Lại một mùa hè đặc biệt nữa vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà trẻ em không thể đón mùa hè đúng nghĩa, không được đi đây đó cùng gia đình, không được tham gia các lớp học ngoại khóa, kỹ năng sống… Đa phần các em chỉ quanh quẩn ở nhà với tivi, máy tính, điện thoại...
Lại một mùa hè đặc biệt nữa vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà trẻ em không thể đón mùa hè đúng nghĩa, không được đi đây đó cùng gia đình, không được tham gia các lớp học ngoại khóa, kỹ năng sống… Đa phần các em chỉ quanh quẩn ở nhà với tivi, máy tính, điện thoại...
Cha mẹ nên hướng dẫn các con chơi những trò chơi tăng tính sáng tạo. Ảnh: P.Liễu |
Để “kéo” con rời khỏi màn hình điện thoại, tivi, máy vi tính, không ít phụ huynh đã nghĩ ra nhiều ý tưởng hay, sáng tạo, giúp trẻ vừa có thể vận động, vừa rèn kỹ năng sống để mùa hè của các em vẫn bổ ích, ý nghĩa.
* Rèn kỹ năng mềm cho trẻ
Chị Nguyễn Hồng Nhi (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) có 2 con gái học lớp 7 và lớp 4. Từ đầu tháng 6-2021, vào những ngày nghỉ cuối tuần, chị thường dành thời gian dạy con làm việc nhà (lau nhà, quét nhà, rửa chén) và nấu ăn. Đến nay con gái lớn của chị ngoài việc phụ mẹ dọn nhà còn tự biết nấu một bữa ăn đơn giản; con gái nhỏ cũng biết phụ việc nhà như: quét nhà, phơi đồ, gấp đồ…
Ngoài ra, để hiểu được tâm tư, tình cảm của con, chị Nhi còn cho con viết cảm nhận, suy nghĩ của con về gia đình và những vấn đề gần gũi xung quanh. Cụ thể như: Con muốn ba mẹ thay đổi điều gì? Con có hạnh phúc không? Ước mơ của con là gì? Theo con thế nào là một người con hiếu thảo?... Qua các bài viết này, chị sẽ hiểu hơn suy nghĩ của con về ba mẹ, cách nhìn nhận của con về cuộc sống để có sự cảm thông, chia sẻ, định hướng cho con trong cách suy nghĩ, ứng xử.
Phụ huynh đồng hành với con trong lúc làm việc nhà để tăng sự tương tác và tình cảm gia đình |
Không chỉ dạy con khả năng tự lập, kỹ năng sống, một số phụ huynh còn hướng dẫn của con phụ kinh doanh online. Chẳng hạn như chị Nguyễn Phương Ánh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã hướng dẫn con gái học lớp 5 theo dõi, ghi lại đơn hàng; sau đó viết tên, địa chỉ, số điện thoại vào gói hàng để gửi đi. Xử lý xong mỗi đơn hàng, chị “trả công” cho con 10 ngàn đồng để bỏ heo tiết kiệm.
Chị Ánh chia sẻ: “Vào đợt dịch bệnh, tôi bán hàng online nên khá bận rộn. Công việc làm không hết, đơn hàng nhiều. Trong khi con cắm cúi chơi điện thoại cả ngày nên cũng lo. Bây giờ cấm con chơi điện thoại cũng khó nên chỉ cho chơi 1-2 giờ/ngày, còn lại phải phụ mẹ làm việc nhà và phụ ghi đơn hàng. Tôi cũng ngạc nhiên vì con tiếp thu nhanh, làm việc chăm chỉ, cẩn thận. Có làm con mới hiểu sự vất vả của mẹ nên tự nguyện giúp đỡ mẹ thêm một số công việc nhà. Mừng nhất là thời gian “ôm” thiết bị điện tử của con cũng giảm đi đáng kể”.
* Đồng hành với con...
Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thời gian trẻ nghỉ hè vẫn còn nhiều, để con trẻ không dán mắt vào các thiết bị điện tử, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Thời điểm này, cha mẹ cần dành thời gian để cùng con vui chơi, giải trí và hướng dẫn con các kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, tránh những thông tin xấu, độc hoặc nguy cơ bị lừa đảo trên mạng xã hội.
