Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) do Bộ TT-TT ban hành có hiệu lực từ ngày 17-6, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy tắc này đã chỉ ra những chuẩn mực ứng xử trên môi trường mạng, để người sử dụng biết cách ứng xử phù hợp…
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) do Bộ TT-TT ban hành có hiệu lực từ ngày 17-6, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy tắc này đã chỉ ra những chuẩn mực ứng xử trên môi trường mạng, để người sử dụng biết cách ứng xử phù hợp…
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ giúp người dùng chia sẻ thông tin có trách nhiệm hơn. Trong ảnh: Một bạn trẻ ở TP.Biên Hòa theo dõi livestream trên mạng xã hội |
Kỳ vọng môi trường mạng “sạch” hơn
Một số ý kiến cho rằng, môi trường MXH vốn rất phong phú, đa dạng với nhiều thông tin tích cực nhưng cũng không ít thông tin tiêu cực, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần của người khác... Những sự việc sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật trên MXH xảy ra trong thời gian gần đây rất đáng lo ngại.
Để xử lý những vi phạm nêu trên, ngoài việc xây dựng hành lang pháp lý thì giải pháp giáo dục ý thức người dùng thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên MXH vừa được Bộ TT-TT ban hành được nhiều người kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian tới, góp phần làm “sạch” hơn môi trường MXH.
“Bộ quy tắc ứng xử có nội dung rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, tôi tin rằng khi nắm được các quy tắc sẽ giúp người dùng MXH hình thành thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử trên mạng. Bộ quy tắc sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật hướng tới một môi trường mạng an toàn, lành mạnh” - anh Trần Văn Lâm (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhận xét.
Theo anh Lâm, thời gian gần đây tính năng livestream trên MXH được người dùng sử dụng khá phổ biến vào các mục đích: kinh doanh online, để quảng bá hình ảnh cá nhân, “câu like”, tăng lượng người theo dõi kênh... Tuy nhiên, trong không ít livestream này có những nội dung tiêu cực, phản cảm, phát ngôn gây thù hận, xúc phạm danh dự cá nhân, tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... Thực trạng này cần được chấn chỉnh theo những quy tắc đã được ban hành, nhằm vừa bảo đảm quyền tự do cá nhân, kinh doanh, vừa lành mạnh hóa MXH.
Đưa quy tắc vào cuộc sống…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng lệch chuẩn trên MXH. Bên cạnh các vấn đề căn cơ từ cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, hiện tượng này cũng cần đặt trong tổng thể về trình độ dân trí, xã hội và nhu cầu thưởng thức các giá trị tinh thần của công chúng. Để tạo ra một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là của cả cộng đồng. Trong đó có vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH và ý thức của người dùng trong việc rà soát, ngăn chặn từ gốc, đẩy lùi các hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Theo Sở TT-TT, để dọn “rác mạng”, thời gian qua các cơ quan quản lý cũng ban hành nhiều văn bản, quyết định xử lý các hành vi vi phạm. Mới nhất là việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, dù không có tính bắt buộc thực thi như một văn bản pháp luật nhưng bộ quy tắc là căn cứ quan trọng để xây dựng quy định về ứng xử khi tham gia MXH của mỗi cơ quan, đơn vị, có tác dụng định hướng, giúp điều chỉnh hành vi của người sử dụng MXH.
Để bộ quy tắc được phổ biến rộng rãi đến người dân, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, Sở TT-TT đã có văn bản triển khai nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đến các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đề nghị triển khai thực hiện.
Để Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đi vào cuộc sống, phát huy những hiệu quả thiết thực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền. Không chỉ có cơ quan chức năng mà các tổ chức xã hội, nhà trường… phải góp phần truyền thông để mọi người, nhất là giới trẻ nắm rõ các giá trị cốt lõi của bộ quy tắc. Dựa theo bộ quy tắc này để xây dựng bộ quy tắc riêng, phù hợp với đặc thù công việc cho từng tập thể, đơn vị. Cụ thể hóa bộ quy tắc khung của Bộ TT-TT thành những chỉ dẫn sao cho phù hợp với từng đối tượng, từng bối cảnh… theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng để người dùng xem nó như một phần thiết yếu không thể thiếu khi tham gia MXH.
