Báo Đồng Nai điện tử
En

'Bán' cảm xúc cho người tiêu dùng

10:07, 03/07/2021

Tôi có đồng cảm sâu sắc về bài viết của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan Nhà báo đừng viết bài báo bằng ngôn ngữ nghị quyết (Báo Nông Nghiệp Việt Nam online ngày 21-6-2021). Trong đó, tôi đặc biệt tâm đắc với một đoạn trong bài viết: "Chúng ta không chỉ bán trái nho, trái quýt một cách thuần túy mà bán cả văn hóa của người sản xuất, văn hóa vùng miền, văn hóa địa phương ở trong sản phẩm và bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng".

Tôi có đồng cảm sâu sắc về bài viết của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan Nhà báo đừng viết bài báo bằng ngôn ngữ nghị quyết (Báo Nông Nghiệp Việt Nam online ngày 21-6-2021). Trong đó, tôi đặc biệt tâm đắc với một đoạn trong bài viết: “Chúng ta không chỉ bán trái nho, trái quýt một cách thuần túy mà bán cả văn hóa của người sản xuất, văn hóa vùng miền, văn hóa địa phương ở trong sản phẩm và bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng”.

Đã đến lúc chúng ta không chỉ bán sản phẩm một cách thuần túy mà còn bán cả cảm xúc cho người tiêu dùng. Tôi xin kể vài câu chuyện có liên quan đến ý tưởng tuyệt vời này của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

1. Những năm còn công tác ở Đồng Nai, thỉnh thoảng các anh em làm chung rủ nhau đi ăn sáng, uống coffee. Mỗi lần mời ai đi ăn, tôi đều mời họ ăn bún bò Huế ở quán nhỏ có vẻ hơi tồi tàn trên đường Hà Huy Giáp, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Lần nọ, mời một số anh em, trong đó có nhà thơ Đàm Chu Văn. Anh Đàm Chu Văn bảo tôi: “Kiên sao lần nào cũng thích ra cái quán đó, mình thấy cái quán đó quá nhỏ và có vẻ hơi lụp xụp, bún thì cũng không phải đặc biệt gì”. Tôi trả lời anh sở dĩ tôi thích quán đó không phải chỉ vì tô bún bò thuần túy. Nếu muốn ăn bún bò ngon hẳn là tôi sẽ không chọn quán đó vì không thiếu quán rộng rãi, thoáng mát mà còn ngon hơn. Tôi mời anh em ăn ở đó không chỉ ăn bún bò mà còn mời thưởng thức cả hồn cốt của quán. Chả là, quán nhỏ đó do vợ chồng một chú đã lớn tuổi người Huế, nói giọng Huế bán. Điều đặc biệt của quán là trên các bức tường nhỏ treo những tấm ảnh đen trắng đám cưới của cô chú khi còn rất trẻ. Tôi hỏi thì được biết rằng năm ấy chú 17 tuổi còn cô 16. Những tấm ảnh qua thời gian vẫn mang nét đẹp làm say đắm lòng người. Mỗi khi bước chân vào quán, cho dù chật chội tới đâu, chỉ cần nhìn lên những tấm ảnh nhuốm màu thời gian ấy là tự nhiên thấy lòng mình sảng khoái, lâng lâng đến lạ. Và, tôi gọi đó là thưởng thức cả hồn cốt và văn hóa của tô bún bò.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

2. Một anh bạn kể với tôi câu chuyện rằng quê anh ở miền Trung, mỗi năm anh đều về Tết. Năm nọ, mẹ anh cấy được ít lúa nếp cái hoa vàng ven sông, anh cảm nhận nó vô cùng quý giá đối với mình. Anh đã cất công mang nó trên chuyến xe đò chật chội sau Tết từ miền Trung vào Sài Gòn. Anh tặng cho những người mà anh yêu quý mỗi người mấy ký và anh cũng không quên tặng cho sếp của mình. Ít bữa sau, một người bạn thân làm cùng đơn vị nói lại với anh rằng người sếp ấy nói thời buổi này mà T. đem tặng mấy ký gạo. Anh nghe rồi buồn vô hạn và nói với bạn mình, rằng đúng là anh quên, ai lại thời buổi này đi tặng gạo cho sếp lớn. Rồi anh bảo khi tặng gạo cho mọi người, anh hình dung ra tấm lưng hơi còng của mẹ mình đội nón lá, mặc áo tơi đi cấy lúa giữa trời đông giá rét ở ven sông. Anh hình dung ra cả quy trình từ khi mẹ anh cấy lúa cho tới khi làm cỏ, chăm bón rồi gặt hái, xay xát để có những hạt gạo trắng ngần ấy. Anh hình dung mỗi hạt gạo có bóng hình mẹ anh trong đó, có cả những nỗi khổ cực, vất vả in hình bóng người mẹ yêu quý của anh.

3. Thỉnh thoảng tôi đi báo cáo, nói chuyện, đi dạy ở đâu đó cũng có những người bạn, những anh chị em học viên quý mến gửi tặng ít ký gạo, mấy ký khô và thậm chí có lần… Phó bí thư thường trực Huyện ủy Bù Đốp, Bình Phước còn tự tay mình đi vào vườn nhà chặt cả buồng chuối tặng tôi. Nhận những món quà như vậy thấy vui và xúc động lạ thường. Chả phải mình không đủ tiền để mua hàng tấn gạo, không đủ tiền để mua cả tạ khô, mua cả xe tải chuối, nhưng những món quà ấy mới tình nghĩa làm sao. Đó là những món quà của sự trân quý nhau, nó chứa đựng trong đó tình cảm rất thật, bởi có ai đi “đút lót” bằng mấy ký gạo hay bằng buồng chuối đâu, mà tôi là gì để người ta phải đút lót.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Vậy nên, khi ăn cơm được nấu bằng những hạt gạo ấy mới thấy nó ngon, ngọt làm sao. Ngon, ngọt không phải chỉ bởi từ hạt gạo mà cả từ tấm lòng người trao tặng. Cũng vậy, một người bạn thân của tôi ở An Giang, gia đình anh có nghề làm bánh lọt. Bánh nhà anh do chính mấy công ruộng ba má anh tự cày cấy rồi lấy chính hạt gạo đó để làm. Anh được nuôi dưỡng và trưởng thành từ nồi bánh vất vả ấy của cha mẹ. Nay, dù đã già, cha mẹ anh vẫn không bỏ nghề, phần vì vui với công việc, phần gì không muốn phụ ân tình của nghề đã nuôi sống gia đình. Có lần, anh gửi từ An Giang lên TP.HCM cho tôi mấy bịch bánh. Khi nhấm nháp ly bánh anh gửi, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh cần mẫn, già nua, đôn hậu của cha mẹ anh. Tôi hình dung họ đang xay bột, nấu nước đường lá dứa, nấu nước cốt dừa, chế biến bánh ra sao. Cũng đã từng ăn những món sơn hào hải vị, song tôi cảm nhận món bánh anh gửi tặng hôm ấy mới ngon làm sao, nó ngon lạ ngon lùng!

Đã có một thời chúng ta thiếu thốn nên chỉ cầu “ăn no, mặc ấm”. Nay với nhiều người, cái thời khốn khó đã qua, đã đến lúc chúng ta hướng tới “ăn ngon, mặc đẹp”. Ngon hay không là ở vị giác, ở cảm xúc của mỗi người khi ăn. Những sản phẩm, những món ăn mang trong nó cả tâm tình, cảm xúc ắt hẳn sẽ giúp nhiều người cảm thấy thú vị...

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều