Giữa bộn bề khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại, nông dân lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác trong việc duy trì sản xuất. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tiêu thụ sản phẩm gặp khó trong khi đầu vào (nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón...)
Giữa bộn bề khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại, nông dân lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác trong việc duy trì sản xuất. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tiêu thụ sản phẩm gặp khó trong khi đầu vào (nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón...) lại đang tăng giá mạnh. Đơn cử, con gà lông trắng là sản phẩm chủ đạo của hàng ngàn trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai đang có mức giá thấp kỷ lục: 6-7 ngàn đồng/kg mà tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Thị trường của gà lông trắng là các nhà máy chế biến thực phẩm, các bếp ăn công nghiệp, hệ thống nhà hàng và hệ thống các quán bán thức ăn nhanh... Song do dịch bệnh Covid-19 lan rộng, nhà hàng quán ăn đóng cửa, các bếp ăn công nghiệp hoạt động cầm chừng khi nhiều khách hàng của họ (các công ty, doanh nghiệp) phải tạm ngưng sản xuất để phòng dịch nên gà lông trắng đang ế ẩm, rớt giá mạnh làm người nuôi thua lỗ nặng.
Không chỉ con gà lông trắng, heo hơi cũng đang giảm giá dù nhu cầu tiêu thụ vẫn tăng nhẹ do nguồn cung trước đó tăng mạnh, mặt khác do vận chuyển khó khăn, các chợ đầu mối lớn dừng hoạt động… nên người nuôi heo chật vật tìm đường xuất bán.
Các mặt hàng khác như trái cây, rau củ… cũng gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng đứt gãy, vận chuyển chậm chạp, đối tác tiêu thụ lại đang gồng mình với những khó khăn riêng của họ. Chưa kể, thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều áp lực và có thể đứt gãy bất cứ lúc nào khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới.
Dĩ nhiên, không ai “dám” chờ đợi sự suôn sẻ, thuận lợi như bình thường trong giai đoạn mọi người đều đang gồng mình chống dịch, song vẫn phải có những giải pháp cấp kỳ để hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp, giúp họ duy trì sản xuất - cũng là giúp giữ an ninh lương thực của tỉnh, của cả nước trong bối cảnh này. Bài toán kết nối - tiêu thụ lúc này càng cần phải được đẩy nhanh bằng nhiều kênh nhất có thể (trên nền tảng chấp hành các quy định phòng, chống dịch).
Đó là phải đẩy mạnh các kênh tiêu thụ nội địa, nỗ lực tham gia thị trường xuất khẩu, nhất là tăng cường sản lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, kết nối chặt chẽ nguồn cung với các hệ thống siêu thị và chuỗi bán lẻ… để vừa giải phóng hàng tồn cho nông dân, vừa đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn cần các giải pháp hỗ trợ “sát sườn” cho doanh nghiệp, nông dân: bình ổn giá các nguyên liệu đầu vào, giãm thuê và giãn thuế, giãn nợ, chỉ đạo hạ lãi suất, hỗ trợ người lao động…
Chỉ có đồng bộ các giải pháp một cách nhịp nhàng, hiệu quả thì mới có thể phần nào “gỡ” bớt được gánh nặng trên vai nông dân và doanh nghiệp lúc này.
Vy Lâm