Báo Đồng Nai điện tử
En

Sài Gòn, còn thương thì về! của Tống Phước Bảo

07:06, 25/06/2021

Sài Gòn, còn thương thì về! là tác phẩm của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, chứa nhiều trang viết thấm đẫm tình cảm về vùng đất đô thị cùng bao câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện đối nhân xử thế văn minh, nghĩa tình của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung.

Sài Gòn, còn thương thì về! là tác phẩm của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, chứa nhiều trang viết thấm đẫm tình cảm về vùng đất đô thị cùng bao câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện đối nhân xử thế văn minh, nghĩa tình của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung.

Tập tản văn - truyện ngắn Sài Gòn, còn thương thì về!
Tập tản văn - truyện ngắn Sài Gòn, còn thương thì về!

Nhà văn Tống Phước Bảo (bút danh Trúc Thiên) trong năm ngoái 2020 đoạt liền hai giải nhất văn chương: giải nhất cuộc thi viết tạp bút chủ đề Thành phố tôi yêu do Báo Thanh niên tổ chức và giải nhất cuộc thi viết tạp bút chủ đề Quê nhà dấu yêu do tập san Áo trắng tổ chức.

Tống Phước Bảo ra mắt tác phẩm Sài Gòn, còn thương thì về! (NXB Đà Nẵng và TYM Book&Media) với những trang viết mang tính tâm sự, trải lòng của một tác giả có óc quan sát tỉ mỉ và những chiêm nghiệm lắng đọng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều tỉnh, thành, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của bao người.

“Nếu bạn thương mảnh đất này, sống một cuộc đời tử tế và thiện lành, thì tin tôi đi, thành phố sẽ đền đáp bạn bằng sự bao dung, sự thảo thơm và cả niềm hạnh phúc...” - Tống Phước Bảo chia sẻ nguồn cảm hứng khi anh thực hiện tập tản văn, truyện ngắn mới nhất trong cuộc trao đổi với Đồng Nai cuối tuần.

* Sách ra giữa mùa giãn cách Covid-19, hẳn sẽ có “liều thuốc” tinh thần nào đó dành cho độc giả?

- Vâng. Cuốn sách như mang một thông điệp đến với những ai yêu thương Sài Gòn - TP.HCM cũng như mọi thành phố, địa phương trên cả nước đang phòng, chống dịch bệnh. Thành phố đang đi qua những ngày giãn cách. Và sách đối với bạn đọc mùa này chính là người bạn. Bạn đọc cần những “liều thuốc” tinh thần thông qua những giá trị mà sách đem đến.

Chọn một quyển sách hay, một tác giả mình yêu thích, và rồi lắng đọng theo câu chữ trong trang sách, chúng ta biết sống chậm lại, biết ngẫm nghĩ những gì đang diễn ra mà lắm lúc bình thường cơm áo gạo tiền xoay vòng chúng ta chưa kịp nhận ra. Đôi khi sự đọc sẽ giúp chúng ta thư thái hơn giữa những bủa vây trĩu nặng của mùa giãn cách.

Ngay cả khi dịch bệnh dai dẳng kéo dài, có vẻ anh vẫn lạc quan khi trải lòng trên trang viết?

- Tôi xin mượn những dòng tự sự trong tản văn Cà phê lóc cóc, tán dóc mùa dịch để trả lời câu hỏi này. “Cuộc chiến với dịch bệnh này, là một cuộc chiến dai dẳng chưa có hồi kết. Nhưng trên hết, chúng ta vẫn luôn hằng ngày đọc và nghe những câu chuyện ấm áp về những “thiên thần áo trắng” (y bác sĩ, những người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh). Mình vẫn tin, thiên thần sẽ đẩy lùi và tiêu diệt được con virus tàn phá nhân loại này. Bởi vốn dĩ thiên thần luôn biết cứu rỗi nhân gian đúng lúc nhất. Mọi câu chuyện cổ tích vẫn luôn có cái kết tốt đẹp.

Chúng ta lớn rồi, đi bao ngả đường, gặp bao người lạ, nghe bao chuyện thật, thấy bao điều giả. Nên hầu như chẳng còn tin vào cổ tích giữa đời thường này. Nhưng, ngay bây giờ, lúc mà lòng mình nhiều xáo động nhất, lúc mà niềm tin và hy vọng cần được hun đúc nhất. Chúng ta có quyền tin vào cổ tích giữa đời thực. Mọi câu chuyện kể đều có ý nghĩa của nó. Mọi cổ tích đều có thể thành hiện thực, nếu chúng ta dành cho nó niềm tin thành toàn và vẹn nguyên nhất”.

* Chúng ta sẽ chọn một tâm thái ra sao để vượt qua Covid-19, theo anh?

