Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất đầu tư tuyến đường sắt kết nối 2 sân bay

09:06, 25/06/2021

Để đón đầu cơ hội phát triển cũng như tạo mạng lưới kết nối giao thông cho cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, UBND TP.HCM đã đề xuất bổ sung phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối "siêu" sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.

Để đón đầu cơ hội phát triển cũng như tạo mạng lưới kết nối giao thông cho cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, UBND TP.HCM đã đề xuất bổ sung phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối “siêu” sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.

UBND TP.HCM kiến nghị thêm phương án làm đường sắt kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (ảnh minh họa)
UBND TP.HCM kiến nghị thêm phương án làm đường sắt kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành (ảnh minh họa)

* Chọn phương án đầu tư

Dự án đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công vào đầu tháng 1-2021. Theo dự kiến, vào cuối năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Để đáp ứng nhu cầu khai thác, cùng với việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối cho sân bay này đã được các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai thực hiện.

Theo Bộ GT-VT, đối với 5 quy hoạch ngành quốc gia gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được triển khai xây dựng, Bộ GT-VT có thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất các dự án cụ thể nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng và với sân bay Long Thành cũng như cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Về đường bộ, theo quy hoạch sẽ có 2 tuyến đường được đầu tư xây dựng mới để kết nối sân bay Long Thành gồm tuyến T1 và T2. Trong đó, tuyến T1 có chiều dài 3,8km sẽ có điểm đầu tư cổng phía Tây sân bay Long Thành kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối với đường tỉnh 25C. Tuyến T2 có chiều dài 3,5km có điểm đầu giao với tuyến số 1, kéo dài song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây sẽ là 2 trục giao thông đường bộ chính kết nối sân bay Long Thành với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM.

Về đường sắt, theo Viện Chiến lược và phát triển GT-VT (Bộ GT-VT), với các quy hoạch hiện có 2 tuyến đường sắt được đề xuất nghiên cứu để kết nối giao thông cho sân bay Long Thành gồm có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn TP.HCM - Nha Trang) và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành.

Để tăng cường khả năng kết nối giao thông từ đó khai thác hiệu quả sân bay Long Thành, trong dự thảo quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GT-VT, đơn vị tư vấn của Bộ GT-VT đã đề xuất thêm 2 phương án xây dựng tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất gồm: phương án 1, điều chỉnh, kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 4b (tuyến metro từ Thạnh Xuân - khu đô thị Hiệp Phước) và phương án 2, kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến metro Bến Thành - Tham Lương) để kết nối trực tiếp với nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, trong văn bản góp ý về dự thảo đang được xây dựng về quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cục Đường sắt Việt Nam mới đây, UBND TP.HCM cho rằng, phương án 1 sẽ tạo nên hành lang tuyến mới chưa có trong quy hoạch đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn. Đồng thời, việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 4b sẽ đi qua một số khu vực đông dân cư hiện hữu. Trong khi đó, đối với phương án 2 thì việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất đã được Bộ GT-VT phê duyệt ngày 19-2-2021. Ngoài ra, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được phê duyệt và đang trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, cần nghiên cứu hiện trạng quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất để làm rõ tính khả thi của phương án đề xuất.

Từ đó, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ GT-VT yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án tổ chức chạy tàu trực tiếp từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành thông qua tuyến đường sắt đô thị số 4b kéo dài. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ đi theo lộ giới là đường Phạm Văn Đồng, đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến vành đai 2 (nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức) và kết nối ray trực tiếp với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm  - sân bay Long Thành tại nút giao vành đai 2 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

* Sớm hoàn thành việc nghiên cứu

Trên thực tế, đối với giao thông đường sắt, hiện nay trong vùng Đông Nam bộ mới chỉ có 1 tuyến đang được khai thác là đường sắt Bắc - Nam. Trong khi đó, 2 tuyến đường sắt được dự kiến xây dựng mới đến năm 2020 là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng (dài 39km) và Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 84km) hiện vẫn chưa được triển khai. Điều này đã làm hạn chế khả năng kết nối giao thông đường sắt đối với sân bay Long Thành trong tương lai.

Do đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GT-VT vào cuối năm 2020, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ GT-VT sớm triển khai các thủ tục, mời gọi nhà đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc sớm triển khai các thủ tục để đầu tư tuyến đường sắt này rất thuận lợi. Tuyến đường sắt nhẹ kết nối 2 sân bay khi hoàn thành xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động. Về hình thức đầu tư, tuyến đường sắt nhẹ nối 2 sân bay có thể được triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ, sân bay Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuối tháng 2-2021, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, về đường sắt, có 2 dự án cần tập trung nghiên cứu nhanh nhất để có thể chuyển qua giai đoạn đầu tư gồm đường sắt nhẹ kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM và dự án đường sắt kết nối sân bay Long Thành xuống khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây là tuyến đường sắt chuyên dụng để đưa hàng xuất khẩu xuống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích