Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đối với xã hội nói chung, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) nói riêng.
Ảnh: M.Ny |
Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đối với xã hội nói chung, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) nói riêng.
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 - 28-6-2021), Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình (ảnh) xung quanh công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ ở Đồng Nai.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
* Xin bà cho biết những kết quả nổi bật trong công tác gia đình và phòng chống BLGĐ ở Đồng Nai thời gian qua?
- Công tác gia đình và phòng, chống bạo lực ở Đồng Nai trong 20 năm qua đã có nhiều dấu ấn và kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng được phần mềm thu thập số liệu về công tác gia đình và đã có chế độ hỗ trợ cho cán bộ gia đình - trẻ em cấp xã, phường.
Chương trình xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh hằng năm luôn đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Nếu như năm 2001 toàn tỉnh chỉ có 59,07% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến năm 2020 số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 98,98%. Đến nay, toàn tỉnh có: 823 CLB gia đình phát triển bền vững; 948 nhóm phòng, chống BLGĐ; 59 CLB Nam giới nói không với BLGĐ; 1.101 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 170 điểm tạm lánh. Website của Sở duy trì Góc tư vấn gia đình, hoạt động 24/24 giờ. Các mô hình đã phát huy được hiệu quả, số vụ BLGĐ giảm theo từng năm.
* Xây dựng gia đình văn hóa là một trong 13 chương trình của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hiệu quả của việc đăng ký và bình xét gia đình văn hóa hằng năm có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
- Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay ở cơ sở. Hằng năm, Sở VH-TTDL - Chủ nhiệm chương trình 4 về xây dựng gia đình văn hóa đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạt động cũng như bình xét danh hiệu vào cuối năm. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều gia đình có 3, 4 thế hệ sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt, là tấm gương về sự yêu thương và chia sẻ, về sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Qua đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào, hỗ trợ tích cực cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống lành mạnh, chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Chị Phạm Thị Liễu, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tham gia hội thi ảnh đẹp cùng gia đình (ảnh tư liệu). Ảnh: PHÒNG VH-TT LONG KHÁNH |
* Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xây dựng gia đình văn hóa hiện nay ở Đồng Nai vẫn còn những khó khăn. Việc tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng là ở một số địa phương, việc tổ chức đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc vẫn còn mang tính hình thức. Thực tế, có những gia đình rất ý thức, quý trọng và nỗ lực để đạt được danh hiệu gia đình văn hóa, thế nhưng cũng có nhiều gia đình còn bàng quan và không quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương chưa thực hiện tốt, việc nêu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong phong trào chưa được coi trọng. Bối cảnh đời sống 4.0 cũng đang tác động tiêu cực đến đời sống của mỗi gia đình thời hiện đại. Tình trạng ly hôn, BLGĐ, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình, xâm hại trẻ em… vẫn diễn biến khá phức tạp.
Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí gia đình
* Thưa bà, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Văn hóa đã có kế hoạch và chuyển đổi hình thức tổ chức các hoạt động, sự kiện trên lĩnh vực xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình như thế nào?
- Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, do đó ngành Văn hóa đã linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức phù hợp với thực tế, đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch theo quy định. Trong đó, ngành chú trọng truyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan bằng pa-nô, băng rôn, tờ rơi, quay tiểu phẩm phát hành xuống cơ sở; tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề gia đình… nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Riêng trong ngày 28-6 năm nay, Sở sẽ triển khai tập huấn chuyên đề Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam, sử dụng phầm mềm Zoom kết nối trực tuyến. Dữ liệu sau tập huấn sẽ được đưa lên YouTube. Riêng các địa phương, tùy vào điều kiện và hoàn cảnh sẽ xây dựng nhiều kế hoạch hoạt động khác nhau như: tổ chức cuộc thi ảnh đẹp gia đình; thành lập các mô hình gia đình và phòng, chống bạo lực…
Anh Vũ Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cùng dạy con học bài |
* Những thông điệp gửi đến các gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp các gia đình quan tâm, thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng hạnh phúc, thưa bà?
- Mỗi năm, ngành Văn hóa thường chọn một chủ đề, thông điệp ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn, giáo dục để hướng đến mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chủ đề năm nay là Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc nhằm khơi dậy những giá trị tốt đẹp của gia đình, giúp mọi người quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn và những người neo đơn; giúp các cặp vợ chồng hiểu được giá trị mái ấm, cùng nhau vượt qua sóng gió, vượt qua dịch bệnh để có một gia đình bình an và hạnh phúc. Ngoài quan tâm, sẻ chia còn nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
* Thưa bà, để công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ tiếp tục đạt được hiệu quả cao, thời gian tới ngành Văn hóa tập trung vào những nội dung gì?
- Thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Triển khai các hoạt động với nhiều hình thức sinh động, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn; duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình cũng như có những cách tiếp cận mới, mạnh dạn tháo gỡ những vướng mắc để tạo sự đột phá trong công tác quản lý gia đình.
Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ cho cán bộ gia đình - trẻ em, thành viên nhóm phòng, chống bạo lực. Tranh thủ các nguồn lực của nhà nước, nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân…Cái đích lớn nhất là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
* Xin cảm ơn bà!
Để phong trào Xây dựng gia đình văn hóa thực sự phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu, việc nâng cao nhận thức cho mỗi người, mỗi gia đình về ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa là việc làm hết sức quan trọng. Trước hết, mỗi gia đình cần phát huy những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái. Người lớn phải luôn gương mẫu để con cháu học tập noi theo. Riêng các địa phương được thí điểm cần thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đây là cơ sở để Đồng Nai nhân rộng việc thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình thời gian tiếp theo. Qua đó, góp phần tôn vinh, lan tỏa các chuẩn mực đạo đức, văn hóa; xây dựng gia đình thực sự là một tổ ấm cho mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. |
My Ny (thực hiện)