Báo Đồng Nai điện tử
En

Thái Lan: Tết Songkran tê tái vì Covid-19

05:04, 16/04/2021

Lẽ ra có hàng chục triệu người và du khách đổ ra đường té nước vào nhau để chúc may mắn trong ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan - Tết Songkran (từ ngày 13 đến 15-4 năm nay), nhưng hỡi ôi, năm nay "hết Tết từ trong trứng nước" vì đợt bùng phát dịch Covid-19.

Lẽ ra có hàng chục triệu người và du khách đổ ra đường té nước vào nhau để chúc may mắn trong ngày Tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan - Tết Songkran (từ ngày 13 đến 15-4 năm nay), nhưng hỡi ôi, năm nay “hết Tết từ trong trứng nước” vì đợt bùng phát dịch Covid-19.

Người Thái đi chùa dịp Tết thay cho việc vui chơi giải trí và “té nước” theo thông lệ. Ảnh: Reuters
Người Thái đi chùa dịp Tết thay cho việc vui chơi giải trí và “té nước” theo thông lệ. Ảnh: Reuters

“Ngay khu quán bar sát nhà tôi đang ở cũng như cao ốc chung cư liền kề đều phát hiện có người bị nhiễm Covid-19, nên Tết Songkran chúng tôi “trốn” luôn ở nhà cả tuần cho “chắc ăn”. Vậy mà xem truyền hình và báo đài cũng lo âu vì ngày 14-4 đúng dịp Tết lại chính là ngày Thái Lan phá kỷ lục buồn về số ca nhiễm mới trong ngày, lên đến 1.335 ca. Đây là lần đầu tiên nước Thái ghi nhận có hơn 1 ngàn ca/ngày kể từ khi Covid-19 thành đại dịch suốt một năm qua” - anh Karoon Nguyễn, một người Việt đang định cư và làm việc ở vương quốc chùa tháp nói với Đồng Nai cuối tuần trong cuộc trao đổi sáng 15-4.

* “Tạt nước” qua... điện thoại

Hiện đang ở khu Bangna phía Đông Nam thủ đô Bangkok cùng các thành viên trong gia đình gồm vợ và cậu con trai 8 tuổi, anh Karoon Nguyễn miêu tả Tết Songkran năm nay ghi nhận cảnh tượng hiếm thấy khi đường phố trên khắp xứ Thái rất vắng lặng. Con đường “Tây ba lô” Khao Sản “khét tiếng” cũng như “đường phố ma”.

Anh nói: “Mọi điểm vui chơi tụ tập tạt nước Songkran bị đóng cửa hết. Không được tạt nước nhau tưng bừng nên người dân chỉ có thể làm theo truyền thống xưa là tưới nước nhẹ lên tay người lớn, bậc cao niên để chúc thọ, mừng tuổi. Truyền hình Thái nói là năm nay dân chúng chúc Tết và “tạt nước nhau” chắc chủ yếu qua...  điện thoại thôi”.

“Nhiều người Thái lặng lẽ đi chùa cầu nguyện đầu năm trong Tết Songkran thay thế cho các hoạt động vui chơi giải trí chốn đông người” - Việt kiều Karoon Nguyễn thông tin từ Bangkok.

“Chính quyền kêu gọi người dân tránh tụ tập, tiệc tùng, hạn chế tối đa di chuyển để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 do nước này đã rơi vào đợt bùng phát dịch thứ 3, liên quan đến ổ dịch các quán rượu ở khu hộp đêm Thong Lor - Bangkok và lây lan ra gần 70 tỉnh, thành của nước này. Dù né cách gọi là lockdown (phong tỏa) vì chính quyền sợ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế nhưng hiện hơn 40 tỉnh thành đã áp dụng việc kiểm soát ra vào tỉnh, một số nơi yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày đối với người đến từ “ổ dịch” Bangkok hay các tỉnh có nhiều ca nhiễm.

Số ca nhiễm virus Sars-CoV-2 ở Thái đang tăng nhanh, sắp lên gần 40 ngàn ca. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh nước này dự báo nếu không có các biện pháp ngăn chặn virus triệt để, sắp tới số ca nhiễm sẽ tăng gấp 10 lần hiện nay! Trong khi đó, hiện chỉ mới có nửa triệu liều vaccine được chích cho người Thái, chủ yếu là cho những người nơi tuyến đầu tiếp xúc dịch bệnh” - anh Karoon Nguyễn thông tin.

Anh Num Sribussarakum và chiếc máy bay riêng của mình
Anh Num Sribussarakum và chiếc máy bay riêng của mình

Trao đổi với Đồng Nai cuối tuần, anh Num Sribussarakum, một người Thái sinh ra ở vùng Đông Bắc, lập nghiệp ở Bangkok từ năm 13 tuổi, cho hay anh vừa đưa gia đình đi chơi ở tỉnh Loburi trong Tết Songkran. “Tôi mê lái máy bay riêng ngắm bầu trời, nhưng tiếc là Tết này không bay được vì trời mưa” - anh Num cho biết.

