Đồng Nai là địa phương có nền công nghiệp phát triển, kéo theo đó, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra nhanh. Do đó, việc quy hoạch, phát triển mạng lưới đô thị hiện đại, bền vững là hướng đi được Đồng Nai tập trung để nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đồng Nai là địa phương có nền công nghiệp phát triển, kéo theo đó, tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra nhanh. Do đó, việc quy hoạch, phát triển mạng lưới đô thị hiện đại, bền vững là hướng đi được Đồng Nai tập trung để nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Một góc Biên Hòa - đô thị trung tâm của tỉnh. Ảnh: Huy Anh |
* Hoàn thiện mạng lưới đô thị
Năm 2019 có thể nói là năm in đậm dấu ấn trong quá trình phát triển của các đô thị trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, tháng 6-2019, TP.Long Khánh được chính thức thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Long Khánh trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Đồng Nai.
Cũng trong năm 2019, 6 xã trên địa bàn TP.Biên Hòa gồm: Tân Hạnh, Hóa An, Hiệp Hòa, An Hòa, Phước Tân, Tam Phước chính thức được nâng cấp thành các phường kể từ ngày 1-7. Cùng với đó, 2 thị trấn mới gồm TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch và TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất cũng được thành lập trong năm 2019.
Theo UBND TP.Biên Hòa, hiện nay đối với dự án xây dựng đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu), thành phố đang khẩn trương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cũng như các thủ tục đầu tư. Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 5 tới. |
Tháng 10-2020, tại kỳ họp lần thứ 17 HĐND tỉnh khóa IX, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua chủ trương thành lập TT.Long Giao trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ. Hiện nay, UBND tỉnh đã trình hồ sơ đề án thành lập TT.Long Giao lên Bộ Nội vụ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, phê duyệt.
Theo Sở Xây dựng, sau gần 7 năm thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 116 ngày 11-7-2014 của HĐND tỉnh, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 1 đô thị loại III (TP.Long Khánh), 2 đô thị loại IV (Long Thành, Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước).
So với mục tiêu đặt ra của nghị quyết, Đồng Nai đã hoàn thành về chỉ tiêu số lượng đô thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, về xếp loại đô thị, mục tiêu đặt ra đã không hoàn thành. Cụ thể, đến năm 2020, đô thị Nhơn Trạch đã “lỡ hẹn” với việc trở thành đô thị loại II. So với tiêu chí của một đô thị loại II, hiện nay, đô thị Nhơn Trạch còn thiếu hụt khá nhiều chỉ tiêu như dân số, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch. Ảnh: P.Tùng |
Thực tế, sau khi đạt mục tiêu về số lượng đô thị, hiện nay các địa phương đang tập trung cho nhiệm vụ nâng chất các đô thị. Đơn cử như TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh, những năm qua đã đầu tư nguồn lực giải quyết các điểm yếu trong hạ tầng đô thị tồn tại nhiều năm qua như tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông. Ngoài ra, TP.Biên Hòa còn tập trung chỉnh trang một số tuyến đường nội ô, ngầm hóa hệ thống lưới điện, cáp viễn thông nhằm tạo mỹ quan đô thị.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, trong kỳ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch sắp tới, huyện đã kiến nghị dành thêm quỹ đất để phát triển các khu đô thị, khu dân cư ở khu vực dọc sông Đồng Nai nhằm tạo điểm nhấn, cảnh quan đô thị.
*Kết nối hạ tầng để phát triển
Kết nối hạ tầng để tạo sự liên kết, phát triển đồng bộ, hài hòa là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững cho đô thị. Hệ thống hạ tầng vừa góp phần tạo nên bộ mặt đô thị, vừa là động lực để thúc đẩy phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng ở các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. TP.Biên Hòa hiện là một trong những đô thị được đầu tư mạnh mẽ để phát triển với hàng loạt dự án trọng điểm đang được triển khai như: đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); đường, kè, công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu); đường trục trung tâm TP.Biên Hòa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho rằng, những dự án trên khi hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng không chỉ tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội mà còn góp phần tạo ra diện mạo đô thị mới cho TP.Biên Hòa. “Có thể nói với những dự án này khi đưa vào sử dụng có thể giúp đô thị Biên Hòa cất cánh” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Một góc Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh |
Cùng với TP.Biên Hòa, hàng loạt đô thị khác trên địa bàn tỉnh cũng hứa hẹn sẽ có sự “bứt phá” phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Long Giao (H.Cẩm Mỹ). Động lực cho sự bứt phá này chính là những dự án hạ tầng lớn đang được triển khai thực hiện trên địa bàn như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, vành đai 3 và đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai, sân bay Long Thành hứa hẹn sẽ “đánh thức” hàng loạt khu vực thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ phát triển, trong đó có sự phát triển của các đô thị. “Dự án sân bay Long Thành cùng các khu công nghiệp được phê duyệt mở mới nên mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh đã được điều chỉnh thành mục tiêu đưa toàn bộ H.Long Thành phát triển thành đô thị trong quy hoạch vùng H.Long Thành giai đoạn tới” - ông Nguyễn Phong An, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết.
Động lực từ các dự án hạ tầng thời gian tới cũng hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển đối với các đô thị lâu nay vẫn được xem là vùng sâu, vùng xa của tỉnh là đô thị Tân Phú và Định Quán. Sau nhiều năm “nằm yên” vì khó khăn về nguồn vốn, 2 đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc thuộc dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được chính thức khởi động khi các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất phương án đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là dự án mà Đồng Nai mong chờ từ lâu. Không chỉ giúp kết nối Đồng Nai với khu vực Tây nguyên, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương còn là tuyến đường giúp cho 2 địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh là H.Tân Phú và H.Định Quán phát triển.
Phạm Tùng