Đi vào hoạt động từ hơn 16 năm nay, Cơ sở Phở Hoàng Hằng ở xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong khu vục và trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương.
Đi vào hoạt động từ hơn 16 năm nay, Cơ sở Phở Hoàng Hằng ở xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong khu vục và trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương.
Ông Vương Ngọc Hoàng giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Đào Lê |
Theo ông Vương Ngọc Hoàng, chủ Cơ sở Phở Hoàng Hằng, để có thể nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, việc đầu tư cho máy móc, công nghệ chế biến là điều rất cần thiết. Cơ sở này đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để quảng bá ra nhiều tỉnh, thành và vào được các siêu thị, trung tâm thương mại lớn.
* Đầu tư máy móc để sản xuất đạt quy chuẩn
Cơ sở Phở Hoàng Hằng bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2004, suốt thời gian dài, là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương nên sản phẩm cũng chỉ tiêu thụ trong xã, trong huyện với số lượng không nhiều. Nghề làm sợi phở truyền thống đã có mặt ở H.Thống Nhất mấy chục năm qua, gắn bó với nghề là những hộ gia đình có truyền thống cha truyền con nối.
Quy trình sản xuất sợi phở khá công phu. Trước tiên là vo gạo, ngâm gạo qua đêm rồi xay gạo với nước thành bột mịn. Sau đó lọc bỏ nước lấy bột đặc rồi nhào bột đều tay, tiếp đến tráng bánh sao cho bánh chỉ dày khoảng 1mm, rồi phơi bánh khô se, công đoạn cuối là cắt bánh thành sợi.
Để sợi phở có độ dai ngon mà không cần dùng đến những chất phụ gia độc hại, người làm phở pha vào bột gạo, bột năng hoặc bột khoai. Trước đây, tất tần tật mọi công đoạn để làm ra sợi phở đều là thủ công, người thợ để làm ra được sợi phở rất vất vả mà sản lượng chưa cao. Việc sản xuất còn phụ thuộc vào thời tiết bởi mỗi khi trời mưa, chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, hơn nữa độ phơi không đồng đều.
Sau những lần trăn trở, suy nghĩ, ông Vương Ngọc Hoàng nhận thấy muốn sản xuất ra số lượng lớn và chất lượng đạt quy chuẩn thì cần phải đầu tư máy móc cho khâu chế biến.
Từ đó, cùng với sự hỗ trợ một phần cả nguồn vốn chương trình khuyến công tỉnh, năm 2018 cơ sở đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại với vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Dây chuyền sản xuất có thể cho ra các loại sản phẩm như: bánh phở, bánh đa cua, hủ tiếu các loại. Dây chuyền bao gồm máy xay, máy trộn bột, máy cắt, máy sấy tạo thành một dây chuyền khép kín.
Với dây chuyền sản xuất mới, cơ sở đã làm chủ được độ ẩm trong bánh phở, hủ tiếu các loại, điều mà trước đây không làm được. Sản phẩm làm ra không cần sử dụng chất bảo quản. Dây chuyền sản xuất cũng giúp cắt giảm chi phí nhân công, làm giảm giá thành, hiệu quả tăng lên rõ rệt.
“Những năm gần đây, khâu xay bột, trộn bột, tráng bánh và sấy khô đã được cơ sở chúng tôi dùng bằng máy móc thay thế, chúng đều được làm bằng 100% gạo nguyên chất xay thành bột mịn như tơ, sau đó được đổ lên băng truyền tải của máy tráng bánh, được hấp chín bằng sức nóng của hơi nước, đem sấy khô và cắt sợi. Việc ứng dụng máy móc theo chương trình khuyến công mang lại hiệu cao, không phải lệ thuộc thời tiết nữa” - ông Hoàng chia sẻ.
