Khi nhà tôi chuyển đến xóm Đảo, vợ chồng cô Huệ đã ở đó từ bao giờ. Xóm chỉ có dăm nóc nhà, nằm trơ vơ biệt lập như một ốc đảo.
Khi nhà tôi chuyển đến xóm Đảo, vợ chồng cô Huệ đã ở đó từ bao giờ. Xóm chỉ có dăm nóc nhà, nằm trơ vơ biệt lập như một ốc đảo.
Nhà tôi và nhà cô Huệ sát cạnh nhau. Vợ chồng cô Huệ không có con. Gọi là gia đình nghe “hoành tráng”, nhưng trước sau nhà cô chỉ có đúng hai nhân khẩu! Ở xóm Đảo, những xích mích bực bõ, mất đoàn kết giữa các nhà toàn bắt nguồn từ những chuyện trời ơi đất hỡi, không đâu vào đâu. Chẳng hạn như nhà cô Huệ ở phía trên, sau mỗi trận mưa rào, đất đá và rác thải chảy dồn xuống nhà tôi. Nhiều lần bố tôi bảo chú Long - chồng cô nên gom rác lại thành đống rồi đốt đi, đừng để gió lốc làm tung tóe, vừa bừa bộn, dơ dáy lại ô nhiễm môi trường. Nhưng chú Long phớt lờ. Dậu cúc tần bố tôi trồng làm ranh giới giữa hai nhà, lần nào chú cũng nhổ bật gốc lên. Chú không nói, không rằng, cứ ngấm ngầm làm. Mấy lần xảy ra tranh cãi, bố và chú suýt đánh nhau! Hồi đó, tôi chẳng hiểu ất giáp gì, chỉ nghe mẹ dặn, chuyện người lớn, không được tham gia. Mẹ tôi không ăn chay, niệm Phật, nhưng lòng mẹ lúc nào cũng độ lượng, bao dung, không bao giờ vô tình hay hữu ý gieo rắc, tiêm nhiễm, đầu độc vào đầu óc chúng tôi những hẹp hòi, ích kỷ của người lớn. Phần tôi “luôn luôn lắng nghe” nhưng “lâu lâu mới hiểu”, coi như không biết, không nghe, không thấy chuyện gì. Chẳng phải vì ngoan đến mức luôn vâng lời mẹ dạy, mà bởi tôi không thể nào ghét cô chú được. Thi thoảng tôi nghe bố mẹ phàn nàn rằng tính khí chú Long khó chịu, ưa đố kỵ, nhỏ nhen. Mỗi khi rào vườn, chú lại lấy xẻng gạt đất lấn xuống nhà tôi thêm một tí.
Ảnh minh họa: Còm |
Xóm Đảo của tôi, nhà nào cũng có vườn cây ăn quả. Lũ giặc nhà trời tụi tôi, đứa nào cũng hau háu nhìn trái chín. Trong xóm có mấy thằng bằng tuổi tôi nghỉ học sớm, nghịch phá lêu lổng, hay rình mò ăn trộm những thứ lặt vặt của xóm giềng. Tôi chẳng đài các kiêu sa gì, nhưng cũng là con một, thuộc dạng “gia giáo con nhà”, nên bố mẹ cấm chỉ, không cho giao du cùng bọn chúng. Mỗi lần hẹn gặp bạn, tôi phải lẻn ra ngoài để không bị phát hiện. Lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi câu nói nửa dọa nạt, nửa nhắc nhở, lại như cảm thông của mẹ: “Bố mày mà biết thì nhừ đòn con ạ!”. Thế nên, mỗi tối ngồi vào bàn học bài, nghe tiếng huýt sáo của tụi bạn, tôi chỉ dám lỉnh ra chốc lát rồi lại quay vào học. Chúng nó (đôi khi có cả tôi) đi vặt quả, xanh chín gì cũng vặt sạch, không phải vì thèm lạt mà chủ yếu chỉ để cho... vui. Mỗi “phi vụ” như thế đám bạn đều chia cho tôi một phần, để tôi không… khai báo. Nhà cô Huệ hay bị hái trộm hoa quả trong vườn, có lẽ cũng bán tín bán nghi tôi là thủ phạm, nên nhiều lần chú Long rình cả đêm. Dĩ nhiên chú không bắt được gì. Vì tôi vẫn ngủ say tít thò lò. Tức khí, chú quay sang phía nhà tôi lớn tiếng chửi đổng. Mãi đến hôm chú tóm được hai thằng “trẻ trâu” đang ngồi chễm chệ trên cây thì tôi mới được “minh oan”. Nhưng cũng từ đấy chẳng đứa nào dám bén mảng vào vườn nhà chú hái trộm quả nữa.
