Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem tranh về hành trình Cà Nóng chu du Trường Sa

07:06, 25/06/2021

Những bức tranh vẽ tuyệt đẹp và rất đáng yêu dành cho "cả trẻ em lẫn người lớn" đều có thể thưởng thức được của họa sĩ Đinh Nguyên Hoàng minh họa về một hành trình đến với quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam lần đầu tiên được công bố trong ấn phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa của nhà văn trẻ Bùi Tiểu Quyên.

Những bức tranh vẽ tuyệt đẹp và rất đáng yêu dành cho “cả trẻ em lẫn người lớn” đều có thể thưởng thức được của họa sĩ Đinh Nguyên Hoàng minh họa về một hành trình đến với quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam lần đầu tiên được công bố trong ấn phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa của nhà văn trẻ Bùi Tiểu Quyên.

Bộ tranh của họa sĩ Đinh Nguyên Hoàng góp phần tái hiện sinh động cho truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng ấn hành tháng 6-2021) mà tác giả Bùi Tiểu Quyên sáng tác dựa trên nguồn cảm hứng dạt dào từ chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa năm 2019 của chị. Tiểu Quyên thổ lộ “muốn viết một cuốn sách dành riêng cho Trường Sa và phải mất nhiều tháng suy nghĩ, cuối cùng, tôi chọn viết cho những người bạn nhỏ”.

“Tôi mong rằng truyện dài và bộ tranh Cà Nóng chu du  Trường Sa sẽ giúp bạn nhỏ, bạn trẻ thêm ít nhiều hiểu biết về biển cả, tự nhiên, muôn loài và quần đảo Trường Sa...” - nhà văn Tiểu Quyên bày tỏ.

Tác giả Tiểu Quyên (hiện là phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) đã chọn ngôi thứ nhất kể chuyện là... một chiếc máy ảnh tên là Cà Nóng, đi theo “cô chủ phóng viên” lên tàu tham gia chuyến hải trình đặc biệt thăm Trường Sa. Trong chuyến phiêu lưu kỳ thú này, Cà Nóng đã ngẩn ngơ khi chứng kiến những khung cảnh kỳ vĩ của trời biển, những đảo chìm đảo nổi, những nhà giàn giữa biển khơi. Cà Nóng cũng may mắn gặp gỡ bao nhân vật đặc biệt khi đặt chân lên các điểm đảo, trải nghiệm bao câu chuyện lý thú bất ngờ trong suốt hành trình...

Câu chuyện chân thực và sáng tạo, kèm theo bộ tranh minh họa bắt mắt xoay quanh “nhân vật” Cà Nóng cùng nhiều nhân vật tinh nghịch, dễ thương khác đã góp phần giúp công chúng khám phá nét đẹp tuyệt vời của biển đảo quê hương. Đồng thời, hiểu hơn về những cột mốc lịch sử thiêng liêng mà các bậc tiền nhân giữ gìn nơi biển đảo của Tổ quốc.

Mời bạn đọc thưởng thức những bức tranh tiêu biểu, chọn lọc từ bộ tranh với chú thích của chính nhà văn Bùi Tiểu Quyên.

Ở quần đảo Trường Sa có một đảo chìm mang tên Tiên Nữ. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa, biển thường xuyên có sóng to gió lớn, những cơn bão liên tục và bất ngờ đánh đắm rất nhiều tàu thuyền. Thiên đế đã cử một nàng tiên xuống trần bảo vệ biển Đông. Sau khi thần Biển lui binh, nàng cũng quyết định ở lại cùng biển cả. Nàng hóa thân thành dải san hô lấp lánh giữa biển khơi. Thương nàng, Thiên đế đã ban cho nàng một ân huệ - đúng theo nguyện vọng của nàng: nơi nàng sống sẽ được nhìn thấy tia nắng đầu tiên trong ngày. Đó chính là đảo Tiên Nữ ngày nay. Và Cà Nóng - một chiếc máy ảnh đã được đến với Tiên Nữ đảo vào một ngày tháng Tư nắng hồng trên biển...