Theo anh, “người Thái đã quen sống kỷ luật với “thời Covid-19”, chỉ ngại nhất là ca nhiễm tăng quá cao thì sẽ có lockdown khẩn cấp. Lúc đó tầng lớp người lao động nghèo ít có dự trữ, thu nhập theo kiểu “tay làm hàm nhai” hằng ngày sẽ gặp khó”.

Làm chủ một garage sửa xe hơi, Num cho hay mối lo của anh là sau Tết Songkran những nhân công làm thuê cho anh quay lại xưởng làm việc không biết có bị lây nhiễm hay không sau đợt nghỉ Tết. Và cách tốt nhất là “đi xét nghiệm Covid-19”.

 

Riêng gia đình anh Karoon đã tranh thủ đi chơi dịp cận Tết Songkran: “Cả nhà đi phố biển Pattaya từ ngày 8 đến 10-4. Thành phố du lịch này cũng khá đìu hiu so với trước. Ngồi ăn tối tại quán có chơi nhạc sống (live music), cô ca sĩ địa phương nói qua micro lời tâm sự nghe cũng thương, đại ý là sau khi hát xong đêm nay quán đóng cửa thì cô ấy “không biết đi đâu, hoặc chỉ ở nhà”.

Anh Karoon cho hay nhiều người Việt ở Bangkok cũng tranh thủ đi du lịch đến các tỉnh khác rồi hối hả bay về thủ đô phòng trường hợp các địa phương bị phong tỏa bất ngờ nếu diễn biến dịch bệnh căng thẳng hơn.

* Tìm bình an trong bất an

Định cư ở Thái gần 20 năm qua, anh Karoon cho biết dù Covid-19 đang rất “báo động” như truyền thông Thái lo lắng nhưng kỳ thực, dân chúng Thái sau một năm đại dịch đã quen với việc sinh hoạt “thời Covid-19”. Dịp Tết Songkran năm nay vẫn có nhiều gia đình tiếp tục đi du lịch nội địa vì đã lên kế hoạch từ trước. “Các điểm thu hút khách đến nghỉ mát như Ko Chang, Krabi, Phuket... vẫn đón khách, tất nhiên là trong tinh thần cảnh giác cao độ, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống virus lây lan”.

“Người Thái nhìn chung là chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch. Trước thời xảy ra dịch Covid-19, họ không có thói quen đeo khẩu trang, sau dịch họ đeo rất nghiêm túc. Tất nhiên cũng có người chủ quan, như gần đây là những người ăn chơi ở hộp đêm Thonglor. Cũng có một bộ phận tâm lý không sợ Covid-19 lắm vì biết bệnh này có thể chữa khỏi. Điều mà Chính phủ cần làm là phải tuyên truyền rõ ràng về dịch bệnh, “đả thông tư tưởng” cho mọi người dân, khai thông và vực dậy lại nền kinh tế đang trì trệ” - Karoon bình luận.

Nhóm người Việt ở Thái Lan du lịch Tết Songkran 2021
Nhóm người Việt ở Thái Lan du lịch Tết Songkran 2021

Làm đại diện thương mại cho một công ty nước ngoài ở Bangkok, Karoon thừa nhận công việc làm ăn của mình bị ảnh hưởng, chững lại trong năm qua nên hai vợ chồng “cầm cự, tồn tại qua ngày đã là vui rồi”.

Tuy vậy cũng có những cơ hội cho người Việt ở xứ người. Anh Karoon kể: “Tôi có ông anh người Việt thân thiết làm nghề thu mua hải sản ở các tỉnh miền nam Thái như Surat, Petchaburi và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam… thì thấy việc làm ăn vẫn ổn định trong thời gian qua”.

Học trò học online tại nhà từ ngày 19-4

Anh Karoon Nguyễn cho biết, trẻ con đi học ở Bangkok cũng cẩn thận hơn trước rất nhiều. Thậm chí vì dịch bệnh phập phồng nên phụ huynh không được vào trường tham gia các hoạt động cùng con em họ nữa. Và tin mới nhất là sáng 15-4 gia đình anh vừa nhận email từ trường thông báo kể từ đầu tuần tới (ngày 19-4) con trai anh sẽ phải học online ở nhà cho đến khi có thông báo mới.

“Vợ chồng tôi định dịp hè này đưa con trai về Việt Nam thăm hai bên nội, ngoại nhưng xem ra với việc phải cách ly 2 tuần ở quê hương, rồi sang lại Thái cách ly thêm 2 tuần nữa thì cũng bất tiện quá. Chưa kể rủi ro nhiễm bệnh trong quá trình đi lại. Thôi thì đành cầu cho dịch Covid-19 qua mau để đường về thăm quê hương trở lại bình thường vậy” - anh Việt kiều xứ Thái tâm sự.

 

Long Khánh

Tin xem nhiều