Nhà tôi với nhà chú Long không bằng mặt, cũng chẳng bằng lòng. Mâu thuẫn cứ âm ỉ, kéo dài. Cho tới ngày xảy ra một sự kiện. Dạo đó đang mùa đông. Một đêm rét cắt da cắt thịt, làng xóm đã tắt đèn ngủ im lìm, bố tôi vẫn đang lui cui với sổ sách. Bỗng bố nghe trong tiếng gió bấc ràn rạt trên mái nhà có mùi khói và tiếng lửa nổ lép bép, liền hé cửa bước ra ngoài. Một cảnh tượng hãi hùng. Bếp nhà cô Huệ đang cháy, ngọn lửa rừng rực đã leo lên vách bếp, chẳng mấy chốc sẽ lan lên nhà trên. Không chần chừ, bố nhảy thốc qua hàng rào, vừa hét to báo cháy, vừa chạy đến đập cửa gọi chủ nhà dậy. Với sự giúp sức của bố tôi và mọi người trong xóm, ngọn lửa được khống chế kịp thời, nhà chú Long thoát khỏi vụ hỏa hoạn nhỡn tiền. Thì ra cô Huệ nấu cám heo, dập lửa không kỹ.
Kể từ hôm suýt cháy nhà, chú Long thay đổi hẳn thái độ với gia đình tôi. Chú tự động mang hoa quả vườn nhà sang biếu bố mẹ tôi, cô Huệ và mẹ tôi còn vui vẻ nhận nhau làm chị em kết nghĩa. Tính cô Huệ vốn xởi lởi, rộng rãi. Lâu nay vì sợ chồng, không muốn gia đình xào xáo, cơm không lành, canh không ngọt, cô không dám qua lại với hàng xóm láng giềng. Bây giờ như được “cởi trói”, hai người đàn bà trở nên gắn bó mật thiết như hai chị em. Tôi nghĩ có lẽ do muộn con nên tính khí chú Long mới khó chịu, thất thường làm vậy!
Mẹ bảo, cô Huệ số khổ, lấy chồng hàng chục năm chưa một lần về thăm quê. Ngày bé cô phải chăn trâu, cắt cỏ, quằn cả người vì vất vả và vì thiếu ăn. Lớn lên cô xin làm công nhân Xí nghiệp Gạch ngói Đống Năm, rồi xây dựng gia đình. Xui xẻo là lúc bé chú Long mắc bệnh quai bị, nhà nghèo không có điều kiện kiêng khem cẩn thận nên bị chạy hậu, không có khả năng sinh con. Thèm đứa con để ôm ấp, vỗ về, có tiếng khóc cười ríu ran cho nhà cửa bớt hiu quạnh, cô chú từng xin một cậu bé còn ẵm ngửa về nuôi. Nào ngờ vừa mến tay mến chân, mẹ thằng bé xót quá, lại mang tiền đến xin chuộc con. Từ đó cô chú chòng chọc sống với nhau, như hai người đàn ông. Có lẽ do trời không cho cô chú cái phúc, cái phần được làm cha mẹ nên họ thương yêu, quý mến tôi như con. Gia đình tôi và gia đình cô Huệ ngày một thân thiết như anh em một nhà.
Bố tôi bất ngờ bị tai nạn lao động. Chiếc máy làm bún cướp đi của bố hai đốt ngón tay trên bàn tay phải. Gia đình tôi vốn dĩ đã khó khăn, trăm sự trông chờ vào nghề làm bún, lại phải chữa chạy thuốc men, cứu lấy bàn tay đang dần bị hoại tử cho bố. Bí quá, mẹ lần hồi bán dần đồ dùng trong nhà, còn phải vay mượn thêm của anh em, bè bạn. Cô Huệ, chú Long có gần tạ thóc dự trữ cho ngày giáp hạt. Cô chú giấu giếm bán bớt thóc dự phòng, để đỡ đần cho mẹ. Về sau, vết thương lành miệng, bố trở lại là “trụ cột”, lao động chính trong nhà. Ban ngày, bố vẫn cặm cụi làm bún khô. Tối đến, chú Long mang ấm nước chè sang, hai người “đối ẩm”, có khi bố đệm đàn ghi-ta cho chú Long hát, giọng chú không thật hay nhưng tôi nghe mãi cũng quen và đâm ra “ nghiền” lúc nào.