Anh Trần Minh Tâm (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ làm việc ở nhà nên anh có thời gian chăm sóc con cái nhiều hơn. Anh và các con lập kế hoạch cùng làm, cùng chơi. Nhà có một khoảnh sân nhỏ, anh Tâm cùng các con trồng rau, cắt tỉa cây cảnh, thay nước hồ cá hoặc cùng hì hụi sửa chữa đồ đạc trong nhà. Có khi anh còn hướng dẫn các con làm những đồ dùng xinh xinh từ những vật dụng không dùng đến.
“Muốn con rời xa điện thoại thì chính cha mẹ phải làm gương. Tôi ít bị phân tâm bởi những cuộc tán gẫu với bạn bè hay sa đà vào những thông tin giật gân trên mạng xã hội. Ngoài những lúc làm việc phải sử dụng đến điện thoại, laptop, thời gian còn lại tôi thường dành cho các con. Nhờ đó, tôi và các con hiểu nhau hơn. Tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn các con làm nhiều việc trong nhà để rèn luyện cho các con biết sống tự lập hơn” - anh Tâm chia sẻ.
Phụ huynh đồng hành với con trong lúc làm việc nhà để tăng sự tương tác và tình cảm gia đình |
Đồng tình với anh Tâm, chị Trần Mỹ Ngọc, một giáo viên ngụ P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho biết, con gái chị đã 13 tuổi nhưng lâu nay ít làm việc nhà, sẵn thời gian nghỉ hè, chị tranh thủ hướng dẫn con làm việc nhà, nấu ăn, làm bánh. Mới đầu hai mẹ con cùng làm, cùng rửa chén, lau dọn nhà cửa. Mong muốn của chị là con vui vẻ rời màn hình các thiết bị điện tử để làm việc nhà. Cha mẹ không chỉ lên danh sách các việc rồi giao cho con kiểu “ra lệnh” phải làm, các con sẽ không thích hoặc làm trong tâm trạng miễn cưỡng, mà cha mẹ nên cùng làm, cùng chia sẻ với con.
Để mùa hè của trẻ không nhàm chán, không ít phụ huynh còn cùng con đọc sách; giúp con hiểu và chấp hành đúng các quy định trong phòng chống dịch bệnh; dạy con cách giao tiếp, ứng xử… Nhờ cha mẹ có nhiều thời gian dành cho con hơn đã giúp cha mẹ và các con hiểu nhau hơn; giúp con biết tự lập, làm được nhiều việc bổ ích, ý nghĩa trong mùa hè “đặc biệt”; hạn chế những trò chơi vô bổ trên điện thoại.
Phương Liễu
ThS Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa):
Lập thời gian biểu cho con
Những ngày nghỉ hè và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến trẻ em sử dụng thiết bị điện tử ngày càng tăng. Việc này không có lợi về mặt sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, để tách dần trẻ em ra khỏi thiết bị số, cha mẹ nên cùng con lập ra một thời gian biểu những hoạt động hằng ngày, hạn chế thời gian chơi thiết bị điện tử tăng cường thời gian dạy trẻ biết tự lập, kỹ năng giao tiếp ứng xử cũng như biết phụ giúp việc nhà. Thời gian biểu này không phải chỉ dành cho các con, mà cha mẹ cũng cùng tham gia hoạt động với trẻ, để trẻ luôn cảm thấy hào hứng và ấm áp.
Ông Dương Bá Thông, Trưởng phòng Phương pháp công tác Đội, Nhà thiếu nhi Đồng Nai:
Cha mẹ phải làm gương
Thời gian này, cha mẹ nên tranh thủ rèn kỹ năng sống cho con, bắt đầu từ sinh hoạt hàng ngày như: tập thể dục, làm việc nhà… để mỗi ngày của trẻ đều có ý nghĩa. Bởi trong quá trình làm việc, trẻ sẽ rèn luyện kỹ năng, thao tác cũng sẽ chuẩn xác hơn... Từ đó hình thành và rèn giũa thói quen yêu lao động, nề nếp trong lối sống. Để kéo con rời màn hình điện thoại, tivi..., cha mẹ phải làm gương, sẽ không có hiệu quả khi yêu cầu con tắt máy điện thoại, máy tính còn cha mẹ thì không.