đình mình khỏi thực phẩm bẩn

Rất khó có thể biết được thực phẩm nào là an toàn, nên khi chọn mua thực phẩm, tôi hay ghé những cửa hàng, siêu thị - nơi bán thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về chất lượng. Mua về, trước khi chế biến, tôi chịu khó sơ chế kỹ, rửa thật sạch qua nhiều nước và bảo quản thực phẩm đúng cách. Tôi hạn chế cho người thân ăn các món ăn tái, sống cũng như hạn chế ăn ở hàng quán bên ngoài khi biết một số nơi đã dùng thực phẩm hư hỏng, hết hạn sử dụng đưa vào tẩm ướp hóa chất, gia vị và chế biến món ăn cho khách.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích