Báo Đồng Nai điện tử
En

Xa rồi, viên xúc xắc mùa thu...

10:04, 23/04/2021

Tháng 4-2021. Thêm một con người tài hoa rời cõi tạm, một chiếc lá chưa nhuộm hết sắc vàng đã rơi khỏi cành khi ngoài kia mùa xuân hãy còn lưu luyến trên những chùm hoa xoan tím mát, những vụn hoa sấu rắc như phấn trên mặt đất...

(Tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm)

Tháng 4-2021. Thêm một con người tài hoa rời cõi tạm, một chiếc lá chưa nhuộm hết sắc vàng đã rơi khỏi cành khi ngoài kia mùa xuân hãy còn lưu luyến trên những chùm hoa xoan tím mát, những vụn hoa sấu rắc như phấn trên mặt đất...

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm
Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm

Lần này người ra đi là anh - con người với tôi vừa xa xôi, lại vừa gần gũi: nhà thơ - “bác sĩ Hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm.

Nói Hoàng Nhuận Cầm xa xôi vì chúng tôi từng học cùng lớp ngữ văn khóa 20 Trường đại học tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội) nhưng từ khi ra trường tôi chưa một lần gặp lại anh. Thi thoảng, qua nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, tôi nghe loáng thoáng về Hoàng Nhuận Cầm, vẫn tài hoa và vẫn... lập dị, khác người. Chỉ có vậy, và... hết. Anh như ngôi sao trong trí nhớ tù mù của tôi, mỗi ngày một xa tít tắp...

Nói Hoàng Nhuận Cầm gần gũi bởi ngay khi vừa nghe tin anh qua đời, bao nhiêu ký ức về nhà thơ cá tính độc đáo bỗng ùa về, rõ như ban ngày, như tôi có thể cầm nắm...

Cuối năm 1975, khóa 20 Khoa Ngữ văn chúng tôi đón nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từ chiến trường chưa tan hết khói súng về nhập học. Không bao lâu, vì một lý do nào đó, anh chuyển qua học lớp khác. Chàng trai hai lăm tuổi trẻ măng, gương mặt bầu với nốt ruồi đen nổi bật, đẹp trai một vẻ táo tợn. Anh là tác giả của tập thơ Tuổi hai mươi in chung với liệt sĩ Vũ Ðình Văn.

Những buổi khoa văn tổ chức đọc thơ, không chỉ sinh viên lớp văn mà cả các lớp khác ngồi vòng trong vòng ngoài chật cứng hội trường, thậm chí nhiều người không còn chỗ, đánh đu ngoài cửa sổ. Bằng chất giọng chuẩn Hà Nội khi du dương, khi thủ thỉ, khi lại âm vang hào sảng và vẻ biểu cảm hiếm có của ánh mắt, của gương mặt, Hoàng Nhuận Cầm say sưa đọc những bài thơ do chính anh sáng tác: Anh bộ đội và tiếng nhạc la, Những câu thơ viết đợi mặt trời, Tuổi hai mươi, Chiếc lá đầu tiên...

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa nghe ai đọc thơ cuốn hút khiến người ta mê đắm như Hoàng Nhuận Cầm. Khi đọc thơ, anh như rút hết ruột gan, như thể trên đời chỉ còn anh và thơ. Bài thơ Tuổi hai mươi của Hoàng Nhuận Cầm có những câu rất lạ: Trời xanh màu tự thú. Tóc em thờ ơ bay... Tình yêu hương cỏ may. Ngủ âm thầm trong đất... Thật tình, chẳng phải câu thơ nào của anh chúng tôi cũng hiểu được ý tứ sâu xa trong đó. Nhưng xét cho cùng, thơ là để cảm nhận, đâu cần phải giãi bày, phân định đúng sai.