Kim Liễu
Chị Hồ Hồng Nguyên, Bí thư Tỉnh đoàn:
Giúp giới trẻ chia sẻ thông tin có trách nhiệm hơn
Thông qua các fanpage của Đoàn từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức Đoàn trong tỉnh đã triển khai nội dung Bộ quy tắc ứng xử trên MXH đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Qua đó, giúp đoàn viên nắm rõ hơn, cụ thể hơn nội dung bộ quy tắc, biết những việc nên và không nên làm khi tham gia mạng MXH. Từ đó, giúp các bạn trẻ sử dụng MXH một cách lành mạnh, có ý thức, biết chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho cộng đồng.
Để bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, theo tôi nên làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi người biết đến Bộ quy tắc ứng xử trên MXH là gì, nó có vai trò như thế nào. Khi đã hiểu rõ, nắm rõ thì việc đưa bộ quy tắc vào cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể cũng cần nhanh chóng đưa bộ quy tắc ứng xử vào các tiêu chí thi đua, nội quy, quy chế làm việc của từng địa phương, đơn vị. Song song đó, cũng cần tăng cường xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia MXH. Đặc biệt, quy tắc xử phạt phải theo hướng để người dân tự điều chỉnh hành vi chứ không phải tăng lực lượng giám sát, xử phạt.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Trung tâm Khoa học - công nghệ (Sở KH-CN):
Nắm rõ các quy tắc để ứng xử đúng
Bộ quy tắc ứng xử trên MXH hiện đang được đăng tải phổ biến trên mạng, mọi người nên tham khảo để nắm các quy tắc ứng xử chung. Nội dung bộ quy tắc rất cần thiết cho những ai tham gia MXH bởi ứng xử trên mạng cũng giống như ứng xử ngoài đời thực, thậm chí nó còn có sức ảnh hưởng nhiều hơn so với ngoài đời bởi không gian mạng không có giới hạn và nó có sức lan tỏa khủng khiếp.
Tôi cho rằng, không chỉ có các bạn trẻ mà rất nhiều người lớn tuổi cũng cần nắm rõ những quy tắc ứng xử trên mạng. Bởi khi sử dụng MXH, dù bạn có ẩn danh để không ai biết nhưng nên nhớ môi trường xung quanh bạn, người thân, bạn bè những tiếp nhận thông tin của bạn đều là người thật và những ảnh hưởng đều có thật.
Chị Phan Hồng Trâm, công nhân Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom):
Sớm phổ biến bộ quy tắc cho người lao động
Tôi có nghe nói về Bộ quy tắc ứng xử trên MXH nhưng nội dung cụ thể thì chưa nắm rõ. Theo tôi, các cấp Công đoàn cần phổ biến cụ thể bộ quy tắc gồm những nội dung gì, quy định ra sao để thì người lao động nắm, tránh vi phạm và tham gia MXH tích cực hơn.
Hiện nay, do dịch bệnh cộng với điều kiện sinh hoạt còn hạn chế nên phương tiện giải trí chủ yếu của công nhân trong thời điểm hiện nay là điện thoại thông minh. Hầu như thông tin nào trên mạng cũng có, gần đây có tình trạng nhiều người lên mạng livestream bóc phốt, chửi bới lẫn nhau làm ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của người khác… nhưng lại thu hút giới công nhân theo dõi, tham gia bình luận, chia sẻ rất nhiều. Bên cạnh đó, các thông tin sai lệch về dịch Covid-19, quảng cáo vay nặng lãi… cũng xuất hiện không ít. Mong rằng, bộ quy tắc sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi những thông tin xấu, độc trên MXH.
Gia An (ghi)