Trước đây, với dây chuyền cũ, cơ sở phải cần tới 10 lao động để đứng máy và làm thủ công, việc đầu tư máy móc hiện đại đã tiết giảm số lượng lao động còn một nửa. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, dù đầu tư công nghệ song cơ sở vẫn giữ lại một số công đoạn thủ công với mục đích giữ gìn chất lượng sợi bánh và vẫn đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Việc kết hợp này đã giúp Cơ sở Phở Hoàng Hằng ngày càng tăng năng suất sản xuất và thu nhập tăng gấp đôi so với trước đây.
* Làm thương hiệu đưa sản phẩm vươn xa
Để đáp ứng yêu cầu tốt hơn của thị trường, Cơ sở Phở Hoàng Hằng đang nghiên cứu dây chuyền đóng gói tự động và không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mục tiêu tới đây là mở rộng thị trường phân phối hướng đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Trung bình mỗi năm Cơ sở Phở Hoàng Hằng có thể cho ra thị trường khoảng 120 tấn sản phẩm các loại, gấp nhiều lần so với trước đây chỉ làm thủ công.
Dây chuyền cán phở tự động của cơ sở. Ảnh: Đào Lê |
Sản phẩm của cơ sở hiện đã dần trở thành mặt hàng quen thuộc trong tỉnh và từng bước chính phục khách hàng trong nước. Trong đó, phân phối nhiều ở các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, TP.Long Khánh và một số điểm dừng chân ở tỉnh Lâm Đồng và H.Xuân Lộc. Thậm chí sản phẩm còn được cung cấp đến người tiêu dùng ở thị trường miền Trung.
Để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu, phở Hoàng Hằng đã tham gia vào chương trình OCOP (chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương và hiện tại 5 sản phẩm của cơ sở đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bên cạnh đó, khi tham gia chương trình OCOP, Cơ sở Phở Hoàng Hằng cũng đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận đủ điều kiện an toàn sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng và bảo hộ logo, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm website, hệ thống bao bì, tem nhãn sản phẩm.
“Việc tham gia chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho sản phẩm của cơ sở. Việc được Nhà nước công nhận sản phẩm cũng là chỉ dấu cho chất lượng của cơ sở chúng tôi, giúp cho khách hàng trong nước biết đến nhiều hơn, là điều kiện để thương hiệu phở Hoàng Hằng tiếp tục vươn xa” - ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, bún, phở, hủ tiếu các loại là món ăn không thể thiếu đối với người dân Việt Nam. Nhất là mỗi dịp lễ, tết đến, sản lượng và số lượng tiêu thụ của cơ sở được tăng lên so với ngày thường. Phở Hoàng Hằng hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục được người tiêu dùng ủng hộ hơn nữa. Cơ sở luôn mong muốn luôn đồng hành cùng người tiêu dùng Việt, từng bước chạm đến ước mơ của mình. Mỗi ngày mỗi cố gắng thay đổi để đạt được chất lượng tốt hơn, sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn để đáp ứng mọi nhu cầu của quý khách hàng. Đưa hương vị tinh túy, đậm đà bản sắc của Việt Nam trở thành thương hiệu ẩm thực vang danh, đại diện cho tâm hồn và những tinh túy đặc sắc nhất trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Để phát triển thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp địa phương, giai đoạn 2021-2025, H.Thống Nhất phấn đấu có từ 8-10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 9 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao của cấp tỉnh gồm: nấm mèo đen của Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng; cơ sở thanh long đỏ lên men; chuối chiên giòn, chuối sấy dẻo của Cơ sở Sản xuất Cường Hoa; hủ tiếu khô, hủ tiếu dốt, phở tươi, bánh đa cua, bánh đa dốt của Cơ sở Phở Hoàng Hằng. Năm 2021, huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, hồ sơ đánh giá sản phẩm của 3 cơ sở thực hiện chương trình OCOP là: sản phẩm khô gà Toàn Dương của xã Gia Tân 1, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX Dốc Mơ Farm của xã Gia Tân 3 và rượu đinh lăng Tửu Vương của xã Xuân Thiện. |
Đào Lê