Các y, bác sĩ, kỹ thuật viên và bệnh nhân Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã phối hợp để tạo một mảng vườn xanh nhỏ giữa lòng bệnh viện. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân gắn bó hơn với khoa, đi tập đều đặn và không bỏ dở giữa chừng.
Các y, bác sĩ, kỹ thuật viên và bệnh nhân Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã phối hợp để tạo một mảng vườn xanh nhỏ giữa lòng bệnh viện. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân gắn bó hơn với khoa, đi tập đều đặn và không bỏ dở giữa chừng.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Minh (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) hơn 2 năm nay luôn chăm sóc chim, cây cảnh tại khu vườn của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mỗi khi tập phục hồi chức năng xong. Ảnh: Bích Nhàn |
Đi chữa bệnh nhưng người bệnh được nghe tiếng chim hót, chăm sóc cây hoa và cả uống trà hay chơi cờ, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện đời thường, góp phần tạo nên sự gắn kết giữa những người xa lạ.
* Nơi có cây xanh và tiếng chim hót
Tận dụng khoảng giếng trời của bệnh viện, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) đã tạo thành một địa điểm thú vị cho bệnh nhân. Một khu vườn nhỏ với nhiều loại cây cảnh, những chú chim và bàn trà được cả nhân viên và bệnh nhân của khoa cùng nhau tạo dựng suốt 4 năm qua.
Ý tưởng ban đầu được BS Nguyễn Trọng Châu, Trưởng khoa đưa ra sau khi ông bắt gặp mô hình vườn cây xanh ở nhiều bệnh viện trên thế giới. Nó vừa tạo mảng xanh trong bệnh viện vừa giúp bệnh nhân bị tai biến, chấn thương… phục hồi chức năng.
Cử nhân phục hồi chức năng Bùi Thị Hương, Trưởng nhóm hoạt động trị liệu (Khoa Phục hồi chức năng) cho hay, sau khi ý tưởng làm vườn cây được Ban giám đốc bệnh viện duyệt, tất cả y, bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa và cả bệnh nhân cùng chung tay hiện thực hóa ý tưởng về khu vườn này. Trong những bệnh nhân đang điều trị tại khoa khi ấy (khoảng năm 2017), có người giỏi về kiến trúc đã làm bản vẽ, còn người giỏi về cơ khí làm các thiết bị để tưới hoặc các khung treo cây, hoa. “Mỗi ngày chúng tôi cùng bệnh nhân bỏ ra khoảng 1 tiếng để trồng cây, làm khung… tạo nên khu vườn riêng này” - chị Hương vui vẻ nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Minh (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã gắn bó với khoa này gần 2 năm nay để phục hồi các chức năng tay, chân sau ca đột quỵ hơn 2 năm trước. Anh Minh kể, trong lần đang nấu ăn trưa tại nhà, tay anh đột ngột không cầm nắm được nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu và chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Dù vậy, anh Minh vẫn bị liệt sau khi được các bác sĩ can thiệp và phải tập vật lý trị liệu để có thể sinh hoạt bình thường.
Sau một lần tái khám ở Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, anh Minh phát hiện khoa có nhiều thiết bị tập luyện và khu vườn khá dễ thương nên anh đã gắn bó với nơi này.
“Khác với những nơi tôi đã từng đến tập, Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện khá thoáng. Đặc biệt tôi rất thích khu vườn và khu bếp. Chúng tôi được các kỹ thuật viên hướng dẫn làm bếp, chăm sóc cây, hoa để phục hồi khả năng của tay, chân. Các bài tập làm ở 2 khu này làm tôi thấy hăng hái hơn vì đúng sở thích. Do tay bị yếu sau đợt đột quỵ, tôi phải học làm từ từ, cẩn thận từng chút một chứ không được nhanh nhẹn như xưa” - anh Minh nói.
Từ những hướng dẫn ở bệnh viện, anh Minh áp dụng ngay cả ở nhà. Việc nấu ăn, chăm cây cảnh ở nhà đều do anh tự làm. “Ngày nào tôi cũng đến đây tập. Sau giờ tập các dụng cụ, tôi luôn dành thời gian ra vườn cây. Có ngày tôi chỉ ngồi uống trà, nói chuyện với những người cùng cảnh ngộ; còn có ngày sẽ tưới cây và nghe chim hót, làm cho tâm hồn thanh thản hơn” - anh Minh chia sẻ.