Tôi cứ thế lớn lên trong tình yêu thương của cả hai gia đình. Thiếu điểm vào Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, tôi khăn gói vào Nam học theo nguyện vọng 2. Lúc chia tay mọi người lên đường, cô Huệ tặng tôi chiếc đồng hồ đeo tay làm kỷ niệm. Cô dặn dò tôi đủ thứ, y như bà mẹ hiền lành hay càm ràm, lắm lời của tôi. Suốt mấy năm đi học xa nhà, mỗi lần về nghỉ hè, hay lễ tết, cô lại dấm dúi cho tôi ít tiền, dù tôi nhất mực từ chối. Cô bảo, con gái tuổi cập kê, biết bao thứ phải “xài” (cô bắt chước cách nói của tôi từ ngày vào Nam học tập). Có lúc tôi tưởng như cô Huệ là chị em ruột của mẹ, và tôi biết cô chưa hết khát khao có một đứa con.
Năm cuối đại học, tôi nghe tin sét đánh. Đang khỏe mạnh, mẹ tôi bỗng đột ngột qua đời vì cảm mạo. Tôi đau lòng khôn xiết. Thương người ra đi bao nhiêu thì thương người ở lại bấy nhiêu. Bố tôi sống thui thủi một mình trong cảnh cô đơn, buồn bã. Tốt nghiệp ra trường, tôi bám trụ ở thành phố công nghiệp bởi xin việc ở ngoài Bắc phải có các tiêu chí “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ…”. Thương bố mà tôi chẳng làm gì được cho ông. Mỗi lần tôi nghỉ phép, cô Huệ lại giục: “Mau xin về ngoài này, không thì lo mà lấy chồng, sinh con đẻ cái cho ông có cháu bế bồng, tuổi già đỡ tủi”. Tôi cứ “dạ, vâng” rồi… để đó.
Mẹ tôi mất ít lâu thì chú Long bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ngày chú qua đời, tôi xin công ty cho nghỉ mấy hôm về cùng cô Huệ lo đám tang. Xong lễ bốn chín ngày chú Long, mọi người khuyên bố con tôi nên đón cô Huệ về cùng một nhà, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Tôi cũng tha thiết thỉnh cầu nhưng bố chỉ im lặng. Cô Huệ cũng nhất mực từ chối, bảo cô không muốn đi đâu khi mộ chú Long còn chưa xanh cỏ… Cô không sang ở cùng nhưng ngày ngày vẫn qua cơm nước, dọn dẹp cho bố tôi rồi lại về nhà mình. Tôi cảm thấy yên tâm nên cũng tặc lưỡi, phó thác việc trông nom, chăm sóc bố cho cô Huệ.
Năm tháng qua đi. Ngày tôi lấy chồng, không còn mẹ nhưng tôi có bố và cô Huệ dắt tay lên bục hôn lễ, gửi gắm cho gia đình chồng.
Sau đám cưới vài năm, vợ chồng tôi mua được căn nhà cấp 4 nho nhỏ. Thường cách đôi ba năm, vợ chồng con cái tôi lại khăn gói về quê ăn tết, thăm ông bà nội ngoại. Mỗi lần đưa lũ trẻ về xóm Đảo, tôi lại ngập chìm trong cảm giác sung sướng, hạnh phúc của ngày thơ bé, khi thấy nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, như khi mẹ còn sống. Bọn trẻ tha hồ vui chơi trong sự chiều chuộng của “bà ngoại” Huệ. Không khí đoàn tụ ấm cúng hạnh phúc vô cùng. Bàn thờ tổ tiên của nhà tôi luôn được chăm sóc kỹ, trong bức di ảnh, mẹ âu yếm nhìn chúng tôi, nở nụ cười mãn nguyện!
Truyện ngắn của Huyền Quy