Trong khi một số cơ sở điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tập trung cấp huyện đang lúng túng trong việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện thì tại H.Thống Nhất, nhiều người đã cai nghiện ma túy thành công, tái hòa nhập cộng đồng nhờ sự nhạy bén, tích cực và nhiệt huyết trong công việc của đội ngũ y bác sĩ tại đây.
Trong khi một số cơ sở điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tập trung cấp huyện đang lúng túng trong việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện thì tại H.Thống Nhất, nhiều người đã cai nghiện ma túy thành công, tái hòa nhập cộng đồng nhờ sự nhạy bén, tích cực và nhiệt huyết trong công việc của đội ngũ y bác sĩ tại đây.
BS Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Thống Nhất, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 9 và Cơ sở điều trị nghiện ma túy cộng đồng tập trung H.Thống Nhất không chỉ khám, điều trị mà còn dành thời gian trao đổi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người điều trị nghiện. Ảnh: T.Tâm |
Trong đó, BS CKI Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Thống Nhất, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 9 và Cơ sở điều trị nghiện ma túy cộng đồng tập trung H.Thống Nhất là người tiên phong.
* Tận tâm với công việc
Ðến Cơ sở điều trị nghiện ma túy H.Thống Nhất đúng lúc BS Tuấn đang tập trung khám cho các bệnh nhân điều trị cai nghiện và uống methadone tại đây. BS Tuấn chia sẻ, ông kiêm nhiệm rất nhiều việc, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 gần đây diễn biến phức tạp nên ông vừa làm công tác quản lý, vừa khám bệnh, vừa triển khai tiêm ngừa vaccine cho các đối tượng ưu tiên nên lịch làm việc trong ngày luôn dày đặc.
BS Tuấn cho biết, trước tình hình người nghiện trên địa bàn ngày càng tăng và diễn biến phức tạp, chủ yếu là người trẻ nên UBND huyện đã thành lập Cơ sở điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Cơ sở có quyết định thành lập từ tháng 10-2018 nhưng do phải sửa sang và chuẩn bị phòng, trang thiết bị nên mãi đến tháng 6-2020 mới chính thức đi vào hoạt động và nhận những bệnh nhân đầu tiên. Ðến nay, cơ sở đã cai nghiện cho 26 người, tỷ lệ thành công khoảng hơn 50%.
BS Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Thống Nhất, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 9 và Cơ sở điều trị nghiện ma túy cộng đồng tập trung H.Thống Nhất cho rằng, để người nghiện cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng thì rất cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng xã hội. Gia đình cần phải luôn bên cạnh động viên, đừng từ bỏ con em mình, còn xã hội không nên xa lánh và các cơ quan ban, ngành cần có giải pháp để người nghiện có nguồn vốn hoặc công việc ổn định để họ không còn tái nghiện sau mỗi lần cai nghiện thành công. |
Cơ sở có thể tiếp nhận 15 người bệnh/đợt nhưng lần đông nhất chỉ có khoảng 5 người. Ðiều khó khăn nhất của các cơ sở là làm thế nào để người nghiện tự nguyện đến xin tham gia điều trị. Bởi lẽ, tâm lý chung của người nghiện ma túy là luôn mặc cảm, tự ti và lo sợ.
Ðể cai nghiện thành công, theo BS Tuấn cần rất nhiều yếu tố như: phải chọn lọc những người tự nguyện đến làm đơn xin tham gia chữa trị vì chỉ có tự nguyện thì họ mới chấp hành nghiêm chỉnh phác đồ điều trị. Gia đình của bệnh nhân phải phối hợp với nhân viên y tế trong việc giúp đỡ người nghiện về mọi mặt. Ðặc biệt, đội ngũ y bác sĩ phải luôn tận tâm, dành thời gian thuyết phục, an ủi và chia sẻ những khó khăn mà bệnh nhân đang gặp phải thì mới có thể giúp họ hoàn thành phác đồ điều trị nghiện thành công.
“Có nhiều người trong quá trình điều trị đã bỏ trốn hoặc xuất hiện hội chứng cai như: la hét, đập phá đồ đạc, thậm chí là muốn hành hung nhân viên y tế. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho họ sử dụng thuốc theo phác đồ và kiên nhẫn, giải thích, khuyên bảo thì dần họ hiểu ra vấn đề và tỉnh táo hơn. Việc cai nghiện tại cơ sở hiện nay chỉ thành công khoảng 50% nhưng kết quả đó là sự nỗ lực của cả tập thể và của cả người bệnh”- BS Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, theo y sĩ Ðoàn Thuận An, tư vấn công tác cai nghiện tại cơ sở, để giúp người cai nghiện có môi trường lành mạnh, cơ sở đã trang bị đầy đủ máy móc, dụng cụ thể thao để họ rèn luyện sức khỏe. Ðồng thời có lúc sẽ cho người bệnh ra khu vực sân để thoải mái, thư giãn, tránh gây ức chế cho họ.
