Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào

08:06, 25/06/2021

Tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau đã trở thành truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Ðó là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt với sự đoàn kết cộng đồng từ những ngày bình minh của lịch sử dân tộc đến những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Ðặc biệt, càng đứng trước những khó khăn, gian nan, thiên tai, dịch bệnh... thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại càng rõ nét.

Tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau đã trở thành truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Ðó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt với sự đoàn kết cộng đồng từ những ngày bình minh của lịch sử dân tộc đến những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Ðặc biệt, càng đứng trước những khó khăn, gian nan, thiên tai, dịch bệnh... thì tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại càng rõ nét.

Công ty Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành (Đồng Nai) ủng hộ 500 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19
Công ty Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành (Đồng Nai) ủng hộ 500 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19. Ảnh: TTXVN

* Truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có thể thấy sức mạnh của tình đoàn kết, bùm bọc, yêu thương lẫn nhau có vai trò hết sức quan trọng. Ðiều này không chỉ cho thấy chiều sâu, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn là sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua biết bao gian nguy, thử thách. Và tinh thần tương thân tương ái ấy như sẵn có, vẫn luôn bền bỉ chảy trong dòng máu mỗi người Việt Nam. Trên dải đất bên bờ biển Ðông đã trải qua vô vàn gian nan, thử thách đã tôi luyện và hun đúc tinh thần đoàn kết cộng đồng, gắn kết với nhau bởi hai tiếng đồng bào. Ðể truyền thống ấy được tiếp nối, lan tỏa, ngay từ những khúc hát ru lúc mới lọt lòng đến khi làm quen với con chữ, mỗi người chúng ta đều thấm nhuần những câu ca dao, tục ngữ như “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Lá lành đùm lá rách” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”...

Nhấn mạnh Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19: “Đất nước chúng ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội. Thay mặt Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tôi kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội. Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim...”.

Sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau thể hiện rõ nét nhất khi đất nước phải đối mặt với những khó khăn, khi đứng trước những mất mát, đau thương bởi đói nghèo, chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh... Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, trước những thiếu thốn, gian khổ, đói rét ấy, tình đồng chí, đồng đội, đồng bào lại thắm đượm khi đồng cam cộng khổ, “củ sắn chia đôi”, “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng”...

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta đã trở thành một nước độc lập. Chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành. Trước tình thế đó, trong bức thư gửi đồng bào toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. Rồi Bác kêu gọi: “Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó để cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi của Người đã nhanh  chóng  được  nhân  dân khắp cả nước hưởng ứng, cùng gom góp, chia sẻ để vượt qua nạn đói. Từ “hũ gạo cứu đói” của Bác, rất nhiều mô hình sẻ chia, giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn được ra đời, duy trì cho đến ngày nay. Mỗi giai đoạn, bối cảnh, những phong trào hỗ trợ người khó khăn có khác nhau về tên gọi, hình thức song bản chất vẫn là tinh thần tương thân tương ái, sự đùm bọc, gắn kết lẫn nhau.

* Sức mạnh trong cuộc chiến chống Covid-19

Những ngày này, dịch bệnh Covid-19 đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới khi con số người nhiễm bệnh đã lên đến trên 180 triệu người. Ðất nước ta cũng đang trong những ngày căng mình chống lại đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm trong cộng đồng đang có xu hướng tăng lên. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, và những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội lại càng dễ bị tác động, tổn thương. Ðây cũng là thách thức, khó khăn lớn nhất mà đất nước ta phải trải qua trong thời điểm này. Trước cuộc chiến đầy cam go với dịch bệnh và lời hiệu triệu “chống dịch như chống giặc”, một lần nữa truyền thống quý báu tương thân tương ái của dân tộc lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ðó là những hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng “chia lửa” với những địa phương đang là tâm dịch; là việc san sẻ đồ ăn, thức uống cho người dân trong các khu cách ly, phong tỏa; là cùng nhau hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con những địa phương có dịch hay những đóng góp thiết thực cho Quỹ Vacine phòng, chống Covid-19 từ những doanh nghiệp lớn, nhỏ đến những học sinh, người lao động... Chị Lê Thị Hằng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khi Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19, là người lao động không có điều kiện để đóng góp nhiều nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp cũng đã nhắn tin ủng hộ quỹ. Mỗi người cùng chung tay thì hiệu quả sẽ cao hơn, mong rằng sẽ sớm có nguồn vaccine tiêm cho mọi người dân để tiến tới miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh”.

Các tình nguyện viên chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang...để trao tặng người dân, khu nhà trọ, khu vực cách ly y tế trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Tuổi trẻ Đồng Nai
Các tình nguyện viên chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang...để trao tặng người dân, khu nhà trọ, khu vực cách ly y tế trên địa bàn tỉnh. Nguồn: Tuổi trẻ Đồng Nai

Ở Ðồng Nai từ khi dịch bùng phát đến nay, thông qua MTTQ các cấp, đã có rất nhiều nguồn lực được các đơn vị, doanh nghiệp và người dân đóng góp nhằm chung tay phòng chống dịch. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính từ đợt phát động cao điểm ngày 27-5 đến 19-6, Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã tiếp nhận trên 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó là rất nhiều mô hình, phong trào ý nghĩa cùng chung tay chia sẻ khó khăn với người dân vùng tâm dịch trong cả nước và những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong tỉnh như: ATM gạo, Siêu thị 0 đồng, Bữa cơm 0 đồng... Không chỉ các đơn vị, tổ chức tham gia thực hiện mà mỗi người dân cũng đã chung tay để san sẻ yêu thương với những người xung quanh, tùy vào điều kiện, khả năng của mình. Hay trong những ngày qua, thông qua nhiều kênh khác nhau, hàng chục tấn vải thiều của nông dân Bắc Giang đã được đưa về Ðồng Nai tiêu thụ để hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, ổn định kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong quá trình phát triển của đất nước, cùng với những thành tựu sẽ luôn có không ít khó khăn, thách thức đan xen và tinh thần đoàn kết dân tộc vẫn là sức mạnh nội sinh cần thiết. Với cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang “nóng” từng ngày, cùng với các giải pháp, chiến lược trong chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ, ngành y tế thì tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái sẽ góp thêm sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh, để nhân dân cả nước trở về với cuộc sống bình yên, an toàn.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều