GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế vừa đi kiểm tra thực tế công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Đồng Nai. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đồng Nai cần chuẩn bị thêm nhiều khu cách ly, khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Theo Thứ trưởng, phải chuẩn bị kịch bản xấu nhất để chủ động ứng phó.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế |
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế vừa đi kiểm tra thực tế công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Đồng Nai.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đồng Nai cần chuẩn bị thêm nhiều khu cách ly, khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Theo Thứ trưởng, phải chuẩn bị kịch bản xấu nhất để chủ động ứng phó.
* Sẽ hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhân lực cho Đồng Nai
* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở Đồng Nai?
- Tình hình dịch bệnh ở Đồng Nai đang có những diễn biến rất phức tạp. Do đó, Đồng Nai cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất để có những ứng biến phù hợp, tránh bị động, lúng túng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế chúng tôi nhận thấy ngành Y tế ở Đồng Nai tương đối vững, anh em chuyên tâm, chuyên môn tốt. Hơn nữa, vừa qua Bộ Y tế đã cử đoàn cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vào Đồng Nai để hỗ trợ tỉnh trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bệnh viện ở Đồng Nai cũng có cơ sở vật chất khá tốt, là điều kiện thuận lợi để triển khai các cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Chúng tôi tin tưởng ngành Y tế Đồng Nai khi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
* Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Đồng Nai hiện còn thiếu khá nhiều trang thiết bị, máy móc, đặc biệt là máy thở, monitor… Bộ Y tế có giải pháp gì để hỗ trợ Đồng Nai, thưa ông?
- Bộ Y tế đã đề nghị tỉnh Đồng Nai tổng hợp những trang thiết bị, máy móc cần thiết, kể cả nhân lực để gửi Bộ Y tế. Dựa vào nhu cầu của tỉnh, Bộ sẽ hỗ trợ để tỉnh thực hiện tốt công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh.
* Tỉnh Đồng Nai có đến hơn 1,2 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiệp rất lớn. Vậy Bộ Y tế có hướng dẫn như thế nào cho Đồng Nai trong công tác phòng dịch trong khu công nghiệp?
- Số lượng công nhân lao động trong khu công nghiệp của Đồng Nai gấp nhiều lần so với Bắc Ninh, Bắc Giang. Mặt khác, Đồng Nai giáp ranh với TP.HCM, Bình Dương, là 2 địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp ở Đồng Nai rất lớn.
Để phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh lan rộng vào khu công nghiệp, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết các kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra trong khu công nghiệp.
Ở thời điểm này, chúng tôi đề nghị Đồng Nai nên có giải pháp mạnh hơn để các nhà máy, doanh nghiệp bố trí cho công nhân ở lại, ăn, ở, sản xuất trong nhà máy để vừa đảm bảo sức khỏe vừa đảm bảo công tác sản xuất. Bởi điều mà chúng tôi lo ngại nhất là nếu để dịch bệnh lan rộng trong khu công nghiệp, trong khu nhà trọ công nhân thì hậu quả sẽ rất nặng nề và công tác dập dịch rất khó khăn.
* Theo ông, Đồng Nai cần chuẩn bị kịch bản điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ra sao?
- Hiện tại, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM rất căng thẳng. Bộ Y tế đã lường trước, nếu tình hình dịch bệnh ở TP.HCM tiếp tục xấu hơn, ngoài khả năng đáp ứng của thành phố thì các địa phương lân cận, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai sẽ phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh lân cận trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đồng Nai cần nhanh chóng đưa vào hoạt động 2 khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng với tối thiểu 100 giường hồi sức tích cực để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của Đồng Nai và các địa phương lân cận.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn theo dõi công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 của tỉnh (Cơ sở 3 Trường đại học Lạc Hồng, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) qua hệ thống camera giám sát. Ảnh: Hạnh Dung |
* Công nhân lao động sẽ sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19
* Khi nào thì công nhân lao động ở Đồng Nai được tiêm vaccine phòng Covid-19, thưa Thứ trưởng?
- Số lượng vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là sau tháng 9 năm nay.
Riêng trong tháng 7 này, dự kiến có khoảng 9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về đến Việt Nam. Trước mắt, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế chuyển ngay hơn 1 triệu liều vaccine cho TP.HCM. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ưu tiên phân bố số lượng vaccine lớn cho các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, có đông công nhân như Đồng Nai.
Trong đợt tới đây, Bộ sẽ phân bổ cho Đồng Nai hơn 230 ngàn liều vaccine. Khi số lượng vaccine về nhiều hơn, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vaccine dựa trên mật độ dân số, đặc thù của từng tỉnh. Tỉnh nào có nhiều khu công nghiệp, công nhân đông như Đồng Nai sẽ được ưu tiên phân bổ vaccine và dự kiến công nhân lao động sẽ sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19.
* Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào và người dân cần phải làm gì trong lúc này?
- Dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ thị kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Nhất là những địa phương đang có những diễn biến dịch phức tạp như Đồng Nai, đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì người dân cần nghiêm túc chấp hành các quy định phòng dịch. Người dân nên ở nhà nhiều nhất có thể, thực hiện tốt 5K và chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách như: đi mua bán thực phẩm, đi khám chữa bệnh tại bệnh viện…
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hạnh Dung (thực hiện)
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng: Chú ý vấn đề an ninh mạng, tránh gây hoang mang trong công nhân
Đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai tham mưu cho UBND tỉnh siết chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Các chốt kiểm soát dịch bệnh cần duy trì tốt hoạt động 24/24 giờ, kiểm soát cho được nguồn lây từ bên ngoài vào tỉnh, nhất là từ TP.HCM. Đồng Nai cần tăng cường sử dụng lực lượng phản ứng nhanh trong điều tra, truy vết, trong đó có lực lượng công an. Cho phép áp dụng các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật để truy vết các F0, xác định rõ lịch trình di chuyển, quan hệ tiếp xúc bởi hiện nay có nhiều trường hợp F0 khai báo rất nhỏ giọt, giấu giếm dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh phức tạp.
Đặc biệt, lưu ý vấn đề an ninh mạng, có những hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có biện pháp tuyên truyền cho công nhân lao động, tránh gây tâm lý hoang mang trong công nhân lao động.
Tổ trưởng Tổ hỗ trợ công tác phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đồng Nai Nguyễn Đức Sơn: Tăng tốc truy vết, xét nghiệm hơn nữa
Dịch bệnh tại Đồng Nai hiện đang tập trung chủ yếu trong cộng đồng và các công ty. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc điều tra, truy vết, xét nghiệm còn chậm. Do đó, tỉnh cần tăng tốc độ truy vết, xét nghiệm để có thể thực hiện xét nghiệm được 200 ngàn mẫu gộp/ngày.
Ngoài ra, cần chuẩn bị từ 5-10 ngàn giường để cách ly F1. Các khu điều trị bệnh nhân Covid-19 và các khu cách ly tập trung cần giao cho lực lượng quân đội phụ trách quản lý và các công tác hậu cần để lực lượng y tế tập trung làm chuyên môn.
Các cơ sở điều trị không nên xen kẽ cả bệnh nhân thường và bệnh nhân Covid-19 vì dễ gây lây nhiễm chéo. Cần kiểm soát chặt tất cả các bệnh viện trên địa bàn, không để lọt F0 vào bệnh viện bằng cách xét nghiệm cho tất cả nhân viên, bệnh nhân, người nhà khi vào bệnh viện.
An Yên (ghi)