Mới đây, lần đầu tiên Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang hoạt động tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM nhằm tạo sự đồng thuận, gắn kết với khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Mới đây, lần đầu tiên Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang hoạt động tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM nhằm tạo sự đồng thuận, gắn kết với khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (phải) tặng bằng khen cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020. Ảnh: H.Dung |
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, BHXH Việt Nam đã tiếp thu, giải đáp nhiều thắc mắc của đại diện nhiều DN Hàn Quốc. Qua đó, giúp các DN tháo gỡ những khó khăn, cùng nhau đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cả người lao động đang làm việc tại các DN nước ngoài và người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
* Nhiều kết quả khả quan
* Tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN của cả nước đến thời điểm này ra sao, thưa ông?
- Chúng tôi hiện đang phục vụ gần 88 triệu người dân Việt Nam tham gia BHYT, đạt tỷ lệ gần 91% tổng số dân cả nước. Có gần 16,2 triệu người tham gia BHXH, đạt 32,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bao gồm người lao động làm việc tại các DN trong nước và DN FDI.
* Riêng các DN Hàn Quốc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN như thế nào?
- Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư. Hàn Quốc hiện giữ vị trí thứ nhất về đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 70,6 tỷ USD, trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Riêng lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, đến nay có hơn 1,31 triệu người lao động tại 4.559 DN Hàn Quốc tham gia BHXH. Trong đó có 1,29 triệu người là lao động Việt Nam, hơn 12 ngàn người là lao động nước ngoài. Số thu BHXH của các DN Hàn Quốc chiếm trên 25% tổng số thu của khối DN FDI.
* Sẽ ký kết hiệp định song phương về BHXH giữa 2 nước
* Nhiều DN Hàn Quốc rất quan tâm đến việc đóng và hưởng chế độ BHXH đối với người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Xin ông cho biết rõ hơn về điều này?
- Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2-18/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, hai nước đang tiến hành đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thực hiện nhằm tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho việc thực hiện và đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của người lao động mỗi nước. BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TBXH, làm việc với các cơ quan đối tác của Hàn Quốc để sớm hiện thực hóa mục tiêu này theo tinh thần thỏa thuận cấp cao của Chính phủ hai nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, hiện nay, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD với hơn 300 dự án. Năm 2020, có 329 DN Hàn Quốc tham gia BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với số tiền đóng hơn 3,4 ngàn tỷ đồng, chiếm 28% tổng số thu BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp khối DN FDI. Tổng số lao động làm việc tại các DN Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh là hơn 155 ngàn người, chiếm 28% tổng số người tham gia BHXH thuộc khối DN FDI. |
* Mục đích và phạm vi áp dụng của hiệp định này là gì, thưa ông?
- Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm các mục đích sau: loại bỏ những yêu cầu về đóng BHXH 2 lần đối với người lao động; giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài do họ phải đóng vào quỹ BHXH ở cả 2 nước. Khi hiệp định được ký thì người lao động chỉ phải tham gia đóng BHXH ở 1 trong 2 quốc gia.
Ngoài ra, hiệp định còn nhằm cải thiện khả năng hưởng lợi ích, đảm bảo quyền lợi hưởng BHXH tốt hơn cho người lao động. Người lao động có đủ điều kiện hưởng hưu trí thông qua việc tính cộng gộp thời gian đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động nước ngoài như công dân của nước sở tại về việc hưởng quyền lợi, trợ cấp xã hội, chế độ hưu trí. Hiệp định này cũng sẽ cho phép việc chuyển tiền (chế độ BHXH) ra nước ngoài khi người lao động di chuyển nơi ở; cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các công ty trong nước mở rộng đầu tư ra nước ngoài, kích thích tạo môi trường kinh doanh thân thiện. Đồng thời, giúp quản lý tốt hơn đối tượng người lao động nước ngoài vào làm việc thông qua việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện trong quá trình thực thi hiệp định.
Đối tượng áp dụng bao gồm: người lao động là công dân Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc; người lao động là công dân Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; người sử dụng lao động; cơ quan thực hiện chính sách BHXH của Việt Nam và Hàn Quốc.
* Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH
* Thời gian qua, ngành BHXH đã có những cách làm sáng tạo trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
- Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Với phương châm coi người dân, DN là trung tâm phục vụ và thước đo để đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính, đến nay, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, trước năm 2016, ngành BHXH có 125 thủ tục hành chính, đến nay chỉ còn 25 thủ tục, đã cắt giảm 100 thủ tục. BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của ngành. Tức là người dân, DN tương tác với cơ quan BHXH đều trực tuyến; có 17 dịch vụ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam được tái cấu trúc theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục nên chất lượng được nâng cao.
* BHXH Việt Nam vừa công bố ứng dụng BHXH số (VssID) trên nền tảng tiếng Hàn Quốc. Điều này mang lại thuận lợi gì cho BHXH Việt Nam và các DN Hàn Quốc?
- Tháng 11-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố ứng dụng BHXH số (VssID) trên nền tảng thiết bị di động dành cho cá nhân. Đây được xem là bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trong quá trình chuyển đổi số của BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam.
Không chỉ được cài đặt bằng tiếng Việt, ứng dụng BHXH số (VssID) còn có phiên bản tiếng Hàn Quốc nhằm giúp người lao động, DN Hàn Quốc dễ dàng tiếp cận, tra cứu, trải nghiệm các tính năng, tiện ích của ứng dụng này, tương tác với cơ quan BHXH khi cần. Từ đó, tạo sự lan tỏa rộng khắp, thúc đẩy các DN Hàn Quốc thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo với các hội, hiệp hội DN nước ngoài để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cho DN, người dân; tổ chức nhiều kênh tương tác giữa DN với người dân.
* Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)