Từng học tập, làm việc tại Nhật Bản, rồi đảm nhận chức vụ khá cao trong doanh nghiệp (DN) Nhật Bản ở Việt Nam nhưng luôn tâm niệm phải tự chủ để sản xuất ra sản phẩm của người Việt, ông Nguyễn Văn Tân và cộng sự của mình đã thành lập Công ty TNHH Tân Seiko (TP. Biên Hòa) chuyên cung cấp các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ từ nhựa.
Từng học tập, làm việc tại Nhật Bản, rồi đảm nhận chức vụ khá cao trong doanh nghiệp (DN) Nhật Bản ở Việt Nam nhưng luôn tâm niệm phải tự chủ để sản xuất ra sản phẩm của người Việt, ông Nguyễn Văn Tân và cộng sự của mình đã thành lập Công ty TNHH Tân Seiko (TP. Biên Hòa) chuyên cung cấp các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ từ nhựa.
Hiện các sản phẩm của công ty được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, điện tử, đồ gia dụng cao cấp. Theo ông Tân, DN Việt có cơ hội lớn để tự chủ, thoát khỏi cảnh làm thuê nhưng muốn có điều đó, ngoài nỗ lực tự thân thì cần chính sách đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Nhà nước.
Người Việt hoàn toàn có thể xây dựng nên thương hiệu của riêng mình
“Là DN Việt, mang khát vọng người Việt, học hỏi tri thức thế giới để trở về phục vụ đất nước, nếu được tạo điều kiện phát triển, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, đóng thuế cao để xây dựng đất nước. Suy cho cùng ưu tiên hỗ trợ, cởi trói cho DN tư nhân, DN Việt cũng chính là xây dựng tiềm lực, sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới” - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Seiko Nguyễn Văn Tân mong muốn. |
* Tên DN của mình là Tân Seiko, mang một chút hơi hướng Nhật Bản, đó phải chăng là tiền đề cho con đường mà ông đang theo đuổi hiện nay?
- 20 năm trước tôi đã từng có thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản. Sau này tiếp tục làm việc trong một DN lớn của Nhật Bản tại Đồng Nai và cũng từng là giám đốc phân xưởng. Thực tế mà nói, các công ty, tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian đầu thường đưa nhân sự sang trực tiếp quản lý. Khi đã ổn định sản xuất, họ đào tạo lao động người Việt để thay mặt họ vận hành các nhà máy. Thực tế, trình độ lao động, năng lực tư duy của người Việt nếu có điều kiện được học hành, đào tạo bài bản thì không thua kém so với nước ngoài, thế nhưng bao năm nay vẫn chủ yếu “làm thuê” cho các tập đoàn. Tại sao mình không cố gắng học tập, nắm bắt kinh nghiệm rồi tạo lập thành tựu kinh doanh của mình, vừa làm giàu cho bản thân vừa góp phần phát triển xã hội? Câu hỏi đó luôn theo tôi suốt những năm tháng bên Nhật và làm việc tại DN Nhật ở Việt Nam.
* Nhưng để tự tách mình ra khỏi vỏ an toàn cũng không phải đơn giản, nhất là khi đang có công việc, chức vụ cao trong DN nước ngoài?
- Tôi thậm chí còn có cơ hội lớn hơn, được định cư và phát triển công việc ở Nhật, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn về Việt Nam. Dù có cơ hội thăng tiến cao hơn nhưng như đã nói, mục tiêu cao nhất của tôi là học tập kinh nghiệm, trước tiên là phát triển bản thân rồi tính đến gầy dựng thương hiệu phục vụ đất nước.
Một điều phải nói khá may mắn khi trong quá trình học tập, làm việc trước đây, tôi được cộng tác với một số anh em là người Việt tài năng trong công ty Nhật. Hiện nay họ đều là lãnh đạo DN của chúng tôi.
Chúng tôi đã cùng nhau nung nấu, lên kế hoạch từ trước để khi có điều kiện thì xin đứng ra lập DN riêng của mình, đây là sự chuẩn bị khá kỹ chứ không phải ngày một ngày hai.
* Điều đó cũng coi là sự thuận lợi lớn, các ông đã bắt đầu khởi nghiệp ra sao?
- Số vốn đầu tư ban đầu với hơn 5 tỷ đồng trong lĩnh vực khuôn mẫu chính xác và ép nhựa là khá khiêm tốn nhưng như đã nói là ban lãnh đạo và cả nhân sự đều có xuất phát điểm từng làm quản lý cho các DN Nhật Bản. Đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nên toàn bộ nhà máy từ tác phong làm việc đến cách bày trí máy móc, nhà xưởng đều mang phong cách Nhật. Lĩnh hội tri thức thế giới rồi vận dụng vào phát triển đất nước mình là con đường mà các DN, các quốc gia như Nhật, Hàn đã từng đi qua nên chúng tôi rất có niềm tin vào sự lựa chọn của mình.