“Chúng tôi không quá khắt khe và luôn cung cấp thuốc kịp thời theo đúng phác đồ điều trị. Chúng tôi cũng tạo ra một cuốn nhật ký chung của những người được điều trị tại đây để họ viết tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của bản thân trong quá trình điều trị hoặc đã hoàn thành việc điều trị” - y sĩ An cho biết thêm.
* Xem bệnh nhân như người thân
BS Tuấn từng gắn bó với công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn H.Thống Nhất 26 năm, trải qua nhiều vị trí và cương vị khác nhau. Ở vai trò nào, BS Tuấn cũng nỗ lực vượt khó, tìm tòi học hỏi, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao vì muốn góp phần xây dựng nền y tế huyện nhà ngày càng chất lượng, nâng mức độ hài lòng cùa người dân, bệnh nhân.
Từ năm 1995, BS Tuấn làm việc tại Trạm y tế Nông trường cao su Bình Lộc (H.Thống Nhất). Ðến năm 2010, ông xin chuyển công tác về Bệnh viện Ða khoa Dầu Giây. Ðến năm 2011, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc rồi Giám đốc của Trung tâm Y tế dự phòng H.Thống Nhất. Sau khi Trung tâm Y tế huyện sáp nhập với Bệnh viện Ða khoa Dầu Giây, ông giữ chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Thống Nhất.
Ðến năm 2018, khi UBND huyện thành lập Cơ sở điều trị nghiện ma túy cộng đồng tập trung thì BS Tuấn kiêm luôn việc điều trị cho người cai nghiện ma túy trên địa bàn và cũng phụ trách chuyên môn tại Cơ sở điều trị methadone số 9. Quan niệm của BS Tuấn là phải xem bệnh nhân như người nhà thì mới thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm để giúp họ từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Do đó, hình ảnh của BS Tuấn khá quen thuộc với nhiều người nghiện ma túy trên địa bàn huyện.
“Từ ngày kiêm nhiệm thêm nhiều việc, tôi ít còn thời gian dành cho gia đình, thậm chí những bữa cơm chung với vợ con cũng trở nên hiếm hoi. Thế nhưng, tôi rất vui vì tại địa phương đã triển khai điều trị nghiện ma túy để giúp người nghiện trên địa bàn đoạn tuyệt dần với ma túy, làm lại cuộc đời” - BS Tuấn tâm sự.
Vừa khám bệnh cho người nghiện, BS Tuấn vừa hỏi chuyện rất chân tình và thân thiện về những khó khăn và nguyện vọng của từng bệnh nhân. Bất cứ lúc nào, bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe, kể cả đêm khuya, ông cũng phải trực tiếp đến để giúp đỡ họ điều trị hoặc tư vấn cách xử trí qua điện thoại.
Anh V.T.H. (ngụ xã Lộ 25, H.Thống Nhất) kể lại, khi mới vào điều trị tại Cơ sở điều trị, nghiện ma túy cộng đồng tập trung huyện, vì mặc cảm và tự ti, chán nản nên anh muốn từ bỏ điều trị, nhưng khi được nhân viên y tế và nhất là BS Tuấn thường xuyên động viên, giúp đỡ anh điều trị, cắt cơn giải độc, anh đã dần hồi phục sức khỏe, vực dậy tinh thần và quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
“Tôi thật sự rất cảm ơn đội ngũ y bác sĩ của cơ sở điều trị nhất là BS Tuấn đã giúp đỡ, điều trị, cho tôi rất nhiệt tình. Tôi sẽ cố gắng không tái nghiện để không phụ sự kỳ vọng của những người đã giúp đỡ tôi cai nghiện đợt này” - anh H. cho biết.
Không chỉ giúp người nghiện ma túy mà BS Tuấn còn thường xuyên trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm trong quá trình điều trị bệnh cho các đồng nghiệp trẻ. Theo y sĩ đa khoa Vũ Minh Hưng, tư vấn viên tại Cơ sở điều trị methadone số 9, BS Tuấn rất gần gũi, không chỉ thường xuyên chia sẻ về chuyên môn, kinh nghiệm trong quá trình điều trị nghiện mà còn là tấm gương về y đức, chữa bệnh, điều trị cho người nghiện không chỉ bằng thuốc mà còn bằng cả trái tim, tình yêu thương và sự cảm thông, chia sẻ.
Tố Tâm