- Covid-19 như cơn lốc ào đến khiến cuộc sống thay đổi. Nhiều bài học được tìm thấy sau cơn dịch, song nhiều yêu thương cũng từ đó được góp nhặt. Với một người trẻ, thì bài học mà Covid-19 để lại chính là sự bình tĩnh chấp nhận một cuộc sống “bình thường mới”. Đồng thời sống tử tế với chính bản thân mình, với những người thân gần và cộng đồng.

Tôi đã dành thời gian nghỉ ngơi, đọc sách, ăn cơm cùng cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa, học cách chăm sóc hoa lá trong vườn, tự tay nấu vài món ăn để cùng ăn với gia đình, kết nối được với nhiều bạn bè xưa cũ bằng mạng xã hội. Đó là những điều mà ngày thường vì công việc bận rộn, chúng ta “quên” và chưa thể làm được.

Giãn cách xã hội buộc con người phải thích nghi một cách tốt nhất. Đó là dành cho mình những khoảng lặng để nghỉ ngơi, biết nghĩ về gia đình và bạn bè nhiều hơn, biết phân bổ thời gian trong ngày hợp lý hơn. Bằng tâm thế đó, hy vọng cả bạn và tôi cùng đi qua thời giãn cách, đi qua cơn dịch bệnh này nhanh chóng.

* Hẳn anh đã rất yêu nơi mình đang sống nên viết về đời sống đô thị với nhiều chi tiết sống động và dạt dào tình cảm như thế?

- Như đã viết trong sách Sài Gòn, còn thương thì về!, tôi tâm niệm “trên đời này chẳng gì là vô nghĩa”. Mỗi cuộc gặp trong đời, những hợp - tan của kiếp người đều xoay quanh chữ “duyên”. Mỗi sớm mai thức dậy, thành phố chào nhau bằng con số ca bệnh Covid-19 tăng lên. Nhưng thị dân lại thương nhau bằng những sẻ chia thực tế hữu ích nhất. Thành phố cứ lặng lẽ dìu nhau, cứ chung lòng gắn bó và cứ “thương người như thể thương thân”. Mình sống được thì người ta cũng sống được. Ai ai cũng một ý niệm như thế, nhất là những ngày khó khăn này!

Rồi mình sẽ đi qua những ngày giãn cách này bằng một tâm thế an tĩnh nhất! Bởi quá nhiều sự sẻ chia đang dần lan tỏa trong mọi ngóc ngách hẻm xóm nơi thị thành này. Người Sài Gòn lúc nào cũng vậy, càng thiếu khó, lại là lúc sự đùm bọc bừng sáng, nảy nở như đóa hoa mọc giữa khô cằn nắng cháy.

* Xin cảm ơn anh!

Thời Covid-19: Người biết thương người

Chúng ta lại bắt đầu bước vào đợt cách ly tiếp tục nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và cho xã hội. Chiều nay, nhiều người bạn bắt đầu than vãn về sự bức bối và mệt mỏi khi phải bó gối ở nhà đã suốt 15 ngày. Tuy nhiên, ai cũng ý thức được sự quan trọng của việc lây lan cộng đồng nên đều thực hiện tiếp đợt cách ly mới. Tâm lý cũng đã dần quen với việc này. Nhưng, thật ra trong câu chuyện vẫn đau đáu nỗi lo mưu sinh sau dịch.

Thành phố đón nhiều lưu dân tứ xứ về đây mưu sinh. Mỗi một người là một câu chuyện về số phận và hành trình. Vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh bôn ba, khốn khó. Những người bạn miền Tây của tôi vẫn bám trụ Sài Gòn, vẫn cố gắng làm gì đó để ra tiền trong những ngày này, mót được đồng nào để sống, là chia ngay về dưới quê. Nghe xong, thấy thương rưng rức. Có đứa đồng nghiệp, về quê tránh dịch được 1 tuần đã vội vã chạy lên Sài Gòn để tìm công việc.

Mình vẫn tin, những con sông rồi sẽ thôi đau, lòng người vẫn dạt dào sẻ chia. Mình vẫn tin một điều thiện lành, người luôn biết thương người. Người luôn biết vì nhau mà sống. Cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng, những bữa cơm từ thiện, những món đồ nhu yếu phẩm hằng ngày đang được trao đi một cách miệt mài. Hành động ấy ngày càng nở rộ như một mùa hoa thiện lành bát ngát trong cơn đại dịch.

Mùa dịch này, chắc chắn sẽ đi qua, nhưng cái nó để lại trong lòng mình, không chỉ là sự bàng hoàng của một vết xước trong cuộc đời, mà rất có thể, cơn đại dịch sẽ bắt đầu nhen lên trong lòng mỗi chúng ta, một ngọn lửa ấm áp về tình thương giữa người và người, với nhau!

Tác giả Tống Phước Bảo

Cẩm Điệp (thực hiện)

Tin xem nhiều