Nhờ có chiến lược riêng cùng với mối quan hệ gầy dựng từ trước nên sau 3 năm “khởi nghiệp” chúng tôi đã hợp tác được với các DN trong và ngoài nước. Hiện sản phẩm của Tân Seiko 50% xuất sang thị trường Nhật, một số sang Mỹ và phần còn lại là các đối tác có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Muốn cạnh tranh sòng phẳng thì nỗ lực của DN là chưa đủ
* Để đạt được chất lượng, niềm tin của khách hàng thì đòi hỏi sản phẩm phải có sự chính xác từng công đoạn, các ông đã quản trị DN của mình như thế nào?
- Chúng tôi đã có thời gian làm việc cùng nhau lâu, hiểu được thế mạnh từng người nên phân công nhau phụ trách các lĩnh vực. Tôi là Chủ tịch HĐQT phụ trách chung, còn những người khác thì phụ trách công tác đào tạo lao động, quản trị sản xuất, kinh doanh... Hằng ngày, hằng tuần, ban lãnh đạo công ty luôn trao đổi nhằm đề ra chiến lược phát triển phù hợp và nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, cải tiến, nâng cao chất lượng để mang đến niềm tin cho các khách hàng khó tính nhất. Chúng tôi vận dụng những kinh nghiệm đã có vào DN mình từ đó tạo dựng niềm tin cho các đối tác nói riêng, thương hiệu Việt nói chung.
Điều tôi mong muốn lớn nhất là sản phẩm mình làm ra tương đương như sản phẩm cùng loại của nước ngoài mà ở đây mục tiêu hướng tới là công nghệ Nhật. Bên cạnh đó, yếu tố giá thành cũng được tính toán tới, tạo lợi thế cạnh tranh, điều kiện để DN đạt được kết quả như ý.
Ông Nguyễn Văn Tân kiểm tra một sản phẩm được chế tạo |
* Dịch Covid-19 đã trải qua thời gian khá dài và tác động tiêu cực đến hầu hết mọi DN, riêng đối với công ty ông gặp phải khó khăn gì?
- Tất nhiên là khó khăn chứ, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu bị chậm lại, giá chi phí vận chuyển đội lên. Giá nguyên liệu trên thế giới và Việt Nam tăng cao trong khi đơn hàng giảm so với trước nhưng giá thành mình xuất ra không được thay đổi vì đã ký hợp đồng trước. Có những đơn hàng xuất đi tìm mãi không có container để vận chuyển, điều đó kéo theo nhiều thứ. Chưa kể các DN đối tác cũng chậm xuất hàng nên cấu kiện, linh kiện của chúng tôi phải nằm chờ các nhà máy đó tới nhận. Chúng tôi xác định phải “sống chung với lũ” nên từng bước tìm cách vượt qua khó khăn. Sống chung với lũ rồi thì bạn cũng sẽ tìm ra được quỹ đạo của nó, từ đó xác định được hướng đi phù hợp hơn.
* DN có định hướng gì sắp tới, thưa ông?
- Mở rộng quy mô sản xuất tất nhiên là mục tiêu hướng tới của công ty. Đầu năm nay chúng tôi đã thiết lập thêm một xưởng sản xuất mới, nhập thiết bị, máy móc hiện đại hơn nhằm phát triển, tự động hóa DN, nâng cao năng lực, đáp ứng đơn hàng của đối tác. Trong tương lai, ngoài những sản phẩm đã có trên thị trường, chúng tôi sẽ tham gia nghiên cứu, ứng dụng thêm các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống hiện đại. Yếu tố ứng dụng công nghệ sẽ là một trong những mấu chốt quan trọng.*
* Xin cảm ơn ông!
Trong một thế giới hội nhập, cơ hội học hỏi, ứng dụng công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu là rất lớn nhưng bản thân DN cần phải tự đổi mới mình để nâng cao năng lực sản xuất. Về phía Nhà nước, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất ngành hàng công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng. Nhân lực có thể đào tạo, bí quyết, công nghệ cũng học hỏi được song việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi khiến DN bỏ lỡ các cơ hội. Chúng tôi mong muốn Nhà nước dành nhiều ưu tiên hơn cho DN nhỏ và vừa, DN có các công nghệ cốt lõi thay vì quá ưu tiên khối DN ngoại. Cần tạo đòn bẩy để cộng đồng DN Việt lớn lên, hội nhập. |
Đào Lê (thực hiện)