* Một cách trị liệu hiệu quả
Khi tỉnh lại do ngộ độc Botulinum, chị Nguyễn Thị Thùy (21 tuổi, tạm trú tại TT.Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đã được gia đình thuê trọ gần bệnh viện để hằng ngày đưa chị đến tập vật lý trị liệu suốt thời gian dài. BS Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, dù bệnh nhân đã hồi phục nhưng vẫn phải tập vật lý trị liệu hằng ngày tại bệnh viện để tập các chức năng nuốt, vận động. Chị Thùy được tập rất nhiều loại dụng cụ để cải thiện các chức năng sau nhiều tháng nằm một chỗ. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, khi đã tự đi lại được, chị được học các bài tập trong khu vực bếp; chăm cây, tưới hoa…
Điều dưỡng và bệnh nhân cùng tham gia tưới cây. Ảnh: Bích Nhàn |
“Những việc tưởng chừng như đơn giản trước đây như cầm nắm hay tưới cây, giờ phải học lại như một trẻ mới lớn. Trải qua “thập tử nhất sinh”, tôi thấy việc được ngắm những giỏ cây hay nghe chim hót làm tôi thấy mình còn may mắn” - chị Thùy nói.
Ở đây, bệnh nhân thường phải theo tập trong một thời gian dài. Lâu dần, họ trở nên thân thiết. Khu vườn cây xanh của khoa đã trở thành nơi lý tưởng để mọi người tập trung nói chuyện, chia sẻ với nhau. Cử nhân Hương bày tỏ, có những thời điểm khoa rất đông bệnh nhân, các máy tập đều kín người. Dù phải chờ đợi tới lượt tập nhưng nhiều năm nay không có bất cứ bệnh nhân nào phàn nàn khi phải chờ đợi. “Những bệnh nhân chờ tới lượt tập thường ra khu vườn. Chúng tôi đặt 1 bộ bàn ghế đá để bệnh nhân vừa ngồi nghe chim hót, ngắm cảnh hoặc cùng nhau uống trà, trò chuyện rất vui vẻ. Những người lớn tuổi còn chơi cờ” - chị Hương nói.
Mục đích tạo nên không gian xanh này là giúp bệnh nhân có cơ hội giao tiếp, trao đổi với nhau; bệnh nhân cũ giúp đỡ bệnh nhân mới để tạo môi trường vui vẻ. Bởi sau các ca tai biến, tai nạn…, nhiều người có tâm trạng buồn, không chấp nhận được thực tế nên khi được những người cùng cảnh ngộ chia sẻ, động viên sẽ làm cho tâm trạng tốt hơn. Cử nhân Hương tâm sự: “Thời gian đầu, vườn cây rất thưa thớt. Nhưng càng ngày nơi này càng xanh tốt và có nhiều loại cây, hoa khác nhau. Vào dịp Noel, chúng tôi cùng bệnh nhân còn trang trí hang đá, nhiều tiểu cảnh khác. Có lẽ nhờ vậy, bệnh nhân cũng rất gắn bó với khoa, đi tập đều đặn và không bỏ dở giữa chừng”.
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nhận định, khoa có vườn cây xanh phục vụ cho bệnh nhân là rất tốt, giúp kéo gần khoảng cách giữa con người với nhau. Xu hướng phục hồi chức năng là chuyên khoa của các chuyên khoa. Bởi nhiều loại bệnh như đột quỵ, chấn thương, sọ não… làm mất chức năng vốn có của con người và cần phục hồi. Việc trị liệu này không sử dụng thuốc. Trong những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế của Nhật Bản, Pháp và các bệnh viện tuyến trên đã hợp tác chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ máy móc nên giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân. Do đó, bệnh viện cũng có chủ trương phát triển chuyên khoa này. Nhân viên của khoa từ bác sĩ đến kỹ thuật viên đều được đào tạo từ các khoa ngắn ngày đến dài ngày. Các gói trang thiết bị của bệnh viện đều có thiết bị về phục hồi chức năng. |
Bích Nhàn