Ba chiếc máy ảnh Cà Nóng, Ni, và So đã được cùng nhau đến thăm quần đảo Trường Sa. Hải trình 9 ngày đêm trên biển cả, các cậu máy ảnh đã được chứng kiến bao điều mới lạ, kỳ vĩ và thiêng liêng nơi đầu sóng. Từ khoảnh khắc chào cờ tạm biệt bến cảng, chiếc tàu KN290 của Cục Kiểm ngư Việt Nam đã đưa cả đoàn đến với Trường Sa. Trên biển, ba chàng máy ảnh được tận mắt nhìn thấy hải âu, cá heo, những dải cát nổi, chinh phục biển đêm, ngắm bầu trời đầy trăng sao và chìm đắm vào những mộng ước...

Sau khi được chạm vào những thân cây phong ba, bàng vuông rắn rỏi trên đảo Song Tử Tây, Cà Nóng đã có một cuộc gặp gỡ khó quên với lão Ca già, trên đảo Sơn Ca. Một mối thâm tình giữa máy ảnh - lão chim hay là giữa đất liền - biển đảo được kết nối trong cuộc trò chuyện cảm động và quý giá này. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - câu khẩu hiệu của hải quân Việt Nam, cũng như dành cho lão Sơn Ca già tận trung với đảo.

Trong giấc mơ của Cà Nóng là cuộc ngược dòng thời gian trở về với triều vua Gia Long thứ XV - khi hải đội Hoàng Sa được triều đình nhà Nguyễn cử ra quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm nhiệm vụ cắm cột mốc chủ quyền, bảo vệ ngư dân và thu nhặt sản vật trên biển. Một cuộc dấn thân vào nơi nguy hiểm nhưng đẹp đẽ đã cho Cà Nóng và Ni có được trải nghiệm kỳ diệu và ý nghĩa cùng hải đội Hoàng Sa, chạm đến những tầng cảm xúc thiêng liêng rung động nhất, và cũng thấm thía cái gọi là tình yêu thương, tình bạn, tình đồng đội...

Để có một món quà làm kỷ niệm với người bạn gái Meica, thằng So đã nhờ Cà Nóng tư vấn. Có thể mang về món quà nào từ Trường Sa thân yêu? Đá trắng, quả bàng vuông hay như cây phong ba? Tất cả đều không thể. Vậy cuối cùng, món quà của So sẽ là gì? Dưới gốc cây bàng vuông, Cà Nóng đã có một lời gợi ý vô cùng bất ngờ và cũng vô cùng ý nghĩa dành cho người bạn lãng tử. “Món quà của thằng So” là một chương được viết trong tác phẩm, có thể cũng là điều bất ngờ cho bạn đọc.

Lần đầu tiên, những chiếc máy ảnh được tham gia vào lễ thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Đó là cảm giác mà Cà Nóng không thể nào quên được. Trường Sa tháng Tư là những ngày nắng cháy, vậy mà, lạ lùng là khi lễ tưởng niệm diễn ra vài phút, mây đen bỗng đâu kéo đến, che kín bầu trời. Phía biển, tràng hoa như đứng yên cùng con nước. Nhiều người đã rơi nước mắt...

Trong hải trình Trường Sa, Cà Nóng có được những người bạn tốt bụng là Ni và So - một chiếc máy ảnh thích chụp ảnh thiên văn và một chiếc thích chụp ảnh môi trường. Ngoài ra còn có cô bạn nhỏ tên Meica, là một chiếc máy ảnh chụp bằng phim. Cô chủ của Cà Nóng là phóng viên công tác tại một tòa soạn báo lớn ở thành phố. Chủ của Ni và So cũng vậy. Con người đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa trong suốt chuyến hải trình đến thăm các điểm đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Nam, Đá Thị, Đá Lát, Tiên Nữ, Cô Lin...và nhà giàn DK1/21 trên thềm lục địa phía Nam. Ngày trở về, tất cả chụp cùng nhau một bức ảnh kỷ niệm, rưng rưng khi biết rằng có thể rất lâu mới có thể được một lần trở lại nơi đầu sóng. Bởi Trường Sa cách đất liền hàng trăm hải lý, trùng điệp mù khơi. Nhưng, tất cả sẽ luôn khắc ghi Trường Sa mãi mãi trong trái tim mình.

Long Khánh

Tin xem nhiều