Hoàng Nhuận Cầm tài hoa, luôn xuất hiện với dáng vẻ gầy gò, mong manh, quần áo, đầu tóc nhàu nhò một cách... nghệ sĩ, đương nhiên được rất nhiều sinh viên nữ ái mộ. Về phần anh thì đến với cô nào anh cũng yêu mụ mị, bất chấp, rồi vì những lý do riêng lại... buông. Chúng tôi biết vài mối tình “cọc cạch” của anh. Còn là “trai tân” nhưng anh mê một diễn viên múa từ chiến trường về, đã ly hôn chồng, ít lâu sau anh lại đắm đuối một cô gái xinh đẹp, vì cô mà viết bài thơ Phương ấy.

Anh thường không chép bài, bởi còn phải thả hồn vào thơ. Có hôm lớp tôi tan học bước xuống cầu thang, vừa kịp lúc lớp anh đi lên, Hoàng Nhuận Cầm kêu to: “Tránh ra. Tránh ra. Không tớ lại... hôn cho một cái bây giờ” làm các cô gái ré lên, dạt ra. Vào mùa thi, anh thường chạy xuống lớp tôi, vò đầu bứt tóc, năn nỉ: “Ð. ơi, cho anh mượn cuốn văn học phương Tây, không thì đời anh ra cái tóp”.  Không mượn được tập vở, anh lại chạy tới cô gái khác: “X. ơi. Cho anh mượn cuốn văn học Trung Quốc, không thì đời anh ra cái bã”. Chúng tôi mè nheo, không cho anh mượn, nhưng sau đó Hoàng Nhuận Cầm vẫn qua được bài thi ngon lành mà chẳng cần phải ra bã hay ra tóp...

Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cùng 4 diễn viên trẻ trong phim Mùi cỏ cháy
Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cùng 4 diễn viên trẻ trong phim Mùi cỏ cháy

Tinh nghịch, táo bạo, đôi khi trái khoáy và khó chiều nhưng có thể nói, Hoàng Nhuận Cầm thi sĩ từ trong trứng nước, đó là do gen di truyền anh thừa hưởng từ người cha: nhạc sĩ Hoàng Giác. Sinh viên ai chẳng thích những câu thơ xinh xẻo, mơ mộng rất “teen” của anh: Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi. Với lại bảy chú lùn rất quấy (Chiếc lá đầu tiên). Những bài thơ của anh đã thổi bùng trong tim chúng tôi ngọn lửa khát khao cái đẹp, cảm thấy yêu đời, yêu người hơn và muốn dấn thân làm điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời.

Sau này nếm trải nhiều vị đắng nên thơ của Hoàng Nhuận Cầm dần trở nên sâu lắng, suy tư, thậm chí nhuốm buồn, thể hiện rõ trong tập thơ cuối cùng Xúc xắc mùa thu. Lúc này, cuộc sống đối với anh không còn tươi hồng mà như viên xúc xắc sáu mặt, mặt nào cũng trắc trở, bão giông: Viên xúc xắc mùa thu trong cỏ. Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng (Xúc xắc mùa thu). Bài thơ Lời của người gỡ mìn đã hy sinh từng làm nhiều bạn yêu thơ rơi lệ vì chạm vào miền trắc ẩn có trong mỗi người:  Mẹ ơi trước lúc con vĩnh biệt. Con không kịp thấy chỗ con nằm. Con chỉ nhớ đằng sau tiếng nổ. Vẫn quỳ trước mẹ, trước vầng trăng...

Hết làm thơ, chuyển sang viết kịch bản phim, Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục bùng nổ với những bộ phim nổi tiếng: Mùa đông 1946, Ðêm hội Long Trì, Mùi cỏ cháy...

Bây giờ thì viên xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm đã dẫn anh rời ra cõi tạm. Nhưng với tôi, với những người yêu thơ Hoàng Nhuận Cầm và trân trọng tài năng của anh, thi sĩ dường như chỉ vừa đi đâu đó, và sẽ còn trở lại...

Hoàng Ngọc Ðiệp

Tin xem nhiều